Đại tá Dương Xuân Linh.
Phải hẹn ông nhiều lần mới gặp, vì ông đi công tác triền miên. Hôm nay ông ở miền Tây, mai lại có mặt ở Tây Nguyên. Ông đi suốt. Và thơ cũng trải dài theo chiều dài đất nước, theo dấu bàn chân ông. Ở ông lúc nào cũng thấy vẻ tất tả ngược xuôi. Bởi lẽ, ông đang là một đại tá, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ công an). Bao nhiêu công việc về môi trường, về một vấn đề nổi cộm đã và đang đặt ra nhiều thách thức mà trong đó ông là một cán bộ giữ trọng trách. Vậy mà, thật bất ngờ, con người tất bật ấy lại là một tác giả sáng tác rất khỏe.
Ông bảo mình làm thơ cho vui thôi, đôi khi công việc căng thẳng quá, chẳng biết chia sẻ, trút nỗi lòng cùng ai, đành trút hết vào thơ. Với ông, thơ dồn nén, ấp ủ và lưu trữ tất cả, như cuốn nhật ký hỗn mang của cuộc đời. Dương Xuân Linh đã xuất bản tổng cộng 7 tập thơ riêng: "Lặng thầm", "Trăng đầy", "Bóng mình"; "Bóng người"; "Tình xuân"... cùng một số tập thơ in chung và Album đã được phổ nhạc. Hai tập thơ mới nhất là: "Tiếc mùa xuân" và "Mật mã vào tim".
Hỏi ông, mỗi bài thơ là một câu chuyện, một tâm sự phải không? Ông đáp ngay: "Phải chứ. Phải có cảm xúc thì mới làm thơ được. Mà cảm xúc nó lạ lắm. Phải có tình huống, có gặp gỡ chia tay, có buồn có vui. Và khi con người không thể diễn tả cùng nhau được thì sẽ trào ra thơ. Cái hay của thơ là như vậy. Đôi khi nhờ có thơ mới thấy yêu cuộc sống này thêm, con người ở trong thơ trong ngần và chân thật với nhau lắm".
Trong thơ Dương Xuân Linh, chúng ta bắt gặp một bầu trời tình yêu. Ông yêu đất, yêu hoa, yêu tất cả những gì thuộc về thiên nhiên và cõi lòng con người. Yêu đương là một khát vọng đầy bản năng, dù cho đó là tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước. Ông viết: "Hình như em Hà Nội/ Vị ngọt ngào trong từng giọng nói/ phơn phớt hương hoa sữa vào mùa/ Êm đềm như giao hưởng đêm khuya/ Có giai điệu sóng sông Hồng về biển/ Hình như em Hà Nội/ Chưa gặp bao giờ mà sao bối rối…" (Tắm ánh trăng sao).
Trong tập "Tiếc mùa xuân", Dương Xuân Linh đã dày công cắt nghĩa quan niệm nghệ thuật của mình, một quan niệm nghiêng nhiều về chiều "vị nhân sinh" với nhiều trăn trở, âu lo nhưng vẫn  đầy lạc quan. Nhà thơ trở nên dí dỏm, tinh nghịch. Đừng nghĩ rằng, cứ đến tết mới là mùa xuân. Mùa xuân là tuổi trẻ, là tình yêu, nỗi nhớ. Ta tiếc mùa xuân, là tiếc những tháng ngày tuổi trẻ chưa "no say" hết thời cuộc. Tiếc một nụ cười, tiếc ánh nhìn, tiếc cả những cơ hội. Bây giờ nhìn lại, cảm giác tiếc cứ trào dâng mà không làm gì níu kéo được. Lẽ ra tuổi trẻ phải làm nhiều hơn nữa, nhưng nghĩ lại thì nó thuộc phạm trù "tham vọng" của con người. Biết đâu là đủ, biết thế nào cho vừa…
Càng sống, càng đi, tình yêu trong thơ Xuân Linh càng vời vợi, thăm thẳm, có những lúc vui tươi phấn khởi nhưng cũng có những đợt sóng lòng tương tư da diết. Những lần gặp ông vội vã trước mỗi chuyến công tác, tôi càng thấm thía hơn về lẽ thi ca của ông: "Dẫu lấm lem bụi gió phong trần/ Quanh mắt bão càng thấy mình dũng mãnh/ Mặt trời lên đêm qua ngày nắng ấm/ Biết thương mình - yêu được cả thế gian…" (Tiếc mùa xuân).
Bên ngoài con người quyết liệt, nghiêm túc với công việc là một con người khác, một nhà thơ. Có thể nói, ông đang cồn cào trong tình yêu. Tình yêu về một bản làng hun hút miền biên viễn, của một dòng sông cuồn cuộn nước sông Lam (Hà Tĩnh quê ông). Người ta bảo ông khó gần bởi trước hết, ông mang hàm Đại tá - giữ chức Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường. Nhưng hễ nói đến môi trường, đến thơ thì như chạm vào từng mạch máu của ông, những dòng từ trường xuyên suốt kéo ta về thật chậm với quá khứ và thực tại cuộc đời.
Hỏi ông sao không làm buổi ra mắt thơ hoành tráng một chút. Ông cười bảo, làm thơ vui thôi mà. Trót mang tâm hồn thi sĩ nên yêu thơ, yêu không từ bỏ được. Ông in sách làm của để dành, ai quý thì tặng, thế thôi. "Sau này về hưu, mình có thể quên đi nhiều thứ, nhưng đọc lại thơ thì sẽ nhớ lại tất cả". Sung sướng nào hơn khi tuổi trẻ, sức sống pha cống hiến của một thời được sống lại trong thơ.
Đại tá Dương Xuân Linh (tên thật Dương Văn Linh) hiện là Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban chấp hành CLB thơ Việt Nam. Thơ vốn ăn vào máu của Dương Xuân Linh. Dường như với thơ, ông chưa bao giờ cảm giác mỏi gối chùn chân mặc dù lịch công tác của ông dày đặc
Ngọc Thiện