Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Mai Thanh NHÀ THƠ KHÔNG CÓ TUỔI

Ngày ấy, khi đang học ở Khoa Văn của một trường đại học, chúng tôi được nghe nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện về thơ. Sau khi thuyết trình hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, trước mười lăm phút giải lao, nhà thơ hỏi: “Các bạn sinh viên thân
 mến! Bạn nào có ý kiến gì, xin phát biểu!”. Một sinh viên đứng dậy: “ Thưa nhà thơ Xuân Diệu, trong bài thơ “Mũi Cà Mau”, phải chăng có sự không nhất quán khái niệm về một phương tiện giao thông đường thủy, nên khi thì gọi là tàu, khi lại gọi là thuyền, bởi nhà thơ viết:
Tổ quốc ta như một con tàu
Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau
Nghe xong, Xuân Diệu ngấc ngấc cái đầu, giọng nói dài thõng: “Trời ơi! Thế là bạn không phân biệt thi từ riêng và thi từ chung trong một thi cảnh rồi: Mũi tàu là riêng, là con tàu tôi đang đi; còn mũi thuyền là chung, là cho tất cả con tàu, chả thế mà người ta gọi thuyền trưởng, chứ có ai gọi tàu trưởng đâu! Thậm chí, mũi thuyền ở bài thơ trên không phải là mũi của con tàu nào cả, mà là khí thế của dân tộc ta coi mũi Cà Mau như tiền đồn để vượt lên phía trước!”. Cả giảng đường vang lên tiếng “ồ” tán thưởng.
Chưa hết, trong giờ giải lao, một nữ sinh viên xinh đẹp đến bên nhà thơ: “ Thưa bác Xuân Diệu, cháu xin hỏi...”. Không để cô gái nói hết lời, nhà thơ Xuân Diệu: “ Trời ơi! Ai lại gọi nhà thơ là bác, xưng cháu, vậy chứ! Em ơi, nhà thơ không có tuổi!”. Cô nữ sinh viên nọ mặt đỏ bừng, giọng run run: “ Dạ, thưa nhà thơ! Em xin hỏi...”. Xuân Diệu hài lòng: “Thế chứ, không gọi là anh, thì gọi là nhà thơ, xưng em cũng được!”. Tất cả sinh viên đang quây quần quanh Xuân Diệu cười ran cả sân giảng đường.

NHÀ THƠ VỚI CÔ GÁI TRẺ
Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây, nhà văn Vũ Hoàng Lâm kể câu chuyện về mối tình của một nhà thơ với một cô gái trẻ như sau:
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhà thơ Lê Đại Thanh(*) (Hải Phòng) đã ngoài tuổi 50, nhưng hồn thơ ông vô cùng trẻ trung, nồng nàn và chảy bỏng tình yêu cuộc đời, trong đó có tình yêu đôi lứa. Một cô gái trẻ mới tròn tuổi 18 say mê thơ ông đến cuồng nhiệt và đã đem lòng yêu ông, quyết chí lấy ông làm chồng! Nhà thơ bị đặt trong tình thế nan giải, rất bất lợi đối với ông và cả đối với cô gái. Nhà thơ trân trọng đón nhận tình cảm của cô gái có giới hạn bằng cách kiên trì, nhiều lần dắt tay cô đi dạo chơi quanh các đường phố Hải Phòng, lựa lời khuyên giải để cô dần dần từ bỏ tình yêu đối với ông. Khi việc khuyên giải đạt tới kết quả, nhà thơ trao tặng cô gái bài thơ dưới đây:
CON CHIM VÀ CÁI LƯỚI
Đời tôi mất mát đã nhiều
Tôi khao khát một tình yêu cháy lòng
Em - con chim nhỏ lượn vòng
Tôi quây lưới nhốt giữa lồng tim tôi
Nhưng tôi thiếu nắng mặt trời
Thiếu rừng cây, thiếu núi đồi tặng chim
Tình yêu một phút nhen lên
Một giây lại tắt trong đêm tối mù
Con chim vỗ cánh bay vù
Thả chim cho gió, tôi thu lưới về
Người thơ mãi mãi si mê
Cái không đạt tới bốn bề vây quanh.
LÊ ĐẠI THANH
Thật ra, bài thơ trên không chỉ bộc lộ nỗi lòng của nhà thơ đối với cô gái, mà còn kín đáo gửi gắm niềm khát khao sáng tạo văn chương-nghệ thuật, gồm cả thơ ca trong tình trạng tư duy bảo thủ, cứng nhắc còn chi phối trên mọi lĩnh vực vào những năm 70 của thế kỷ trước. Điều đó thể hiện khá rõ nét ở hai câu cuối cùng của bài thơ:
Người thơ mãi mãi si mê
Cái không đạt tới bốn bề vây quanh.
----------------------------------------------------------
(*)Nhà thơ Lê Đại Thanh là thân phụ của nữ nghệ sĩ Lê Mai, cũng tức là ông ngoại của ba nữ nghệ sĩ Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi.

Ảnh của Mai Thanh.

Nguồn: Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét