Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Vũ Thế Khanh đã chia sẻ một bài viết với Dòng thời gian của Vũ Xuân Kiên.
Vũ Thế Khanh đã thêm 2 ảnh mới.
Bài khảo cứu này của bác Đại Tá Vũ Mạnh Thư về lịch sử dòng họ Vũ Võ VN rất nghiêm túc và rất có trách nhiệm
.
Sau đây là trích đăng bài viết của bác Vũ Mạnh Thư !
.
NÓI RẰNG :
"VŨ HỒN LÀ THỦY TỔ DUY NHẤT
CỦA DÒNG HỌ VŨ –VÕ VIỆT NAM " LÀ MỘT SỰ NGỘ NHẬN VÀ ÁP ĐẶT !
Đại tá Vũ Mạnh Thư
Phần1:
VŨ HỒN LÀ THỦY TỔ DUY NHẤT
CỦA DÒNG HỌ VŨ-VÕVIỆT NAM
1- THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA VŨ HỒN
Theo cuốn “Tộc phả họ Vũ –Võ thế kỷ IX- XIX” của Ban Liên lạc họ Vũ- Võ Việt Nam (BLLHVVVN) do các ông Vũ Thúy, Võ Văn Liên, Vũ Duy Mền đồng chủ biên, xuất bản năm 2007, trên cơ sở bản dịch của Vũ Thế Khôi từ nguyên bản chữ Hán sang tiếng Việt “Mộ Trạch Vũ Tộc thế hệ sự tích” và tham khảo các bài viết trong Thông tin dòng họ Vũ-Võ Việt Nam (TTDHVVVN) những năm gần đây thì có thể tóm tắt về thân thế sự nghiệp của cụ Vũ Hồn như sau:
Về thân thế, Vũ Hồn là người huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến,Trung Quốc. Sinh năm 804, mất năm 853 trong lúc đang dạy học, thọ 49 tuổi. Từ bé được học hành cơ bản lại thông minh sáng dạ, văn võ song toàn và giỏi cả về phong thủy. Năm 16 tuổi cụ đã đỗ kỳ thi Đình, được vua Đường đánh giá là nhân tài bậc nhất thời đó…Đó là theo “Tộc phả Vũ-Võ thế kỷ IX-XIX”, nhưng theo khảo cứu thì thực tế ở Trung Quốc thời đó không có một ai tên Vũ Hồn là Tiến sĩ, mà lại đỗ tiến sĩ năm 16 tuổi.
Trong Thông tin dòng họ Vũ-Võ Việt Nam số 44 và 45, trang 21 có viết: “Vũ Hồn là nhân vật lịch sử có thật, được ghi chép trong sử sách của Trung Quốc và Việt Nam, có mộ tiên tổ hơn một nghìn năm ở Đống Dờm, có mộ phần thân mẫu ở Kiệt Đặc, có mộ phần của Thủy tổ và phu nhân ở Mộ Trạch- Bình Giang- Hải Dương”. Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu thêm hai vấn đề sau:
Một là, trang 368 của Tộc phả Vũ-Võ Việt Nam đã viết: “… Lăng thần là nơi hợp táng Vũ Hồn cùng phu nhân mà trong Mộ Trạch Thích Thiên Đường và Ngọc phả có chép: Sự thật dưới mả thần có gì? chưa ai biết được, họa chăng có sự can thiệp của các nhà khảo cổ học mới rõ. Song theo tập quán của người Việt điều đó ít xẩy ra, vì con cháu đều muốn giữ mồ yên, mả đẹp cho tổ tiên”.
Hai là, trang 369 của Tộc phả họ Vũ-Võ cũng viết: “Theo Ngọc phả và dân gian truyền lại mả Đống Dờm có thể là mộ của ông nội Vũ Hồn. Tương truyền mả ở Đống Dờm táng treo. Hộp đựng cốt bằng tiểu sành được treo trên bốn cột sắt, dựng trong hầm xây. Đến thời Thành Thái cuối thể kỷ XIX mả treo mới bị sập xuống, “Nhân dân vùng này coi đây là mả cổ của người Tàu nên đã đào bới để tìm cổ vật, vàng, bạc, đá quý… Đến nay trên 160 năm rồi liệu có còn hài cốt hay không? chưa ai dám khẳng định. Vừa qua Hội đồng dòng họ Vũ-Võ Việt Nam đã cho xây lại rất hoành tráng”.
Về sự nghiệp: Vũ Hồn đã làm quan với nhà Đường vào khoảng niên hiệu Bảo Lịch (826-827) đời Đường Kinh Tông. Năm Hội Xương thứ 1 (841) đời Đường Vũ Tông, ông được cử làm Kinh lược sứ ở Giao Châu. Năm Hội Xương thứ 3 (843) vẫn đời Đường Vũ Tông được thăng làm An Nam Đô hộ sứ. Về sau do tuổi cao sức yếu xin trả lại sứ tiết, chỉ yêu thích phong thuỷ quê ta thanh tú, nên tìm đến sinh sống ở đây (Mộ Trạch ngày nay- xem trang 388-389 Tộc phả Vũ-Võ thế kỷ IX-XIX).
Nếu chỉ có gọn như thế thì sự nghiệp của Vũ Hồn ở Việt nam quá đơn giản không phải xem xét gì, nhưng cần phân tích hai giả thuyết về hoạt động của Vũ Hồn để thấy rõ Vũ Hồn là người thế nào. Cụ thể là:
Giả thuyết thứ nhất: Vũ Hồn làm Kinh lược sứ ở Giao Châu (Việt Nam). Năm Tân Dậu (841) Vũ Hồn là Trưởng quan võ cấp cao theo lệnh của vua Đường đem quân sang Giao Châu dẹp loạn vì tình hình Giao Châu lúc đó cực kỳ phức tạp. Vũ Hồn đến nơi bắt tướng sĩ sửa đắp phủ thành, tướng sĩ ở phủ đô hộ khởi loạn, đốt lầu cửa thành, cướp kho đạn. Vũ Hồn phải chạy về Quảng Châu. Viên Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc dẹp yên đám quân lính làm loạn, Giao Châu mới được yên.
Tiếc thay tài liệu lịch sử không chép gì thêm về con người và sự nghiệp nhất là hậu hoan lộ, quảng đời sau của Kinh lược sứ Vũ Hồn. Sau sự loạn quân ở phủ thành đô hộ, Vũ Hồn ở lại Quảng Châu hay đến nơi nào khác, có tiếp tục làm quan với nhà Đường hay đã hưu về vườn?
Vũ Hồn có quay trở lại nước ta hay không? Với tư cách một ông quan hay một thường dân? Kinh lược sứ Vũ Hồn đã đến mở ấp Khả Mộ (Mộ Trạch sau này) cưới vợ Việt, định cư rồi sinh ra con cháu họ Vũ nối đời ở đó. Cho đến ngày nay chưa tìm thấy tài liệu lịch sử nào ghi chép chính xác về những điều tồn nghi nêu trên. Khoảng trống lớn đó vẫn chưa lấp được! (trích từ trang 373-374 Tộc phả họ Vũ Võ Việt Nam thế kỷ IX-XIX).
Giả thuyết thứ hai: Vũ Hồn về sống ở làng Mộ Trạch rồi qua đời:
Theo gia phả họ Vũ làng Mộ Trạch thì Vũ Hồn có mặt tại Việt Nam trước năm 841, năm đầu Bửu lịch Đường Kinh Tông (825) ông đã làm Thứ sử Giao Châu thay thế Hàn Thiều (?) đến năm Hội Xương Thứ 3 Đường Văn Tông (843) ông mới được thăng Đô hộ sứ. Thuyết này không trái ngược sử liệu, tuy không nhắc tới sự việc (841) ông được thăng Kinh lược sứ. Con cháu ông không đả động tới sự nghiệp ông không dẹp được loạn phải trốn chạy về Quảng Châu, chỉ nói được ít lâu ông cáo tuổi già bệnh tật xin về hưu, nhưng ông không về Trung Hoa mà ở Việt Nam với người vợ Việt (rất tiếc tên bà không được chép lại).
Tương truyền ông chia số con sinh được với bà vợ Việt ra làm hai, một phần ở lại với cha mẹ, một phần cho đưa về Tàu để lập tông chi tại quê hương ông ở huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến. Hiện nay chưa có tài liệu nào xác định ông bà Vũ Hồn sinh hạ được bao nhiêu người con, tên tuổi từng người cũng không có (trích ở các trang 393,394 và 402 Tộc phả họ Vũ-Võ…).
Mãi tận sau này khi Vũ Hồn đã qua đời được 914 năm, (năm 1767) có một số nho sĩ nhà họ Vũ gồm: Vũ Phương Lan, Vũ Tông Hải, Vũ Thế Nho, Vũ Huy Đĩnh bắt đầu biên soạn cuốn “Mộ Trạch Vũ Tộc thế hệ sự tich” từ năm 1767- 1769 mới xong. Chủ yếu dựa vào tư liệu gia truyền và bí ký trong Từ Đường, bởi xã hội lúc này rất rối ren do nhà Minh (Trung quốc) đô hộ ta với phương châm 4 sạch: “Giết sach, đốt sạch, phá sạch, đập sạch” hòng quyết tâm đồng hóa dân tộc ta nên không thể có các tư liệu chính xác được. Bộ sách trên chủ yếu là ca ngợi, đề cao cụ Vũ Hồn để quan quân nhà Minh nể nang, giảm bớt sự thiệt hại (trích trang 392, 393 Tộc phả họ Vũ -Võ Việt Nam…)
Từ các tư liệu trên có cơ sở khoa học để khẳng định Vũ Hồn như sau:
- Về thân thế: khá rõ rang, người Việt gốc Hoa, học giỏi, đỗ cao.
- Về sự nghiệp có hai giả thuyết:
Giả thuyết thứ nhất: là tướng quân sự cao cấp đời nhà Đường, vâng lệnh vua mang quân sang chinh phạt nhằm khuất phục nhân dân Việt Nam để thực hiện đồng hóa. Nhưng đã bị quân và dân Việt Nam đánh cho thua phải chạy về Tàu, không hoàn thành nhiệm vụ với vua Trung Hoa của ông. Đồng thời chính ông là người có tội với nhân dân Việt Nam .
Giả thuyết thứ hai: Vin cớ tuổi già cáo bệnh về hưu, lấy vợ Việt và định cư ở Mộ Trạch, đã giúp làng này phát triển nhiều mặt đến lúc qua đời (853). Có công với nhân dân làng Mộ Trạch được suy tôn là Thành hoàng và Thần tổ của làng Mộ Trạch-Tân Hồng - Bình Giang- Hải Dương.
AHLĐ- GS Vũ Khiêu trong bài Văn tế kỷ niệm 1200 năm ngày sinh Vũ Hồn đã viết:
Cha ở Trung Quốc Thường Châu
Mẹ ở Việt Nam Vạn Nhuế
…………………………………
Trước sung Lễ bộ Tả Thị Lang
Sau lĩnh Giao Châu Kinh lược sứ
Rời Giao Châu trở lại Hồng Châu
Khi Mộ Trạch còn là Khả Mộ
………………………………………
Mười năm mở đất, công ơn này ai cũng kính yêu
Một dạ vì dân: Tâm huyết ấy đời càng thấy rõ
2- VŨ HỒN CÓ PHẢI LÀ THỦY TỔ DUY NHẤT
CỦA DÒNG HỌ VU-VÕ VIỆT NAM KHÔNG ?
Qua tư liệu trong cuốn Tộc phả họ Vũ -Võ đã được chọn lọc và tổng hợp ở phần trên, ta có đủ điều kiện để khẳng định ngay “Vũ Hồn không phải là Thủy tổ duy nhất của dòng họ Vũ -Võ Việt Nam” với các lý do sau:
Thứ nhất: Ông Vũ Thế Khôi, Nhà giáo ưu tú, nguyên giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhiều năm đã từng là Ủy viên thường vụ Hội đồng dòng họ Vũ -Võ Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu và dịch cuốn “ Mộ Trạch thế hệ sự tích” từ Hán tự sang tiếng Việt hơn 560 trang. Cuối trang 26 có viết: “Vũ Hồn không phải là người họ Vũ đầu tiên đến Việt Nam” . Từ cuốn sách này Vũ Thúy, Võ Văn Liên, Vũ Duy Mền mới biên soạn thành “Tộc phả họ Vũ-Võ Việt Nam Thế kỷ IX –XIX”.
Thứ hai: Do ta thiếu thông tin về lịch sử họ Vũ từ thời dựng nước và giữ nước của vua Hùng, vì từ năm 2008 trở lại đây, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ mới tổ chức hoạt động dòng họ Vũ-Võ và là thành viên của Hội đồng dòng họ Vũ-Võ Việt Nam nên mới biết: “Ở Phong Châu-Phú Thọ có miếu thờ thầy giáo Vũ Thê Lang và phu nhân; đã có công dạy chữ cho hai công chúa con vua Hùng thứ 18, có trường Trung học Phổ thông Vũ Thê Lang đạt chuẩn Quốc gia và có con đường to đẹp mang tên Vũ Thê Lang”. Theo quy định của Nhà nước Việt Nam, những người được lấy tên đặt cho trường, cho đường phải là người có công, có thành tích với dân với nước. Vũ Hồn chưa được đặt tên cho trường nào, đường nào.
Ngoài ra, Ở Vĩnh Phúc còn có đình thờ ba con trai của thầy giáo Vũ Thê Lang, đều là Đại tướng thời vua Hùng thứ 18 và còn có đền thờ hai vị Anh hùng dân tộc Việt Nam thời kỳ Hùng vương là Đức Thượng Đẳng Phúc Thánh Cao Minh Đại Vương Vũ Công Bách và Cao Sơn Đại Vương Vũ Công Điền ở ở Sơn Động, Lập Thạch, Vĩnh Phúc; hai ngài đã từng chỉ huy quân phối hợp với vua Thục Phán đánh bại 50 vạn quân Tần (thời Tần Thủy Hoàng) tiêu diệt Thống tướng nhà Tần là Hiệu úy Đồ Thư năm 209 trước công nguyên. Như vậy, các cụ trên đã có trước cụ Vũ Hồn cả ngàn năm tuổi. Tất cả các di vật, di tích trên đều được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.
Sau các cụ trên, còn có Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương, nữ tướng tiên phong của Hai Bà Trưng là con của ông Vũ Công Chất. Bà sinh ra ở Phượng Lâu, Phong Châu (nay là Thành phố Việt Trì, Phú Thọ) đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm với quân Nam Hán đến hơi thở cuối cùng. Khi bà mất, được nhân dân địa phương an táng tại chỗ, ngay trong đền thờ bà ở Tiên La, Hưng Hà, Thái Bình. Hiện nay cả ở Tiên La và Phượng Lâu đều có đền thờ Bà và cả hai nơi đều được Nhà nước cấp bằng Di tích Lịch sử Quốc gia. Nếu so sánh chính xác thì bà Vũ Thị Thục Nương cũng có trước cụ hơnVũ Hồn 800 năm…
Thứ ba: Lý lịch của Vũ Hồn không rõ ràng, thể hiện ở các trang trong Tộc phả Vũ-Võ là:
-Trang 373 Tộc phả họ Vũ-Võ…: Sau vụ loạn quân ở phủ thành đô hộ ông ở lại Quảng Châu hay đến nơi nào khác? có tiếp tục làm quan với nhà Đường nữa hay không? với tư cách một ông quan hay một thường dân? nguyên Kinh lược sứ Vũ Hồn đã đến mở ấp Khả Mộ (Mộ Trạch ngày nay) lấy vợ Việt định cư rồi sinh ra con cháu nối đời ở đó. Cho đến nay chưa thấy tài liệu nào ghi chép chính xác về những điều tồn nghi nêu trên. Khoảng trống lớn đó vẫn chưa thể lấp được.
- Trang 392 Tộc phả họ Vũ-Võ…: Vũ hồn là ai mà được con cháu nhắc nhở như một nhân vật huyền thoại. Ông Đặng Tư Khiêm ghi lại kỹ càng giai thoại, huyền thoại về Vũ Hồn:
+ Khi thì ông là đứa trẻ mồ côi được người Tàu đem về dạy dỗ trở thành một người thông học, giỏi khoa địa lý, thấy đất Mộ Trạch đẹp nên đem chôn hài cốt cha mẹ ở đó.
+ Khi thì ông có được một người mẹ khôn ngoan lựa được một thầy địa lý Tàu tài giỏi chôn được hài cốt của cha ông vào một huyệt tuyệt đẹp tại Mộ Trạch.
-Trang 401 Tộc phả họ Vũ-Võ…
Vũ Công Huy là môt quan chức Nhà Đường tinh thông phong thủy. Sau khi từ quan đi du ngoạn phương Nam, dừng chân ở Nam Sach, phát hiện một quần thể gò đống nổi lên rất đẹp với cái thế “cửu thập, bát tú triều dương” (chín mươi tám ngôi sao chầu về mặt trời) chọn một gò đẹp nhất về Trung Quốc bốc mộ phụ thân đến táng ở đây nay gọi là Đống Dờm. Ông Huy lưu lại Nam Sách, nhờ manh mối lấy được bà Nguyễn Thị Đức, người con gái đến tuổi cập kê ở làng Mạn Nhuế “Tính hạnh đoan trang, nếp nhà thi lễ”.Khi bà Đức mang thai ông đưa bà về Trung Quốc. Ngày mùng Tám tháng Giêng năm Giáp Thân sinh hạ con trai đặt tên là Vũ Hồn. Vũ Hồn trưởng thành tiếp tục sự nghiệp của cha trở thành quan chức nhà Đường…
Qua những cứ liệu xác thực trên càng thấy rất rõ là đã có nhiều người Việt Nam mang họ Vũ xuất hiện từ trước đến sau công nguyên đều có công, có tích trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm chống giặc phương Bắc để có ngày nay. Ai không thừa nhận những bằng chứng lịch sử này là người có tội lớn với đất nước, với các bậc tiền nhân họ Vũ-Võ. Một lần nữa khẳng định các cụ trên có trước cụ Vũ Hồn cả ngàn năm tuổi, lại có công với nước, với dân mới xứng đáng là Thủy tổ của những người mang họ Vũ-Võ Việt Nam. Còn cụ Vũ Hồn chỉ là Thủy tổ của một số người họ Vũ ở làng Mộ Trạch, họ Vũ làng Mộ Trạch chỉ là một nhánh nhỏ mà thôi. Chính vì thế mà trên 20 năm qua Hội đồng dòng họ Vũ Võ Việt Nam vẫn chưa tổ chức được Hội đồng dòng họ Vũ-Võ ở làng Mộ Trạch và cả ở xã Tân Hồng do không thống nhất được với nhau là hậu duệ của Vũ Hồn.
Thế mà, thời gian qua, một số vị trong Ban lãnh đạo Hội đồng dòng họ Vũ-Võ Việt Nàm cố tình phủ nhận lịch sử tổ tiên của mình đã có từ thời dựng nước và giữ nước như các họ lớn khác ở Việt Nam. Ngược lại còn ra Văn bản Thông báo gửi tất cả các tỉnh, thành phố có tổ chức HĐDHVV với những câu như ra lệnh và đe dọa là “ Những ai không thừa nhận Thủy tổ Vũ Hồn là thủy tổ duy nhất của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam thì dứt khoát không được tham gia vào Hội đồng dòng họ Vũ Võ Việt Nam”. Tham gia việc họ không có lương, không có phương tiện làm việc, lại mất thời gian, sức khỏe và cả tiền nữa mà được đối xử như vậy? chắc những người viết và ký văn bản trên họ đã quên truyền thống của dòng họ Vũ-Võ là Nhân hậu và Trí tuệ.
Phần 2:
SỰ NGỘ NHẬN VÀ ÁP ĐẶT
1- TẠI SAO LẠI CÓ SỰ NGỘ NHẬN VŨ HỒN
LÀ THỦY TỔ DUY NHẤT CỦA HỌ VU-VÕ VIỆT NAM
Ngộ nhận có nghĩa là do hiểu sai nên nhận sai; thật vậy.qua những lần trao đổi với các anh em trong ban quản lý di tích Miếu thờ của làng Mộ Trạch, họ đều nói:”Từ xa xưa đến nay, chúng tôi chỉ nghĩ rằng Vũ Hồn là Thủy tổ và Thần tổ của làng Mộ Trạch. Nên hàng năm đến ngày mùng Tám tháng Giêng âm lịch là ngày sinh của Vũ Hồn, chúng tôi tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương mình. Chưa bao giờ coi đó là của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam. Mặc dù có nhiều năm một số lãnh đạo của Hội đồng dòng họ Vũ -Võ Việt Nam nhắc nhở nên công bố là “Ngày hội truyền thống của dòng họ Vũ -Võ Việt Nam”, vì có rất nhiều người họ Vũ-Võ ở các tỉnh cả ba miền Bắc- Trung- Nam về dự. Còn có cả hai Vị Chủ tịch danh dự Vũ Khiêu,Vũ Oanh; rồi Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Ủy viên thường vụ của Hội đồng dòng họ Vũ -Võ Việt Nam cũng dự đông đủ.
Nhưng Ban Quản lý di tích Mộ Trạch vẫn giữ nguyên như cũ với lý do: để tránh mất đoàn kết trong nhân dân ở làng bởi cụ Vũ Hồn là của làng Mộ Trạch, không phải chỉ có của những người họ Vũ -Võ ở làng Mộ Trạch.
Việc suy tôn cụ Vũ Hồn nhân vật lịch sử của một làng, thành Thủy tổ duy nhất của một dòng họ lớn trên cả nước, là do một số Vị trong lãnh đạo Hội đồng dòng họ Vũ -Võ Việt Nam tự ý, rồi tuyên truyền rộng ra vào những năm gần đây theo kiểu tự xưng vậy là không chuẩn. Cụ Vũ Hồn có công với làng Mộ Trạch nhưng có tội với nhân dân Việt Nam nên không được phép làm tùy tiện như thế. Thất đức đấy, sẽ không được sự ủng hộ rộng rãi của ngay những người họ Vũ Võ trên cả nước nói chung và làng Mộ Trạch nói riêng.
Trong lời giới thiệu ở trang đầu tiên của Tộc phả.GS AHLĐ, Vũ Khiêu Chủ tịch danh dự Ban liên lạc họ Vũ-Võ Việt Nam cũng đã viết:
- Dòng 1 và 2: Thủy Tổ- Thần Tổ Vũ Hồn tại làng Mộ Trạch…
- Dòng 14 và 15:Kết quả nghiên cứu khoa học về Vũ Hồn, Thủy Tổ- Thần Tổ làng Mộ Trạch…
Từ các căn cứ trên, ta thấy rõ trong trường hợp này không phải là ngộ nhận do thiếu hiểu biết mà nhận nhầm, vì những người đưa ra quan điểm này đều là người có học, từng có cương vị nhất định trong quá trình công tác ở các tổ chức của Nhà nước trước khi nghỉ hưu. Nghĩa là họ cố tình thừa nhận cụ Vũ Hồn là Thủy Tổ duy nhất của dòng họ Vũ Võ với lợi ích riêng nào đó hoặc ý đồ lớn mà ta chưa biết. Họ tận dụng bản tin nội bộ để tuyên truyền, đề cao, khẳng định.Thậm chí còn đưa ra những tư liệu, tài liệu, cứ liệu không đúng sự thật để lừa dối, bịp bợm những ai không có điều kiện tìm hiểu ngọn ngành về tổ tiên của mình, dẫn đến “Mả cha không khóc, khóc đống mối”.Thờ tướng giặc Tàu!
Đây là vấn đề nhận thức nên phải có thời gian, đến một lúc nào đó khi mọi người họ Vũ -Võ Việt Nam biết cụ Vũ Hồn có bố là người Tàu, mẹ là người Việt, bản thân Vũ Hồn sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc. Năm 37 tuổi (841) được vua nhà Đường phong Kinh Lược Sử đem quân sang đàn áp dân tộc Việt, thất bại phải chạy về Quảng Châu Trung quốc. Sau đó ở lại Trung Quốc hay quay lại Việt Nam đến nay vẫn không có tư liệu chính xác nào khẳng định (xem cuối trang 373 và đầu trang 374 Tộc phả Vũ-Võ …)
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều vấn đề phức tạp, tình hình biển Đông, Hoàng Sa, Trường sa, thăm dò dầu khí, đánh bắt cá ngày càng căng thẳng. Trên đất liền, Trung quốc đã có nhiều thủ đoạn đê tiện, tiểu nhân phá hoại ta trên tất cả các mặt đời sống xã hội.
Xuất phát từ thiện chí hòa bình ta phải thực hiện phương châm “Một sự nhịn, chín sự lành” trong quan hệ ứng xử với Trung quốc. Nói thế không có nghĩa là ta cứ để cho Trung quốc lấn tới; mặc dùn hoạt động của dòng họ là hoạt động tự nguyện mang tính tâm linh , hướng về cội nguồn nhưng vẫn không thể bỏ qua trách nhiệm chính trị.
2. ÁP ĐẶT NHẰM GIẢI QUYẾT CÁI GÌ?
Áp đặt là hạ sách, do phi nghĩa nên không đủ uy tín để thuyết phục những người khác, phải dùng sức ép bắt người họ Vũ-Võ thuần Việt phải chấp nhận quan điểm mà họ đề ra là: “Phải công nhận Vũ Hồn là Thủy tổ duy nhất của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam”.Vấn đề này đã được phân tích ở phần trên: Vũ Hồn chỉ là của làng Mộ Trach, Tân Hồng , Bình Giang, Hải Dương.
Cách giải quyết đó không phải là phương án tối ưu cho những người tự hào có truyền thống Nhân hậu-Trí tuệ. Hành động thô bạo này hay xảy ra với những người tự cho mình có quyền cấp trên nhưng quá kém về đạo đức và năng lực, đành phải dùng để giải quyết mâu thuẫn giữa Hội đồng dòng họ Vũ -Võ Việt Nam với Cộng đồng họ Vũ-Võ thủ đô Hà Nội, nhằm tạo ra sự thống nhất không dân chủ, không bình đẳng, Hà Nội không chấp thuận.
Là người hiểu biết phải nhận thức được một thực tế là cuộc sống rất công bằng ở chỗ: Có sự xuyên tạc sự thật ắt phải có sự bảo vệ sự thật, có sự xúc phạm nhân phẩm ắt phải có sự bảo vệ nhân phẩm. Hành động lừa đảo, bịp bợm, xuyên tạc sự thật, xúc phạm nhân phẩm, đảo chính áp đặt không thể dẫn đến đoàn kết thân ái. Mà chỉ dẫn đến mất đoàn kết manh hơn… Dùng kế tạo nghi ngờ làm mất uy tín của lãnh đạo và tổ chức Cộng đồng họ Vũ- Võ thủ đô Hà Nội là thủ đoạn, gây mất đoàn kết nham hiểm, xảo quyệt nhất. Thế mà lại là Công cụ sắc bén của một số người có quyền lực ở Hội đồng dòng họ Vũ-Võ Việt Nam dùng để “củng cố đoàn kết trong dòng họ” thì thật là cười ra nước mắt
Tóm lại: Thân thế và sự nghiệp của Vũ Hồn đã được trình bày và phân tích trên cơ sở cuốn Tộc phả họ Vũ-Võ Việt Nam ở các phần trên là quá đủ để khẳng định Vũ Hồn chưa đủ tầm để là Thủy Tổ của những người mang họ Vũ-Võ ở Việt Nam, càng không phải là “Thủy tổ duy nhất”. Mà Vũ Hồn chỉ là của làng Mộ Trạch thôi. Còn Thủy tổ của cộng đồng họ Vũ Võ Việt Nam là các vị sinh ra lớn lên ở đất Việt, có trước Vũ Hồn cả ngàn năm, có công với nước đang được thờ phụng và đặt tên trường, tên trường ở huyện Phong Châu- Phú Thọ và Vĩnh Phúc v.v…
Hội đồng dòng họ Vũ-Võ Việt Nam dùng biện pháp áp đặt, bắt ép những người Việt Nam mang họ Vũ-Võ phải thừa nhận Vũ Hồn là Thủy tổ duy nhất của họ Vũ-Võ Việt Nam là phạm pháp, vì Nhà nước ta cho phép tự do tín ngưỡng, không ai có quyền bắt người khác phải tôn kính và thờ phụng người đã từng là kẻ thù của dân tộc mình.
Tội phủ định Tổ Tiên và vu khống làm mất danh dự, uy tín của người khác, tổ chức khác đều phải xử theo luật hình sự./.
Tài liệu tham khảo:
- Tộc phả họ Vũ Võ thế kỷ IX-XIX , NXB
- Thông tin dòng họ từ năm 2015-2016
- Các bài phát biểu Hội thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét