Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Một bài thơ không vần đặc biệt của Hữu Thỉnh

Thương lượng với thời gian
Buổi sáng lo kiếm sống
Buổi chiều tìm công danh
Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa
Tỉnh thức
Những hàng cây bật khóc
(Hữu Thỉnh-Tạp chí Người Kinh Bắc số 4/2011))


Câu cuối bài thơ không hiểu sao gợi tôi nhớ đến câu Kiều nát ruột:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”.
Đó là tâm trạng của Thúy Kiều lúc buộc phải trở thành gái lầu xanh. Có người đã nhận xét: Nếu không có cái “giật mình” ấy thì từ đó cho đến hết Truyện Kiều, nàng Kiều chỉ là một cô gái đáng thương, chứ không hề đáng trọng. Có cái giật mình ấy nghĩa là có sự tỉnh thức của Kiều. Dù phải triền miên trong: “cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm” giữa chốn “lá gió cành chim”, nàng vẫn nhận thức rõ thân phận, phẩm giá cao quý của mình đã bị vùi dập xuống bùn nhơ như thế nào! Và có sự tỉnh thức ấy, Kiều mới là nàng Kiều bao người trân trọng, thương yêu bởi nàng vẫn sáng ngời phẩm giá, ý thức về giá trị của mình trong khi buộc phải làm gái điếm!
Nhân vật trong “Thương lượng với thời gian” cũng tỉnh thức, cũng giật mình sau những ngày lo tìm công danh, tiền bạc, sau những đêm “mài rũa trí khôn” (mà có lẽ cũng chỉ để tìm công danh, tiền bạc một cách dễ dàng hơn!). Có cái tỉnh thức này, mới hiện lên rõ ràng nhân cách một con người còn giữ được lương tri, còn biết trăn trở, đi tìm lẽ cao đẹp hơn là công danh, tiền bạc.
Và tại sao lại “bật khóc”? Những hàng cây bật khóc hay chính nhân vật thơ “bật khóc”? Khóc vì “mình lại thương mình xót xa”, vì cuộc kiếm tìm áo cơm, danh vọng, cuộc mài rũa trí khôn đã biến mình thành một kẻ tầm thường, hay khóc vì không đạt được điều mình muốn dù đã phải “ thương lượng với thời gian”? Hay khóc vì cả hai lẽ?  Hay khóc vì cứ “lo”, cứ “tìm”, cứ “mài rũa” thế là hết cả một đời rồi, còn nghĩ gì được đến những điều cao đẹp, thánh thiện...! Khóc vì hoàn cảnh buộc mình phải thế, hay khóc vì mình không vượt nổi hoàn cảnh?...
Nhưng sao lại là “những hàng cây khóc”? Cây tượng trưng cho điều gì? Phải chăng đó chính là những con người, những người mang tâm sự như nhân vật thơ này... Hoặc cũng có thể hiểu, những hàng cây là người quan sát khách quan, những “ẩn sĩ” đi cùng đời người, hiểu và thông cảm với đời người.
Hữu Thỉnh viết bài thơ này khi đã qua tuổi 60, sự chiêm nghiệm về cuộc đời đã nhiều. Với những câu thơ đầy “ý tại ngôn ngoại” trong bài, còn có thể hiểu: “buổi sáng”, “buổi chiều”, “buổi tối” ở đây là những khoảng thời gian của đời người. Trẻ lo kiếm sống, trung niên tìm công danh, già thì “mài rũa trí khôn”. Rốt cuộc, cuộc đời còn lại điều gì?
May mà còn có phút giây tỉnh thức! Ấy là phút giây “đốn ngộ” (nói theo cách của nhà Phật). Nó nằm chệch ra ngoài quỹ đạo của lý trí, của sự “thương lượng với thời gian”. Nó là cảm xúc thật, là thiên lương ẩn sâu trong con người, khi lên tiếng thì không cần đến một sự “thương lượng” nào mà chỉ mặc sức tuôn trào như những dòng nước mắt! Bởi vậy mà riêng hai từ “tỉnh thức” này được đứng riêng trong một câu: “Tỉnh thức”. Và cũng chính vì sự nằm chệch đó mà toàn bộ bài thơ không hề có vần. Đây là một bài thơ không vần đặc biệt của Hữu Thỉnh. Bài thơ nửa như lời giãi bày, không cần đến vần điệu, nửa là lời triết lý, đúc rút từ một đời người, mà vần điệu không đủ để chuyển tải. Hơn thế, phút lên tiếng của cảm xúc thật nhất, khó mà dùng vần điệu! Nghiễm nhiên chỉ là những thanh trắc nặng nề, trăn trở, day dứt, thậm chí cắn rứt: “ Tỉnh thức”, “bật khóc”.
Tên bài thơ cũng là điều đặc biệt. Phần nhiều các bài thơ khác, đầu đề chỉ là sự tóm gọn ý toàn bài thơ, hoặc là một ý trong bài. Ví dụ: “Thiên Thai” của Thế Lữ”, “Tiếng địch sông Ô” của Phạm Huy Thông,  “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Hai nhà” của Hữu Thỉnh... Nhưng tên bài thơ này: “Thương lượng với thời gian” tự bản thân nó là một cá thể vừa độc lập với bài thơ vừa soi rõ ý thơ, vừa bắt người đọc suy nghĩ, đặt câu hỏi: tại sao tác giả lại chọn đầu đề này cho bài thơ? Sự thương lượng này vừa bất khả (làm sao có thể thương lượng được với thời gian?), vừa tưởng như khả dĩ, bởi con người có thể bắt thời gian, không gian phục vụ cho mình! Nhưng trên hết, sự thương lượng ấy chỉ cho thấy nỗi buồn chua chát và bất lực của một đời người - một đời người có lẽ đã có đủ “trí khôn” sắc bén, tiền bạc và “công danh”, nhưng vẫn giật mình thấy mình chưa thực sự là mình sau biết bao năm tháng, chưa thực sự là mình dù “buổi tối” của cuộc đời đã buông xuống, thấy cuộc đời vẫn chỉ là một cuộc thương lượng vô vọng với thời gian, như thể:
“Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau!”
(Các vị La Hán chùa Tây Phương, Huy Cận).
Bài thơ có phải là một bi kịch không? Khó nói được chắc chắn điều này! Nhưng ấn tượng mà tác phẩm không dễ hiểu này để lại chính là tính nhân văn - một đặc trưng của thơ Hữu Thỉnh. Người đọc có thể không hiểu hết đầu đề bài thơ, có thể không hiểu hết ẩn ý của “buổi sáng”, “buổi chiều”, “buổi tối”, “hàng cây” nhưng không thể không cảm động trước hai từ: “tỉnh thức” và “bật khóc”, không thể không cảm nhận được nỗi lo âu, buồn bã của một tâm hồn thơ nặng tình, đầy suy tư về thế sự. Bởi vậy mà bài thơ đã đi vào lòng người!
Theo Báo Bắc Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét