Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

“Thuyền đợi” Vũ Dương Tá

 
Ảnh: Internet
 
Sau mấy năm in thơ trong Câu lạc bộ và in chung với bạn bè,tháng 4-2006, “ Thuyền đợi”, tập thơ đầu tay của Vũ Dương Tá đã ra mắt bạn đọc *. Đó là một tin rất vui đối với chúng tôi, những người luôn khao khát và đam mê “ nàng thơ ” như anh.
Ngay ở trang đầu “ Thuyền đợi”, Vũ Dương Tá đã không ngần ngại viết ra điều anh tâm niệm:
Nương náu trong ta, thanh lọc tâm hồn
Thơ cho ta cái Đời còn dè sẻn
Ta nhờ Thơ vay năm tháng Đời còn
Chỉ cùng Thơ ta mới sống lâu hơn…
Vẫn biết cái niềm đam mê ấy không chỉ riêng anh có, nhưng chỉ ít người viết ra được như thế. ở độ tuổi U70 như anh hay nói vui, người ta thường có tâm lý sống an nhàn, thụ hưởng những gì cuộc sống mang lại. Tuy thế không phải không có lúc nghĩ ngợi băn khoăn trước tuổi tác. Hình như anh cũng không phải là ngoại lệ ! Nhưng may mắn thay, thơ đã giúp anh, hay nói đúng hơn, niềm đam mê thơ đã mang lại cho anh nguồn sinh lực mới để anh sống vui hơn và anh tin mình sẽ sống lâu hơn !

Trong một dịp trao đổi về thơ Vũ Dương Tá có nói rằng Thơ với Đời là một. Điều này có thể được chứng minh qua “ Thuyền đợi” ? Một bài thơ anh viết như là sự tổng kết cuộc đời mình, ta có thể nhận ra điều anh nói :
Nào ngờ nay đã bẩy mươi xuân
Nếm trải phong ba khắp bụi trần
Chân đi bao dặm xuyên đất nước…
Và những ngày còn lại anh đã hăm hở đến với thơ, đến với văn chương: Để luyện làm thơ, tập viết văn !
( Nguyện vọng )
Trước khi đến với thơ ( và không phải chỉ có thơ, anh còn chụp ảnh, vẽ tranh và làm tượng), anh đã sống hết mình cho đến tận bây giờ ! Những năm tháng và môi trường anh đã trải qua : Công nhân ngành in; học trường Bổ túc Công nông T.W;Sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội về Bộ Giao thông Vận tải; nhập ngũ là cán bộ kỹ thuật xe máy tại Binh chủng Công binh và Pháo binh…gần 20 năm trong quân đội, được phục vụ bộ đội chiến đấu ở các chiến trường trong cả nước đã giúp anh trưởng thành, vốn sống là chất liệu cho thi ca và nghệ thuật…

Con người đã từng nếm trải phong ba ấy lại thật dịu dàng, xúc động khi viết về người mẹ của mình:
Con sáu bẩy cõng mẹ chín tư
Ra ghế ngồi đón chào năm mới
Trên lưng con nhẹ nhàng mẹ hỏi :
Mới hôm nào đã tết rồi ư ?
Một cử chỉ rất tự nhiên, rất thân thương, mang đầy ơn nghĩa của một người con với mẹ của mình. Thật là cảm động ! Trên lưng con nhẹ nhàng mẹ hỏi, đó là lời của con nhắc lời của mẹ. Nhưng tôi nghĩ, thử hỏi trong cuộc sống hôm nay của chúng ta, có bao nhiêu người làm được như câu thơ của Vũ Dương Tá ? Chúng ta đã từng hơn một lần rung động nghe câu hát phổ thơ của Nguyễn Khoa Điềm “ Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”…Mẹ bồng con, mẹ địu con đã là biểu tượng của tình mẫu tử. Bây giờ đọc thơ Vũ Dương Tá: Con sáu bẩy cõng mẹ chín tư, đó cũng là biểu tượng của tình mẫu tử !Một cử chỉ đồng thời là hình tượng thơ và cũng là biểu tượng của đạo lý ấm áp ngàn đời, anh gọi đó là hạnh phúc. Đó chẳng phải là một đóng góp của tác giả “ Thuyền đợi” đối với thơ ?

Trong tập thơ đầu của mình, Vũ Dương Tá đã suy ngẫm nhiều, cảm xúc nhiều trước biết bao bộn bề của đời sống hôm nay. Anh “ nhớ quê hương nhớ dòng sông câu hát” ( Xuân quê ), anh nao lòng nhớ “ nếp thơm đóng oản, chè kho thay lời” của làng Xa La quê anh mỗi khi đến “ mà hẹn hò” của lứa tuổi yêu đương; Anh luận bàn ý nghĩa của những ngày hưu “ Về già thi hoạ là duyên/ Đam mê nghệ thuật dễ tiền nào mua”, anh thương khóc một người em mất sớm ở xứ người, anh chia vui cùng người bạn vong niên trở thành họa sỹ lúc tuổi đã cao trở về thăm quê nhà sau mấy chục năm xa cách và anh thốt lên đến ngỡ ngàng Ơi quê,ơi đời sao đẹp thế !.

Cũng như bao người làm thơ khác, Vũ Dương Tá đã dành cho tình yêu những câu chữ mặn nồng và tươi tắn:
Giá mà tay nắm được tay
Bóng em trong đáy mắt đầy niềm vui
Giá mà em của riêng tôi
Thắt lưng xanh ấy buộc đôi chúng mình
( Giá mà )
Dù cái “ Giá mà” ấy của ngày nào đã được “hiện thực” hoá rồi, nhưng ai mà biết được mỗi đời người có biết bao lần “ giá mà” như thế ! Những bài khác như Nhớ, Một nửa, Trên ban công nhà nghỉ, Biển và Thuyền, Tình cờ, Số phận, Xin đừng…đều là những biến tấu đáng yêu của cái “ giá mà” trên kia của Vũ Dương Tá.

Với 43 bài thơ trữ tình duyên dáng mà mộc mạc, mộng mơ mà chân thành, tác giả “ Thuyền đợi” còn được bạn đọc chờ đợi, nàng thơ chờ đợi và hẹn gặp lại lần sau.

Đỗ Thế Mậu
Hội VHNT Hoà Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét