Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

HỎI CHUYỆN TÁC GIẢ BÀI CA DAO "TRONG ĐẦM GÌ ĐẸP BẰNG SEN"

Nhà văn Hà Lâm Kỳ
Thứ tư ngày 17 tháng 5 năm 2017 9:09 PM


Kết quả hình ảnh cho hoa sen


Tôi đến phòng 322 Khách sạn La Thành (Hà Nội) tìm gặp nhà thơ Bảo Định Giang. Cánh cửa nhẹ mở
- Mời anh vô nhà
Biết tôi là người đã "đặt cọc" từ hôm qua (26.9.1995), ông vui vẻ mở tủ lạnh lấy nho ra mời. Thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt đôn hậu, ở tuổi thất thập, nhìn ông vừa có độ hiền từ của một bóng cả, vừa có cái kỹ tính của một nhà văn từng là sỹ quan quân đội.
Chậm rãi, ông kể:
Năm 1946, hai mươi tuổi, tôi làm Trưởng ban tuyên huấn Bộ tư lệnh khu 8. Thật may mắn, dịp đó tôi gặp anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) Bí thư xứ uỷ Nam Bộ. Anh Ba dặn:
- Anh đi tuyên truyền phải nói rõ làm sao cho dân biết về Bác Hồ - một con người tất cả vì nước vì dân. Bác Hồ chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Và hôm đó, anh Ba ngồi suốt hai tiếng đồng hồ trên nền sân gạch hoang nơi đóng quân của đốc binh Kiều thời Cần Vương, giảng giải cho tôi và anh em trong đội tuyên truyền lưu động về Bác Hồ, về Việt Minh. Ngay đêm hôm đó, tôi viết vở kịch ngắn nhan đề: "Cụ Hồ", để anh em kịp tập cho đợt đi xuống dân trong mấy ngày tới.
Một hôm, tại nhà bà cụ nông dân ở Đồng Tháp Mười, tôi đang đung đưa cánh võng, bất chợt nhìn ra cửa, trước mắt tôi là cả đầm sen lớn đang độ trổ hoa hương thơm ngào ngạt, một ý nghĩ chợt đến. Thế là tự dưng tôi ngâm nga: "Tháp mười đẹp nhất bông Sen..." Một ý nghĩ thoáng đến ngay "Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ". Ngẫu nhiên tôi được hai câu thơ ở thể tỷ (so sánh) một cách hứng thú. Tôi viết luôn hai câu sau: Bông sen thì để lên chùa, Cụ Hồ thì để tôn thờ trong tâm.
Tập ca dao Đồng Tháp chép tay sau lần đi về thôn ấp Tháp Mười ấy được anh Trần Văn Trà (sau này là Tượng tướng) cầm ra Việt Bắc cuối năm 1946, đến tay anh Tố Hữu, rồi anh Hoài Thanh. Và thế là chẳng biết từ khi nào hai câu đầu trong bài thơ không đề của tôi trở thành ca dao Nam Bộ, rồi thành lời ca của cả nước.
- Thưa nhà thơ, thế còn cái tên "Bảo Định Giang"?
- À, tôi tên thật là Nguyễn Thanh Danh, lấy bút danh đó là vì con sông Bảo Định chảy qua Tiền Giang quê tôi, khúc sông qua quê ấy đã chứng kiến cái chết buất khuất của Thủ khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) một danh tướng Cần Vương do Thực dân Pháp xử tử. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ trường kỳ, gian khó và hy sinh. Sông Bảo Định mà tôi nhận làm bút danh sẽ luôn luôn là lời nhắc nhở mình hãy sống và chiến đấu như Thủ khoa Huân, như đồng bào Nam Bộ.
Chia tay nhà thơ, tôi ghi lại câu chuyện nhỏ này để các lớp đàn em - con em các dân tộc thiểu số - hiểu rõ xuất xứ của hai câu ca dao nổi tiếng, và tác giả của nó là ai.
Hà Nội, tháng 9.1995
HLK.

Nguồn: Trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét