Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Xuân Cảnh và tập thơ : Đò mây



Xuân Cảnh và tập thơ : Đò mây
                                                       ( NXB Hội Nhà văn VN)

Tôi thật sự khách quan khi đọc Đò Mây, tập thơ do NXB Hội nhà văn Việt Nam cấp phép và ấn hành tháng 2/2012. Khách quan bởi cho đến lúc này tôi cũng chưa rõ thân thế và sự nghiệp của tác giả Xuân Cảnh…Nhưng theo như lời giới thiệu của nhà thơ Phạm Trường Thi - hội viên Hội nhà văn VN thì tác giả Xuân Cảnh là nông dân. Ông Thi nói: “ Anh là nông dân thứ thiệt 100%, chứ không như ai đó là nông dân cày đường nhựa…”
Tôi thích “người thơ” Nguyễn Xuân Cảnh, mặc dù chưa hề gặp, chưa quen…nhưng không sao, như nhà thơ Bằng Việt nói : “Thơ là tiếng chim gọi đàn”, chính vì vậy ta có tìm hiểu nhau, cảm nhau… qua thơ thì cũng là chuyện bình thường.
Ngôn từ , câu chữ trong thơ nói lên bộ dạng, giọng điệu, tính cách, niềm vui nỗi buồn  của từng tác giả trong những khoảnh khắc tư duy với mình , với đời nhất là với nhịp sống nhân thế ở ngay bên mình…
Quả thật, nếu cầm tập thơ Đò Mây mà chỉ đọc lướt qua một lượt thì ta chưa thể có được những cảm xúc, hay nhận xét gì và dễ cho qua một cách nhanh chóng…Tôi đọc đi đọc lại, có bài đọc  chậm để “nhâm nhi”, để thưởng thức câu thơ hay để hiểu về ông nông dân làm thơ này, mới tâm đắc để viết ra một vài cảm nhận với Đò Mây của Nguyễn Xuân Cảnh hôm nay.
Trước khi nói về Đò mây của NXC, tôi thích thú vì NXC là một nhân chứng sống ở Kinh Môn, ở Hải Dương và rộng ra là ở VN, chúng ta cũng vậy đều là nhân chứng cho một nhận định , một tự hào : Việt Nam là đất nước của  Thi ca. Thật vậy! nhiều sách vở đã viết tổng kết về truyền thống của Dân tộc Việt Nam có hai điều nổi trội là Đánh giặc giữ nước và yêu thi ca. Thơ không chỉ làm đẹp cho cuộc sống, xây dựng con người mà còn là động lực, là lời kêu gọi, là mệnh lệnh tấn công…Thơ song hành trong cả quá trình giữ nước, dựng nước của VN ta…Chính vì vậy, việc ở VN chúng ta ngày nay mọi đối tượng làm thơ và dần đã khảng định : Thơ là của mọi người , mọi nhà chứ không thể chỉ của một số người, không là đặc quyền của riêng ai. Người ta đã nói: Khi mà sự rung động và nhịp đập của con tim viết lên thành câu chữ trên trang giấy thì đấy là thơ – Không ai có thể ngăn cản được một người, mọi người bầy tỏ tâm tư của mình ( kể cả vui, buồn, khổ đau, sung sướng, với đời, với mình…trên trang giấy hay nói rõ hơn làm làm thơ ).
Trở về với Đò Mây của NXC, với tập thơ gồm 67 bài, trong đó có 43 bài thơ Lục-bát, còn lại là thơ 7 chữ, thơ 5 chữ, thơ tự do…tất cả các thể thơ mà NXC đã sử dụng với nhiều đề tài, nội dung khác nhau… Đọc Đò Mây ta nhận ra ngay NXC là người yêu thơ vô  cùng, anh trăn trở với mình “ Mỗi đêm có một giấc mơ/ Mỗi ngày có một ‎í thơ chào đời”, có nghĩa là trong anh khi ăn, khi ngủ, khi chơi …cũng đều có thơ . Trong sân chơi của chúng ta cũng có người đã viết: Đời còn sống đến bao giờ/ Tàn hơi xin trọn với Thơ cuộc tình”. Hay có một HV Thơ đã chín mươi tuổi, mấy người bạn đến chơi, khuyên ông bỏ làm thơ đi vì làm thơ đau đầu lắm, ông trả lờì: “ Có người bạn mới đến thăm tôi/ Khuyên bỏ thơ đi kẻo mệt người/ Không đâu !Tình thơ lai láng lắm/ nếu bỏ chơi thơ tớ về trời”.
Cũng một cách nói dân dã hơn NXC coi thơ như một món nợ không trả được của anh: “ Nợ tình cảm lớn nhất trên đời/ Nợ thơ chẳng kém hỡi người, người ơi!” (Nợ-trang 82), hay: “ Đò mây qua biết bao lần/ Sao tôi chưa dệt được vần thơ hay?” ( Đò mây-trang 14)
Tôi xin đề cập tới hai phần đậm nét rút ra được trong tập Đò Mây là tính Nhân văn và Trữ tình .

Thật vậy! Với Xuân Cảnh một đợt mưa tầm tã , rầm rề mấy ngày liền, anh ngồi nhìn trời, nhìn mưa mà chạnh lòng thương cảm “… mấy chú chim non/ Tập chuyền ướt cánh rét run trên cành…Anh Thương bà chạy chợ đường xa/ Cái áo tơi cũ mưa đà ướt thân…Còn hơn thế nữa, anh thương cả …Đàn kiến ở góc sân/ Sợ mưa ướt trứng nó khuân chạy hoài…( bài Mưa). Chỉ thế thôi , ta đã thấy ở NXC một tấm lòng không chỉ sống cho mình mà cần quan tâm tới mọi đối tượng, tới nhân tình thế thái của cuộc sống quanh mình, liên quan tới mình. Hay trong bài BÃO ( trang 49), chỉ bằng 22 từ anh đã chuyển tải được lòng thương cảm với không ít số phận của nhiều em đang sống vô gia cư:
Ầm ầm gió nổi
Mịt mờ mưa sa
Cánh cò non chơi với
Về đâu em
                   Chiều nay :
                             Không cửa
                                      Không nhà !
Đọc xong câu thơ ta thấy quặn đau, thương cảm như tưởng mình đang bắt gặp lệ ngấn trong con mắt tác giả khi nhìn thấy một em bé, hay mấy em bé đang co quắp ôm nhau ở một vỉa hè nào đó trong giông bão của cuộc đời…
Trong thời mở cửa, cuộc sống và con người tất bật, ồn ào với mưu sinh, giầu lên đấy, sung sướng hơn rồi đấy …nhưng nó cũng kèm theo một sự ngược chiều và thách thức với thân  phận từng con người, từng gia đình về sự vô cảm,suy giảm về tâm lí, tình cảm và đạo đức trong lối sống, trong cư xử giữa người với người…Với NXC thì không, ít ra cũng có thể võ đoán anh qua những vần thơ. Anh : Nhớ ! Mắt trông vời miền đất mẹ/Mịt mờ gió bụi dặm quan san. Đọc hai câu thơ trên , ta như phảng phất đâu đó bóng dáng những chinh phu xa nhà vì nghĩa lớn mà lòng quặn đau nhớ về quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình… NXC qua những câu thơ, bài thơ đã thể hiện có nhân cách và giầu tính nhân văn.
 Với Thơ, người ta thường nói : Thơ lục –bát làm thì dễ nhưng mà hay thì khó. Đúng như vậy. Thế mà Đò Mây của NXC lại chiếm tới 2/3 là lục bát…với tôi rất cảm thông với tác giả và cũng rất thầm phục tác giả trong quá trình sáng tác đã tạo ra những bài thơ, câu thơ Lục- bát khá nhuần nhuyễn, giầu hình ảnh…Mặc dù, chưa phải bài nào cũng hay, cũng nuột nà trong câu chữ, nhưng tôi chủ quan khảng định gần như không có bài nào hay câu lục bát nào của Xuân Cảnh trong Đò Mây bị ép vận hay lỗi vần.
 Nói thì dễ, làm được rất khó, nếu như tác giả đã không vật lộn, cầy xới trên « cánh đồng chữ nghĩa », thì làm sao có được câu thơ :
Hôm qua anh đến chợ tình
Vội vàng nhặt ánh mắt mình bỏ quên
                                                ( Quyến rũ trang 41)
Chỉ cần hai dòng trong cặp lục bát này cũng có thể là một bài thơ được rồi. Không những thế, trong câu Bát ta bắt gặp cái tài Xuân Cảnh khi dùng từ  NHẶT- mà là nhặt ÁNH MẮT mới tài, mới thơ…Người ta NHẶT một vật gì đó…chứ không thể nhặt, gói hay buộc, hay cầm…một vật chỉ nhìn thấy hình ảnh, bộ dạng hiểu í tứ như Ánh mắt.
Nói hai câu có thể là bài thơ độc lập được, vì trong 2 câu thôi nhưng nó chứa đủ yếu tố : Địa điểm- không gian- thời gian đến chợ của tác giả- đồng thời nhân vật mà mình tả trong thơ ( mặc dù chỉ con mắt bỏ quên đại diện cho nhân vật đối thoại của tác giả)…
Vâng : Hôm qua anh đến chợ tình/ Vội vàng nhặt ánh mắt mình bỏ quên…để rồi : Ra về thao thức cả đêm/ Muốn ngủ chẳng được , muốn quên không đành…Xin mọi người đừng trách anh Cảnh đã quá si tình hay đa cảm. Thấy cái đẹp, bắt gặp cái đẹp, biết ngưỡng mộ, biết trầm trồ, biết ước mơ…thì đấy mới thực sự là đàn ông. (Tôi nhớ lại có người đã viết : Ta trói em từ cái nhìn bất chợt…sao trói được cái nhìn. Mà từ NHÌN là động từ…      văn không bao giờ viết như vậy, nhưng thơ lại nói được, bởi vì Thơ còn có “ ẩn dụ” riêng của nó và câu tiếp theo là : Em ném sang ta giông bão của đời…hai câu thơ tả mở đầu cho một mối tình « Sét đánh » như trong đời sống tình yêu người ta vẫn dùng…Trở lại với NXC trong bài « Quyến rũ », anh còn 2 câu nữa : Áo chàm quyến rũ hồn anh / Áo hồng, áo tím, áo xanh đâu rồi ?, chính tác giả vừa hỏi vừa tự trả lời người đọc : Hình ảnh cô gái áo chàm đã quến rú, đã bắt mất tâm trí anh rồi, anh quên mất tất cả các cô gái khác ( có thể tạm coi là các cô gái miền xuôi với hình ảnh mầu sắc : Hồng-Tím- Xanh, Vàng…ở ngay bên mình). Như câu thơ ai đã viết : Bóng hồng thấp thoáng nẻo xa/ Lòng anh phấp phới theo tà áo nâu.
Trong mạch thơ Lục-bát,ngoài thơ tình, Xuân Cảnh cũng thành công trong tả cảnh thiên nhiên, quê hương, xã hội mà chúng ta đáng ghi nhận. Trong bài : Bình minh Côn Sơn, 2 câu mở bài : «  Mặt hồ trong sáng như gương/ ( chưa thơ)…Nhưng câu tiếp theo : Bình minh thả cả vừng dương xuống hồ- Hay : Đứng nhìn dòng nước trong veo/ Bóng trăng ở lại, cánh bèo trôi xuôi..( bài Trăng non-trang 59)Hai câu tám này thực sự là thơ. Đọc câu thơ này ,tự nhiên tôi so sánh Xuân Cảnh với Trần Hữu Kim, cũng là nông dân-Hội viên CLB Thơ VN khi đi Đồ Sơn giao lưu thơ, về nhà anh viết bài : Biển bình minh…Có những câu : Biển sớm như nồi nước sôi/ Lừ đừ nổi-Viên bánh trôi mặt trời/ Sóng về từ giữa trùng khơi/ Nơi nước như lửa nối đuôi hôn bờ…Những người làm thơ ở ngay Hải Phòng và Đồ Sơn phải thốt lên : Thánh thật, mình ở ngay biển , sống với biển hàng ngày mà không nghĩ ra tứ thơ như vậy…Không liên tưởng được sự kiện diễn ra trong đời sống thường nhật như ông Kim…Câu thơ : Bình minh thả cả vầng dương xuống hồ…của Xuân Cảnh cũng vậy, chắc gì các nhà thơ sống gần bên cạnh hay ở ngay Côn Sơn đã viết, đã bắt được cái thần của thiên nhiên lúc ấy để đặt vào câu thơ của mình… Còn nữa , NXC còn nhiều câu thơ lục bát khá nhuần nhuyễn, khá duyên… ví như : Thẫn thờ đi ngắm lá bay/ Buồn sao buổi chợ hôm nay thiếu nàng. Mây ôm núi đến bao giờ/ Bình minh rót xuống câu thơ chợ tình, hay : Ngược thời gian tuổi thơ ngây/ Võng đưa kẽo kẹt mà say đến giờ hoặc Hoàng hôn vương sợi nắng hồng/ Sợi trôi trên nước, sợi lồng vai em…
Tóm lại, với Đò mây, NXC đã thực sự chinh phục được người đọc, nhất là tính nhân văn và trữ tình gắn với đời sống của người sáng tác cũng như người đọc. Với tác giả, bỏ qua những gì còn chưa hoàn chỉnh, thô ráp hay có câu ,có bài chưa được nuột nà… xin được ghi nhận sự lao động nghiêm túc, tâm huyết và sâu sắc với thơ và có trách nhiệm trong sáng tác của tác giả. Tôi tin với những thành công ở tập thơ này, NXC còn và sẽ thành công hơn nữa trong sáng tác mới của anh.  Chúc thành công và hạnh phúc cho tác giả và gia đình.

                                                                                      Hà Nội,tháng 3/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét