Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Thơ Đoàn Thị Lam Luyến và dằng dặc nỗi đa đoan


Thơ Đoàn Thị Lam Luyến và dằng dặc nỗi đa đoan
Phạm Thị Phương Thảo
Thứ sáu ngày 8 tháng 3 năm 2013 3:29 PM

Có lẽ trước đây đã có nhiều người biết tên tuổi của Nhà thơ nữ Đoàn Thị Lam Luyến từ những năm 89-90 với tập thơ đầu tay mang tên "Lỡ một thì con gái". Chị đã được nhiều bạn đọc yêu thơ và đặc biệt là giới phụ nữ từng ngưỡng mộ và yêu mến vì chất thơ "đặc sệt" đàn bà. Đặc biệt sau này, nhiều bài thơ có phần chanh chua "nổi loạn" của chị còn luôn ám ảnh người đọc bởi cái chất mê say và cũng "tưng tửng" rất riêng như "Hát theo Thị Màu" hay "Chồng chị chồng em"...
Sau này nhiều người còn biết đến chị bởi những câu thơ được nhạc sỹ Thuân Yến phổ nhạc trong bài hát nổi tiếng mang tên "Khát vọng" có những câu như:
   "Gửi tình yêu vào đất
Được hoa trái đầy cành
Ngước lên trời cao rộng
Sẽ được ngọn sóng xanh"

Người đàn bà tuổi Mão ấy sinh năm 1951 ở một vùng quê chiêm trũng nghèo khó của Hưng Yên. Cuộc đời chị đã phải lăn lóc và bươn chải sớm với bao nghề lao động chân tay vất vả từ nhỏ. Do có chút năng khiếu nghệ thuật và lại yêu hội họa, văn thơ từ khi còn nhỏ nên chị đã có cơ hội được thoát ly gia đình sớm để vào học trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Đây cũng là một bước ngoặt lớn đã làm thay đổi cuộc đời chị.
Nhà thơ nữ Đoàn Thị Lam Luyến mê say thơ và cũng từng thăng trầm, khổ sở vì thơ, âu đó cũng là do cái nghiệp thơ đã vướng vào mình thật là khó gỡ. Chị từng nổi tiếng sớm với những bài thơ viết về người phụ nữ có những nỗi truân chuyên với những mối tình đa đoan, phức tạp và hiểm hóc. Tôi biết chị còn tự " nảy Kiều" để diễu mình:
"Làng thơ có chị Đoàn Lam
Tình dọc thì ít, tình ngang thì nhiều
Mới gặp cứ tưởng dễ yêu
Xem trong âu yếm có chiều chông gai".
Đó là những mối tình éo le và ẩn chứa đầy những rắc rối mà chị biết trước nhưng không thể tránh:
"Cái dần vục phải cái sàng
Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau"
Chị đã tuyên bố thẳng thừng khát vọng yêu và được yêu mãnh liệt của mình:
"Con tim em hạn hán
Tình anh là mưa bay"
Nhiều người đã từng biết đến bài thơ "Chồng chị chồng em" có những câu thơ chua xót về thân phận người phụ nữ như thế và đau đớn thay:
"Được lúa, lúa đã gặt bong
Được cải, cải đã chặt ngồng muối dưa".
Chị đã sống hết mình, yêu hết mình và cũng rất chi là ghê gớm để giành giật lấy tình yêu mặc dù đã cay đắng tự nhận lỗi lầm về phía mình:
"Em đã chiếm đoạt anh từ tay người đàn bà kia
Giống như người đàn bà kia đã đoạt anh từ tay người đàn bà khác"
Và đôi khi giọng điệu thơ chị cũng lại ngạo mạn rất tưng tửng:
"Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm".
Những cuộc tình trong thơ chị luôn quyết liệt đến tận cùng và cũng cháy bỏng nỗi khao khát vô bờ bến:
"Em như vạt cháy rừng quanh năm đòi cứu hỏa
Như con lũ sông Hồng chỉ trực vỡ đê
Nếu hạnh phúc không thể là vĩnh viễn
Điên cũng cần cho xứng với đam mê".
Mặc dù đã phải chờ đợi tình yêu với đủ cả hương vị của hạnh phúc và buồn đau của chính mình và của cả người trong cuộc với những nỗi khó nhọc tưởng ấy chừng như hóa đá từ rất lâu:
"Có thể nào thành đá
Có thể nào thành lá
Có thể nào thành cây
Miếng trầu tôi thật cay". ( Bài Đợi)
Nỗi niềm khao khát ấy thật là mãnh liệt nhưng vô cùng mong manh và ngay từ thời xa xưa ấy chị đã ngang nhiên không cần che giấu:
"Nếu yêu nhau sao chẳng sống hết mình
Ngày đã xa, đêm rồi, xin chớ lạc
Ta hãy trao nhau nỗi niềm khao khát
Và cả những giờ phút biếng nhác ở bên nhau".
( Bài Đừng hứa sẽ cho nhau)
Và sự ghen tuông nơi chị cũng thật là kinh khủng khi tình yêu tuột khỏi tay mình:
"Ghen như sôi và giận như điên
Người đàn bà vớt trái chín trên tay vừa bị lăn xuống đất"
( Bài Chiến tranh)
Giống như bao người đàn bà, chị cũng đã từng khờ dại vì yêu và mơ ước một hạnh phúc mong manh giống như "làm nhà trên lưng cá voi":
"Cầu Giời cho cá đừng bơi
Tháng ngày một chốn đôi nơi mong chờ".
Dù mong ước và khát khao thật nhiều, nhưng khi đã đi đến gần với mùa thu của cuộc đời mà duyên phận đôi lứa hình như cũng không mỉm cười cùng chị,
"Cái phận trước, cái duyên sau
Nào ai tính được dài lâu với trời"
Thơ chị lại được cất lên từ nỗi đau thân phận của người đàn bà đa đoan, chắc có lẽ vì:
"Lòng người cái biển tý hon
Mà nghìn năm nữa vẫn còn sâu xa
Có bờ để đánh thuyền ra
Không bờ để tự bao la sóng dào".
( Bài Biển trong ta)
Nhưng bù lại trời lại cho chị biết bao nghị lực và sự rắn rỏi mà không phải ai trong đời cũng mơ ước mà có được. Bao nhiêu những suy nghĩ và quan niệm về cuộc sống và tình yêu chị đã ghi chép gói ghém lại và đúc kết trong tập Gửi tình yêu và Sao dẫn lối.
Tôi biết, đằng sau con người tưởng chừng mạnh mẽ ấy vẫn là sự cô đơn, mong manh và những phút yếu đuối rất đàn bà:
" Mà sung sướng mà khổ đau
Mà từng nhuộm trắng mái đầu đương xanh"
Có lẽ bởi chị mang "Dáng hình ngọn gió" nên cuộc đời chị luôn phải trăn trở khi "Gửi tình yêu" và "Nói với anh" để cho ai đó trong cuộc đời với dằng dặc khổ đau này có thể thấu được nỗi truân chuyên của mình chăng. Đó có lẽ là số mệnh của một người đàn bà tài hoa, đa đoan:
"Cái dần vục phải cái sàng
Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau" và:
"Dở dang suốt nửa cuộc đời
Bỗng dưng hiện một mặt trời trong nhau"
Tưởng chừng hạnh phúc đã cầm chắc trong tầm tay, thế mà quả chín ngọt lại biến thành quả đắng và tuột khỏi tự khi nào.
"Đa tình cùng với đa đoan
Tơ duyên cứ nối lại càng đứt thêm" (Bài Gọi Kiều)
Bây giờ khi nghe chị đọc lại những bài thơ tình của mình và khi nhắc lại những câu thơ ngày xưa ấy, tôi thấy chị đã mỉm cười, một nụ cười bao dung trước số phận nghiệt ngã và cuộc đời. Chắc chắn những nỗi đau thân phận đã giúp chị làm nên những bài thơ rất đàn bà và đầy sức ám ảnh. Chị đúng là một giọng thơ cá tính, thông minh và đầy bạo liệt.
Hiện nay với cương vị là Giám đốc Trung Tâm "Quyền sao chép tác giả" của các Nhà văn, Nhà thơ Việt Nam, tôi thấy chị luôn bận rộn với bao công việc để in ấn, làm sách, vẽ tranh, giao lưu văn chương cùng việc giữ bản quyền cho tác giả nhưng chị vẫn không thôi niềm đam mê với thơ cùng dằng dặc những nỗi truân chuyên suốt đời của mình.
"Khi vui muốn có một người
Khi buồn muốn cả đất trời hòa chung"
(Bài Chồng chị, chồng em)
Bây giờ khi chị vui sẽ không chỉ "muốn có một người" nữa mà chắc chắn là đã có rất nhiều người yêu thơ chị bên cạnh giống như chúng tôi. Ngày đầu xuân, chúng tôi cùng các nhà thơ nữ ở Hà Nội như chị Phạm Hồ Thu, chị Nguyễn Thị Kim, chị Chử Thu Hằng, Chị Kim Anh, Thúy Tím... và không thể thiếu một người bạn là Nhà thơ Hoàng Hòa- Một nhà thơ nữ thân thiết ở Quảng Ninh đã đến thăm gia đình chị. Chúng tôi luôn được chị mời giao lưu và cùng đọc thơ cho nhau nghe tại nhà chị. Trong niềm vui ấm áp ấy, chị ngồi trầm ngâm rồi tâm sự hồi lâu cùng chúng tôi những vui buồn của nghiệp thơ,cả những nỗi chao chát, đau đớn, khát khao, trải nghiệm giữa thơ và đời nhưng vẫn không quên tư vấn cho các nhà thơ về việc giữ bản quyền trong sáng tác của mình.
Tôi ngưỡng mộ và trân trọng thơ chị, một người đàn bà đầy nghị lực đã dám vượt lên số phận để sống hết mình vì tình yêu mặc cho bao nỗi đau xót, éo le và mất mát để tự khẳng định mình và chị đã làm được nhiều việc có ích cho đời cùng giới văn chương. Thơ tình của chị vẫn mãi là sự ám ảnh trong tâm hồn bao người đang yêu và thơ chị dường như cũng biết nói hộ cả tiếng lòng đầy quyết liệt của nhiều người đàn bà đam mê nhưng bất hạnh khác.

1 nhận xét: