Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Một thoáng HỒN QUÊ ( thơ) của Hải Thanh



Gái quê ( Vũ Hải Thanh)

Gặp em nhổ mạ bên đường
Đôi chân trần trắng vấn vương tơ lòng
Áo nâu bó sát bên hông
Chiếc khăn bịt mặt chẳng trông thấy gì
Mạ non bó gọn xuân thì
Trên vai em gánh bước đi nhẹ nhàng
Dọc hàng lúa cấy thẳng ngang
Mồ hôi ướt đẫm vai nàng áo nâu
Chiều tà văng vẳng đôi câu
Người ơi người ở trước sau đừng về
Mong em giữ mãi chân quê
Đừng theo chúng bạn mất lề áo nâu
Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Đất thơm hương lúa nặng câu thề bồi
Quê hương ai cũng một thời
Giữ sao cho trọn tình người trước sau.

           Với 60 bài trong tập, nhưng tác giả Vũ Hải Thanh chỉ cần có bốn bài “chốt”: Đất quê, Gái quê, Lính quê và cuối cùng là Nhớ quê để làm nên một HỒN QUÊ đủ sương thịt, hình hài và quan trọng là góc nhìn tình cảm, tiếng nói của tác giả trong thơ…
          Với tôi, một người bạn thơ, một đồng đội đã có một thời chia lửa với Hải Thanh tại chiến trường Quảng Trị… tôi thích sự đơn giản, mộc mạc nhưng khá tinh tế trong cảm nhận, trong mô tả, dùng từ ngữ để xây dựng câu chữ đạt hiệu quả trong thơ của tác giả.
          Đúng vậy : Hải Thanh đã khéo léo để đạt và đặt nền móng cho tập thơ HỒN QUÊ bằng cốt lõi vấn đề : Đất quê , con người (Gái quê và Lính quê ),cuối cùng là tình cảm nói lên cái hồn cốt ấy là Nhớ quê.
          Xin có đôi điều cảm nhận về bài Gái quê trang 35, tập Hồn quê NXB Hội nhà văn VN, quí IV/ 2014, của tác giả Hải Thanh.
          Có lẽ “Gái quê”, cũng là cách gọi, cách nói thường tình trong ngôn ngữ giao tiếp hoặc câu chữ trong văn học nói chung và trong thơ nói  riêng để tả về  một lớp người trong cộng đồng dân sinh  nông thôn chuyên nghề nông nghiệp ở Việt Nam .
          Từ gái quê gợi cho người đọc, người nghe sự trong sáng, nền nã, nhã nhặn mà duyên dáng, trong sâu xa có sự tin tưởng và tôn trọng.
          Tả về người con gái đẹp nhà thơ Phạm Xuân Nghiệm có hai câu ví von tâm đắc:
Em như gạo nếp nhà nông
Cất thành rượu cánh đàn ông khát thèm
Khỏi phải nói, hay phân tích nhiều về đam mê, thích thú, thưởng ngoạn, sự cám dỗ của  cái đẹp với mọi giới,mọi người...nhưng đã là đàn ông ai chẳng đã uống rượu. Khi được uống rượu nấu bằng gạo đã tuyệt  mà lại nấu bằng gạo nếp nữa thi đúng là không chỉ thèm mà phải “khát thèm” mới đúng,mới là nói thật bụng. Rượu gạo nếp uống vào ngọt miệng mềm môi khi say từ từ êm ái...tương đồng sự sung sướng xuất hiện như không cưỡng nổi “cái chết” bất ngờ trước người đẹp!
Với Gái Quê, Hải Thanh đã nêu hình ảnh một thôn nữ điển hình thời đổi mới:
Gặp em nhổ mạ bên đường
Đôi chân trần trắng vấn vương tơ lòng
Áo nâu bó sát bên hông
Chiếc khăn bịt mặt chẳng trông thấy gì
Mạ non bó gọn xuân thì...
Chỉ cần năm dòng ấy thôi, đã đủ từ để nói vế một Hải Thanh cũng sâu sắc trong cảm nhận và  tài ba trong hình tượng so sánh trong thơ.
Đọc câu Áo nâu bó sát bên hông ta liên tưởng ngay tới câu những  người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con câu nói xưa tổng kết hoá tiêu chuẩn chọn vợ cho con mà không cần phải tổ chức thi để đo ba vòng chọn người đẹp như ngày nay. Cũng lại Hải Thanh liền với Áo nâu bó sát bên hông tác giả đã nhân cách hoá bó Mạ non bó gọn xuân thì để so  sánh, để tả người con gái nông thôn đẹp ấy có ba vòng rõ nét như tiêu chuẩn đánh giá một người đẹp, bằng trực giác đơn giản mà hiệu quả.
Quả thật, ai đã có thời sinh ra và lớn lên ở một miền quê nào của Việt Nam, đã từng chân lấm tay bùn, là người đàn ông đã có năm tháng từng nhổ mạ cho thợ cấy mới thấy sự nhẹ nhàng nâng niu khi nhổ mạ non, khi đập cho rơi đất ở rễ  và bó thành bó những cây mạ như thế nào...và nhìn thấy sự bù đắp cho những giọt mồ hôi đã nhỏ của người nông dân khi cấy nhánh mạ non xuống bùn để rồi nó phát triển vượt bậc mơn mởn xanh tươi cây lúa ở tuổi đương thì xuân sắc như những nàng tiên của đông quê.
Còn một phát hiện khác nữa là Đọc HỒN QUÊ gặp GÁI QUÊ/ Không hề thấy nét “ gái sề” ngày xưa?Thật vậy, ngoài Áo nâu bó sát bên hôngMồ hôi ướt đẫm vai nàng áo nâu đặc trưng trang phục của cô gái nông thôn truyền thống, chúng ta đã thấy hình ảnh cô gái nông thôn trong thời đổi mới với sự thay đổi từ hình dáng (đôi chân trần trắng), thiết bị bảo hộ lao động ( chiếc khăn bịt mặt), đến cải tiến canh tác( cấy thẳng hàng)...trong GÁI QUÊ của Hải Thanh.
          Mặc cho vô tình hay hữu y, thơ của Hải Thanh trong Gái quê đã hướng tới sự đổi mới của hình ảnh nông thôn thông qua nhân vật của mình trong câu chữ. Sự tươi mát, nhẹ nhàng ví von dí dỏm nhưng chân chất, mộc mạc ấy đã tạo nên một Hải Thanh bình dị, yêu đời, yêu người qua một mong muốn cái đẹp ấy được giữ gìn, trường tồn qua ước muốn: Mong em giữ mãi chân quê/ Đừng theo chúng bạn mất lề áo nâu...Giá như trong câu sau ấy tác giả dùng chữ đua thay chữ theo thì lời căn dặn và câu thơ có sức nặng hơn.
         Với tôi,bài thơ lục bát Gái quê của Hải Thanh là một điểm sáng trong tập Hồn quê. Tác giả đã thành công về lập tứ, cấu trúc gọn gàng, không cầu kì nhưng cũng mượt mà trong vần điệu. Nhẹ nhàng, tình cảm đạt được hiệu quả về giáo dục nhận thức trong sáng tác cũng như thưởng thức thơ hiện nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét