Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013


Làm báo Văn Nghệ thật không đơn giản

Bùi Kim Anh
Thứ hai ngày 8 tháng 4 năm 2013 5:56 AM

Hướng tới kỷ niệm 65 năm báo Văn Nghệ Tôi đến gặp nhà thơ Giang Nam, người tổng biên tập báo Văn Nghệ trong những năm 1979 – 1981 trong cảm xúc của một cô giáo đã từng nhiều năm dạy bài thơ Quê hương của ông với rất nhiều cảm phục và trân trọng. Và câu chguyện của chúng tôi, tuy là lần đầu gặp gỡ, nhưng chẳng mấy chốc đã trở nên hết sức cởi mở và thân thiện. Mặc dù là người chủ động đến tìm ông, song để có được không khí ấy, phải thú thực cũng là do chính ông, với sự chân tình và thân thiện dành cho tôi, dẫu tuổi tác chênh lệch rất nhiều... Khi nhà thơ Giang Nam tham gia Việt Minh năm 1945, tôi còn chưa ra đời. Khi ông viết bài thơ Quê hương năm 1960 trong nỗi "đau xé lòng anh chết nửa con người...", tôi mới chỉ là cô bé học trò quàng khăn đỏ hồn nhiên cắp sách đến trường. Ở trong tôi và nhiều bạn đọc lứa tuổi tôi, bài thơ Quê hương đem tới những cảm xúc đẹp, cảm động. Giờ gặp ông lúc nhà thơ vừa qua ngày mừng thọ 84 tuổi, ông vẫn đồng ý cho phép tôi gọi bằng anh để câu chuyện thoải mái hơn, và tôi cũng nhận thấy xưng hô như vậy là hợp lý khi ngay lần đầu gặp gỡ, vẫn thấy nhà thơ đi xe máy, vẫn nhớ ngay một bài báo mới đọc của tôi... Ông hào hứng kể với tôi những câu chuyện của ngày xưa một cách gọn, lẹ chẳng cần giấy tờ gì, đôi mắt vẫn sáng lên dưới cặp kính lão và nụ cười nhẹ nhàng, hiền hậu...

 Đọc những thông tin về ông trên mạng, thấy ông từng giữ nhiều trọng trách: từ phó trưởng ty thông tin Khánh Hòa thời kháng chiến chống Pháp, đến năm 1975 là đạị biểu Quốc hội khóa VI, rồi tổng biên tập báo Văn Nghệ và rồi phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tới khi về hưu lúc 65 tuổi, tôi cứ băn khoăn: 
 - Thưa anh, anh đã trải qua nhiều công tác quản lý trong ngành văn hóa thông tin. Với kinh nghiệm thực tế của năm tháng, anh thấy làm việc ở lĩnh vực nào nhiều khó khăn nhất?
 - Làm báo chị ạ, làm báo Văn Nghệ thật không đơn giản...
*
 Khi mới được tin sẽ ra nhận công tác ở báo Văn Nghệ, thoạt tiên nhà thơ đã có ý định từ chối. Ông đến gặp đồng chí Trần Trọng Tân, khi đó là Phó Bí thư Thành ủy, trưởng ban tuyên huấn, trình bày nguyện vọng và cả lý do xin ở lại thành phố Hồ Chí Minh. Chưa thật yên tâm, nhà thơ còn gửi thư lên đồng chí Tố Hữu... Nhớ lại thời điểm đó, nhà thơ Giang Nam tâm sự :
 - Tôi xin ở lại thành phố Hồ Chí Minh vì ba lý do: Ở Trung ương toàn là các bậc đàn anh, là thày của mình. Với khả năng của mình tôi e là rất khó làm. Hơn nữa, trong lĩnh vực Văn nghệ, những vụ rắc rối từ trước như nhân văn giai phẩm, rồi chỉnh huấn từ bỏ tác phẩm cũ… rất ngại. Vả lại ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã có nhiều gắn bó với anh em nghệ sĩ trong thành, nên cũng không muốn chia tay …
 Nhưng cuối cùng nguyện vọng của ông vẫn không được chấp nhận. Thế là nhà thơ khăn gói lên đường ra Hà Nội nhận chuyển giao công tác tổng biên tập báo Văn Nghệ từ nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Rời ngôi nhà tầng khang trang giữa thành phố Sài Gòn, tới ở căn phòng tắm sửa lại tại 65 Nguyên Du, Hà Nội, cuộc sống tạm bợ đầy khó khăn, thiếu thốn, nhất là với một người đàn ông ở một mình, đặc biệt trong thời bao cấp... Nhà văn Trần Thị Thắng trong bài viết Giang Nam: Kỷ niệm một thời làm báo và sáng tác như thế! đã ghi - Hai năm làm Tổng biên tập ở tờ báo văn chương sang trọng nhất nước, anh ngủ trưa tại bàn làm việc, vẫn cơm cặp lồng, thức ăn lúc nào cũng lắm ớt, nhiều tiêu như thời ở rừng. Đây cũng là một chân dung của một Tổng biên tập làm việc thì tận tuỵ, anh học từ các hoạ sĩ để mi báo đẹp, biết biên tập viên nào giỏi để gửi gắm những bài đinh cho số báo sắp ra đời...
 Thời kỳ nhà thơ Giang Nam làm việc tại báo Văn Nghệ từ 1978 - 1980 là thời kỳ đất nước có nhiều khó khăn. Hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam đang diễn ra, làm kinh tế sa sút. Bên cạnh đó, sự chuyển động trong đời sống văn học cũng đang diễn ra với nhiều quan điểm trái chiều   
 - Trong thời gian làm báo Văn nghệ ngắn ngủi ấy có vụ việc gì làm anh nhớ nhất?
 - Có chứ! Vụ việc nổi cộm là việc đăng bài báo Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua của anh Hoàng Ngọc Hiến...
*
 Giáo sư, nhà lý luận phê bình, dịch giả văn học và triết học Hoàng Ngọc Hiến là người cổ súy cho đổi mới văn học ở Việt Nam từ rất sớm. Năm 1979, báo Văn Nghệ số 23 đăng bài viết của ông có nhan đề Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua, trong đó ông đưa ra khái niệm nổi tiếng cho mãi tới bây giờ: Chủ nghĩa hiện thực phải đạo. Theo GS Hoàng Ngọc Hiến, đó là đặc điểm cơ bản, bao trùm của văn học Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh, với việc tác phẩm bị quy về yếu tố xã hội nhiều hơn là yếu tố nghệ thuật…
 Bài báo xuất hiện gây nhiều dư luận trong các nhà văn. Một số phản đối quan điểm của tác giả, nhưng ngược lại cũng có không ít người ủng hộ. Nhà thơ Giang Nam với cương vị là Tổng Biên tập khi ấy đã phải trả lời một loạt câu hỏi đại loại như: Tại sao lại đăng bài ngược lại với đường lối văn nghệ của Đảng? Tại sao lại để lọt một bài viết như vậy lên báo? Ai chủ trương đăng?...
 Trong tình hình đó, ngày 23- 11- 1979, Hội nghị Đảng Đoàn Hội Nhà văn đã họp và ra Nghị quyết phê bình báo Văn Nghệ đăng bài báo trên, và nhà thơ Giang Nam là người phải nhận trách nhiệm trực tiếp về sự việc này...
 Ngay sau đó, nhà thơ Chế Lan Viên ở Sài Gòn đã gửi tới một bài viết với nội dung không đồng tình với cách xử lý trên mà ông cho là “phi chính trị”, kèm theo một lá thư yêu cầu tòa soạn đăng nguyên văn bài viết của ông, không được chữa, nếu không đăng hoặc cản trở, ông sẽ cho đăng bài ở Sài Gòn. Nếu như vậy thì sự việc to rồi... Nhà thơ Giang Nam kể: “tôi phải chạy lên anh Độ”. Ông Trần Độ đã bày cho Giang Nam một cách bình thường hóa rất hay trong tình hình đó: Bài của anh Chế Lan Viên đăng lên và báo mở một diễn đàn trao đổi tự do. Thế là một cuộc tranh luận khá rôm rả đã diễn ra trên văn đàn. Báo Văn nghệ đăng vài kỳ sau đó thì dừng.
 Khoảng thời gian ngắn sau đó, nhà thơ Giang Nam được mời lên để Trung ương trao đổi. Lãnh đạo nhận thấy để nhà thơ làm chỗ “đầu sóng ngọn gió” này không phù hợp lắm và thống nhất đề nghị Ban bí thư chuyển ông sang làm trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn. Thế là Giang Nam lại bàn giao tờ báo trở lại cho nhà văn Nguyễn Văn Bổng, lúc đó đang giữ trọng trách ở công tác khác. Nhà thơ Giang Nam kể lại câu chuyện 2 năm 11 ngày làm báo Văn Nghệ của mình và tự nhận là: bỡ ngỡ lắm...  Theo ông, làm báo Văn Nghệ, tờ báo về văn chương khó tránh khỏi có những sai sót, đúng hơn là những sơ hở mà nhiều khi người biên tập không thấy, không lường hết được. Cả một tác phẩm đọc mà suy tư được thấu đáo mọi chi tiết, sự việc đâu phải ngay một lúc. Người đọc ở cương vị khác nhau, nhận thức, trình độ, cảm quan khác nhau, đọc trong tâm trạng, nhận thức khác nhau... sẽ có những cách hiểu khác nhau. Nhiều trường hợp chi tiết, lời nói của nhân vật, câu thơ đoạn thơ bị bóc tách ra khỏi cuộc sống cụ thể trong tác phẩm, úp lên sự biến đổi không ngừng của cuộc sống xã hội. Thế là tác phẩm bị lên án, bị phê phán. Nặng hơn là cả hai, nhà văn và tác phẩm, bị thu hồi, bị tê liệt... Tóm lại là các luồng phê phán, dù là từ trên, từ các nhà văn, từ dư luận xã hội... thuận chiều hay trái chiều, đa số đều bất ổn, đều khó cho người làm báo Văn Nghệ...
  2 năm 11 ngày, nhưng chỉ một vụ việc đã là bao rắc rối, đã gây ra bao áp lực với người làm báo Văn Nghệ, nhất là với một nhà thơ như Giang Nam trong hoàn cảnh lúc đó. 2 năm 11 ngày vị tổng biên tập ấy sống một mình cặm cụi với chiếc xe đạp mang theo từ Nha Trang ra Hà Nội. Nhà cửa, ăn uống đều tạm bợ. Bà Chiều, vợ ông thu xếp việc nhà theo ra ở với chồng đã khóc vì không tưởng tượng nổi ông ra công tác ở trung ương mà sống cực vậy. Từ buồng tắm cũ chuyển sang một căn hộ nhỏ bên Trung ương Đoàn, tuy khá hơn nhưng mọi sinh hoạt, từ làm việc đến bếp núc, ăn ngủ đều bó hẹp trong căn phòng ấy. Đã có lần nhà thơ Tố Hữu khi biết Giang Nam chưa được phân nhà, đã đưa cho nhà thơ một số tiền để anh có thể chi phí cho việc phân nhà được nhanh chóng... Tiền đưa nhưng sau đó lại bị coi là hối lộ. Giang Nam phải trình bày việc anh mới ra Hà Nội, không biết nên mới làm như vậy sự việc mới được bỏ qua. Sự việc khá phức tạp đối với thời điểm lúc bấy giờ, và nhất là với người đơn giản như Giang Nam... Cuối cùng, ông Xuân Thủy, với tư cách là Phó Chủ tịch Quốc hội phải có ý kiến với nhà đất Hà Nội, yêu cầu phải giải quyết nhà ở cho một nhà thơ từ miền Nam ra, lại là đại biểu Quốc hội, là thường trực Hội nhà văn… Giang Nam mới được phân nhà B7 khu tập thể Thành Công. Đây khu nhà tập thể xây sớm nhất tại thời điểm đó...
 Thế là Giang Nam đã có một căn nhà riêng, nhưng con đường đi làm thì thật xa. Hàng ngày ông đạp xe đạp vòng qua cửa hàng Nhà thờ - nơi bán hàng cung cấp thực phẩm cho cán bộ bộ bìa C của thời bao cấp – xếp sổ, rồi về làm việc ở cơ quan. Trưa lại từ cơ quan qua Nhà thờ lấy thực phẩm, rồi đạp xe về nhà Thành Công nấu ăn. Mỗi ngày một lần, nấu trưa, ăn chiều, ăn sáng như thế không vội vàng. Suốt thời gian ở Hà Nội (1978 - 1985),  nhà thơ Giang Nam cặm cụi ở một mình với vất vả của cơm nước, với khó khăn của người làm công tác văn chương...
 Học được gì? Rút ra cho mình điều gì từ những năm tháng ấy?... Nhà thơ Giang Nam cho rằng điều đọng lại được cho mình chính là những thực tế đáng quý từ những công việc hết sức mới mẻ và bỡ ngỡ ấy. Đó là học điều hành báo, giải quyết các vấn đề nội bộ, xử lý những vấn đề liên quan đến chính trị, đến đường lối văn nghệ... Từ việc nhận thấy mình còn nhiều thiếu sót, chưa đủ tầm cỡ để lãnh đạo một tờ báo quan trọng như Văn Nghệ, ông đã học được rất nhiều ở đồng nghiệp các nhà văn, nhà báo bên cạnh mình…
 Năm 1985 Giang Nam được biệt phái về Phú Khánh và tới năm 1989, sau khi chia tỉnh, ông về hẳn Khánh Hòa, làm phó chủ tịch phụ trách văn xã. Trả lại căn nhà tập thể ở khu Thành Công, với hành trang ít ỏi của một người lính, ông trở về quê hương ở với vợ và con gái trong căn nhà mua từ xưa. Nó cũng xập xệ lắm. Ở lâu sửa sang dần đà khang trang. Căn nhà đơn giản nhưng ấm cúng, là nơi lui tới thường xuyên của bạn bè đồng nghiệp khắp cả nước mỗi khi có dịp ghé qua thành phố biển hữu tình này. Trong căn nhà ấy có một nơi hết sức gắn bó với Giang Nam, đó là thư viện của ông. Trên những giá sách kê sóng hàng, ngoài sách còn có cơ man nào là báo, đặc biệt là báo Văn Nghệ, từ Văn Nghệ giải phóng xưa, đến báo Văn Nghệ hiện nay, được chia, bọc theo thời gian, xếp nơi mái hiên, trên che bạt ny lon xanh đỏ... Tài liệu làm việc, và cũng là kỷ niệm một thời đấy gắn bó của ông...
*
 Giang Nam là thế. Từ một Quê hương đầy da diết, ra đời trong đớn đau, trong bom đạn chiến trường, ông đã đi trọn cuộc đời với văn chương, qua 2 cuộc kháng chiến. Cho đến tận bây giờ, suy ngẫm lại cuộc đời mình, ông cũng không nghĩ rằng đã có những điều quan trọng và khá bất ngờ đưa ông đi tới trên con đường văn học cách mạng, trở thành một trong hai người vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 1 về Văn học - Nghệ thuật đầu tiên ở Khánh Hoà. Qua bao nhiêu miền quê, bao nhiêu cương vị, rời công tác Sài Gòn trả nhà Sài Gòn; rời công tác Hà Nội trả nhà Hà Nội để đến cuối cùng lại trở về với chính mảnh đất quê hương, thành phố Nha Trang phân cho lô đất thì kêu có nhà riêng, kiên quyết từ chối bởi anh em văn nghệ nhiều người không có nhà... Tất cả những gì mà ông bà có được hôm nay đều do sự hy sinh tần tảo của người vợ thuỷ chung. Ngay cả đứa con gái sinh trong bom đạn, theo mẹ vào tù 4 năm trời, túm chặt quần mẹ khi ra tòa chịu kết án, bây giờ cùng chồng làm kinh tế vững vàng... đó chính là niềm vui, là hạnh phúc của ông hôm nay
 Và một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng lại rất nhiều ý nghĩa với ông trong suốt cuộc đời chính là thời gian làm báo Văn Nghệ. Khoảng thời gian mà từ đó ông đã nhận ra một điều, rằng làm báo Văn nghệ thật không đơn giản. Làm lãnh đạo văn hóa tư tưởng thật không phải dễ. Có lẽ người làm thơ và người làm lãnh đạo văn nghệ luôn là một khoảng cách mà không phải nhà thơ nào cũng làm được...
 Giang Nam là như vậy, và ông biết mình như vậy

Nguồn VĂN NGHỆ - số14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét