Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Người phụ nữ...

Người phụ nữ bại liệt chiến thắng số phận bằng thơ

Trong những lúc tuyệt vọng, chị Thuận lại nhớ tới câu nói: 'Mỗi chúng ta hãy tự cứu mình trước khi trời cứu'.

Chân liệt, tay khó cử động, giọng nói biến dạng, chị Nguyễn Thị Minh Thuận (xã Vũ An, huyện Kiến Xương, Thái Bình) vẫn không ngừng sáng tác những vần thơ đằm thắm, dịu dàng. Chị đã giành được nhiều thành công trong hoạt động văn nghệ, như: Giải nhất cuộc thi thơ "Một tâm hồn - Một thế giới" của Hội Bảo trợ Xã hội Thái Bình, Giải khuyến khích cuộc thi thơ và truyện ngắn năm 1997-1999 của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình...
r1-1-2988-1401337548.jpg
Dù trải qua nhiều bất hạnh, chị Thuận vẫn có niềm tin vào cuộc sống. Ảnh: NVCC.
Sinh năm 1955, chị Thuận vẫn đi lại bình thường cho tới năm học cấp hai. Căn bệnh thần kinh teo cơ cùng với cơn sốt xuất huyết đã tước đi khả năng đi lại bình thường của chị. Nghiệp học hành của chị cũng đứt đoạn từ đó.
Chị Thuận có một người em gái là Nguyễn Thị Thục. Chị Thục cũng không may bị bại liệt nhưng nhẹ hơn, có thể chăm sóc và hỗ trợ chị Thuận đi lại, sinh hoạt. Hai người phụ nữ này vẫn chăn đơn gối chiếc, không chồng, không con, sống nương tựa nhau nơi căn nhà nhỏ.
Thu nhập của chị Thuận chủ yếu đến từ bán hàng tạp hóa, sách báo ngay tại nhà. Tuy số tiền thu về không nhiều, nhưng cửa hàng đã mở hơn chục năm nay cũng đủ giúp chị Thuận và chị Thục có thể sống qua ngày.
Chị Thuận tâm sự: "Nhìn bạn bè có cơ hội đi khắp nơi, làm nhiều việc còn mình ngồi liệt trong bốn bức tường lặng im có lúc tôi đã tuyệt vọng. Những lúc đó, tôi lại nhớ câu nói: Mỗi chúng ta hãy tự cứu mình trước khi trời cứu".
Chị Thuận bắt đầu nghiệp văn chương với tập truyện ngắn Làm chị đoạt giải nhì cuộc thi Truyện ngắn viết cho thiếu nhi năm 1984 của Hội Nhà văn Việt Nam. Và cứ thế, chị Thuận vừa bán hàng, vừa làm thơ cho nguôi đi những nỗi phiền muộn. Chị đã viết về cuộc đời của mình qua những vần thơ:
Tôi sinh ra lớn lên ở trên đời
Tuổi thơ đã chịu ngậm ngùi đau thương
Bạn bè ngụp lặn gió sương
Còn tôi trong bốn bức tường lặng im.
r1-2-2334-1401337548.jpg
Hàng ngày, chị Thuận vẫn đọc báo, sáng tác thơ văn. Ảnh: NVCC.
Có lần chị tự hỏi: "Uống viên thuốc, lại nhìn trang thơ mở. Hai thứ này thứ nào chữa hay hơn?". Theo chị, thơ chính là liều thuốc tinh thần để chị vượt qua số phận bất hạnh. "Tôi đến với thơ như người đi xa gặp nguồn giếng mát. Tôi làm thơ để thỏa nỗi niềm khát khao. Cái khát khao được yêu, được sống. Thơ là động lực để tôi bước ra bốn bức tường lặng im. Thơ cho tôi những đôi chân tuyệt vời", chị chia sẻ.
Thơ đã kết nối chị Thuận với những người bạn, có bạn ở gần nhưng cũng có bạn ở mãi Nha Trang, Quảng Ngãi. Những nhà văn, nhà thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn về Thái Bình đón chị lên thăm xứ Lạng để được giao lưu cùng chị.
Thơ chị cũng lay động rất nhiều tầng lớp trong xã hội, đó có thể là một doanh nhân, một trí thức, một sinh viên. Nhiều doanh nhân sau những thất bại trên thương trường, tìm đến thơ chị bởi thơ chị Thuận cho họ nguồn động lực, cổ vũ họ vượt qua những khó khăn trước mắt.
Nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, nhận xét: "Minh Thuận là một người phụ nữ tàn tật nhưng có rất nhiều cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Giọng thơ của chị đằm thắm và rất nữ tính, luôn thể hiện sự gắn bó với quê hương, làng xã, với con người. Đọc thơ chị có thể thấy được một phần nào đó cuộc đời của chị, khát vọng sống, nghị lực vươn lên không biết mệt mỏi".
Lê Đức Hùng

Nguồn: VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét