Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Thơ, những vấn đề hôm nay

THƠ, NHỮNG VẤN ĐỀ HÔM NAY

Vũ Quần Phương-Được ban lãnh đạo HNV phân công đề dẫn cho cuộc bàn bạc này, quả thật tôi thấy rất khó phân tích hoặc quy nạp các hiện tượng sinh hoạt thơ ca hiện nay. Xin các bạn kính mến cho phép tôi làm một liệt kê những điều trông thấy. Nó lôi thôi, lặt vặt nhưng cũng rất tươi sống.
Còn việc khái quát bối cảnh ấy và đề xuất biện pháp giải quyết, đó cũng là đích đến của hội thảo này, xin được trông cậy vào trí tuệ của toàn thể các bạn ngồi đây. Cuộc hội thảo của chúng ta nằm trong khuôn khổ Ngày Thơ 2018, lãnh đạo Hội mong nghe nhiều ý kiến nên xin các bạn nói ngắn gọn, thiết thực. Một người có thể nói nhiều lần nên mỗi diễn giả chỉ nêu một vài vấn đề, nhường các  bạn khác nói tiếp.
1- Từ tòng cổ đến nay, chưa bao giờ người mê thơ ở nước ta lại đông như bây giờ. Số người được tôn vinh là nhà thơ ước tính tới hàng chục vạn, tập trung trong các hội như Hội nhà văn của cả nước, của các tỉnh và đông hơn là trong các câu lạc bộ. Riêng câu lạc bộ thơ mang tên Việt Nam đã có tới một vạn thành viên. Lại còn trùng trùng lớp lớp các CLB cấp tỉnh thành, quận huyện, xã phường, tổ nhóm… rồi CLB thơ  của các ngành nghề , các trường học, các lứa tuổi, các giới tính, các thể thơ... Các tập thơ được xuất bản nhiều chưa từng có. hàng năm, trong cả nước, dễ đến ba bốn nghìn tập. Thơ đã thành một thú chơi tinh thần tao nhã, rất đáng trân trọng và cổ vũ của toàn xã hội. Đã có yêu cầu xin quốc hội tự phong nước ta là Thi quốc và phong thơ lục bát, thể thơ làm nên Truyện Kiều và được nhiều nhà thơ trong các CLB ưa dùng là Quốc thi. Mặt khác, thể thơ nhiều niêm luật trói buộc của thơ Đường, cũng được nhiều nhà thơ không chuyên hào hứng vận dụng. Cách đây hơn ba chục năm, khi chưa ban hành quốc sách Đổi mới, tôi đã kinh ngạc và thầm phục cụ Lạc Nam khi đến thăm lớp cụ hướng dẫn làm Thơ cổ truyền, trong đó có cả lục bát và Đường thi, ở phố Hàng Bè Hà Nội. Cụ Lạc Nam viết thành sách giáo trình, tôi đã  vui mừng viết Lời giới thiệu. Nhưng gần đây khi thấy tuyển tập thơ của các nhà thơ không chuyên Việt Nam đương thời viết theo luật thơ Đường, lấy tên là Thắp sáng Đường thi ngụ ý người phương Bắc khai sinh thơ Đường huy hoàng là thế nhưng lại để nó tắt ngóm cả nghìn năm, nay nhờ phong trào CLB thơ nước ta mà Đường thi được thắp sáng trở lại,  thì tôi lại thấy lo lo. Quả thật, rất khó để so sánh thơ luật Đường của chúng ta hôm nay với thơ Đường thời Lý Bạch, Đỗ Phủ...So thế cũng e thiên hạ nghĩ mình là người không sợ súng. Nhưng thôi, tôi không dám sa đà vào những tiểu tiết ấy. Điều muốn được xin ý kiến các bạn là việc cắt nghĩa nghịch lý này: Làm thơ đã thành niềm say mê của cả cộng đồng nhưng việc đọc thơ sao lại im ắng quá. Hầu hết các nhà xuất bản không đầu tư vào việc in thơ, bán thơ. Nhà thơ phải tự bỏ tiền in thơ, tự bán lấy thơ mà số đông là không biết bán và không bán được. Gửi hiệu sách, hiệu sách từ chối. Chỉ có đem tặng thì lại bị câu ca dân gian chắn lối: Gặp nhau tay bắt mặt mừng Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ.Các tiết mục hàì thường chọn nhà thơ làm nhân vật gây cười mà đặc trưng là ngớ ngẩn, túng tiền và ít tắm rửa. Sách giáo khoa trung học cũng tỏ ra lúng túng khi chọn thơ đương thời vào giảng dậy. Vậy thơ chúng ta đang đi lên hay đi xuống? Có người trả lời: thơ đang mở rộng nhưng càng rộng lại càng tầm thường. Cũng có người lạc quan với số lượng nhà thơ và khối lượng xuất bản phẩm. Còn người bi quan thì lắc đầu: thấp quá,  thấp về cảm hứng, thấp cả về văn hóa. Bản thân tôi có lần được hỏi, chỉ dám viết chạy bút: thơ ta chưa thấy đi lên mà cũng không ai muốn tin nó xuống. Thơ đang đi ngang. Hôm nay  khẩn thiết xin các bạn cho một lời đánh giá thiết thực để chúng ta xác định được thực chất của nền thơ chúng ta, phân định rạch ròi thành tựu và những gì cần phải vượt.

2- Về phê bình lý luận thơ. Chuyện này cũng nhiều lý thú. Các thày ở trường bồi dưỡng viết văn thường có nhận xét nghe vui, nhưng không biết có là thật không: Năm đầu vào học nhiều em chọn bộ môn thơ. Năm thứ hai một số chuyển sang văn xuôi. Năm cuối xem chừng  gần hết cả lớp đều muốn trở thành nhà phê bình. Không biết có phải vì tâm lý ấy mà các nhà phê bình thơ và các bài phê bình thơ cứ phát triển đều đặn. Giọng điệu phê bình chung là biểu dương, ca ngợi, có khi ca ngợi đến hêt lời. Thi hữu thi huynh đôi bên đều vui chỉ có bạn đọc là hoang mang, rồi nghi ngờ, rồi tự bảo vệ mình là không đọc nữa. Thế là cả phê bình thơ lẫn thơ đều mất khách. Lỗi của bạn đọc, đúng là thiếu kiên nhẫn. Nhưng chúng ta, trong nghề, thì nên tiên trách kỷ. Vả lại mình không lo cho mình thì ai lo.
Liên quan đến chất lượng bình giá thơ ca còn là các giải thưởng thơ và chất lượng kết nạp hội viên thơ.
Chưa có thời kì nào văn học nghệ thuật nhiều giải thưởng như thời kỳ này. Thơ cũng vậy. Đủ các loại giải: giải hàng năm của Hội, giải định kỳ của nhà nước, giải theo tuổi nghề, theo địa phương, theo đề tài, theo các cuộc thi nhiều cấp bậc... Ai chưa được giải dù cả đời theo đuổi văn chương thì được giải  công lao của sự kiên trì. Đấy là thiện ý của các nhà quản lý thi đua sản xuất văn chương: không muốn để sót một ai, cũng phù hợp với thời cuộc đang cơn mến yêu thành tích lại còn tăng cường đoàn kết, gắn bó cộng đồng nhưng cũng có tác dụng không mong muốn là sức hấp dẫn của văn chương được giải ngày càng hao hụt và sức thuyết phục của giải cũng mòn dần. Nguyên nhân không phải do nhiều giải mà là sự công bằng chính xác trong xét giải. Đã đến lúc phải tìm ra quy chế mới trong bình chọn, trong cấu tạo những ban giám khảo có tài năng nhận ra giá trị đích thực của thơ, tìm ra thơ hay để tặng giải và chỉ tặng giải cho thơ hay. Phẩm chất giám khảo tạo nên uy tín giải thưởng và ngược lại.
Về kêt nạp hội viên. Hôi ta qua 60 nắm phát triển, có khoảng một ngàn hội viên. Trong đợt kết nạp vừa qua sự thẩm định cũng đã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên có tới ba chục năm nay nới rộng kết nạp, bây giờ muốn nâng tiêu chí chắc cũng cần thời gian. Chúng ta không vội được. Vội là làm mất công bằng. Điều băn khuăn ở đây là đừng bỏ sót những bạn viết hay. Tôi xin nêu vài trường hợp mà tôi được biết,  ngẫu nhiên thôi, như bạn viết trẻ khiếm thi Việt Anh (Hà Nội) và vài cây bút viết đã lâu, nay đã vào tuổi hưu, lịch lãm chuyện đời, bút pháp khá chắc, như các anh Nguyễn Hạnh Hiếu (Thái Bình), Tân Quảng (Bắc Giang). Chưa phải ai được kết nạp cũng là đích đáng cả thì ai đích đáng nên sớm kết nạp họ. Đấy là nghĩa tình đồng nghiệp và là trách nhiêm rất khả thi.
Thẩm định có tác động nhiều nhất đến bạn đọc chính là thẩm định của biên tập viên các tòa báo, các nhà xuất bản, và cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cơ chế thị trường đòi hỏi các cơ sở xuất bản tăng khối lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Điều đó quả có thúc đẩy khâu biên tập bao dung hơn với chất lượng tác phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khá quan trọng làm thơ mất độc giả, báo chí mất bạn đọc. Luật pháp cấm ấn hành tác phẩm xấu chứ không cấm tác phẩm dở. Quyền viết dở là của mọi người chứ không thể dành riêng cho các nhà thơ nổi tiếng. Số tập thơ hay cố nhiên phải lọt thỏm và rất khó tìm trong đống ấn phẩm khổng lồ hàng ngàn tập mỗi năm kia là tất yếu. Không thể kêu gọi các doanh nhân giảm lợi nhuận để cứu nền thơ chúng ta. Nhưng kinh nghiêm về định giá sách văn chương của nhiều nước có thể giúp chúng ta tìm ra cơ chế thích hợp. Có điều quyền hạn hành chính cho việc này vượt qua chức năng  Hội nhà văn VN.

3-Mối tương quan họat động  thơ giữa hai cực đại chúng và nâng cao.
 Về cực đại chúng. Như trên đã nói, từ quốc sách Đổi mới, số người làm thơ, in thơ, tham dự các sinh hoạt thơ tăng đột biến, Hội nhà văn VN đã cấy được một ngày hội văn chương vào hệ thống lễ hội truyền thống, được nhân dân cả nước chấp nhận từ 15 năm nay rồi. Đó là một thành tựu văn hóa, có tác động tốt trong xây dựng phẩm chất xã hội, nhân cách con người Đó cũng là những  biểu hiện của nâng cao dân trí, của công tác cán bộ trong tiến trình xây dựng nhà nước cách mạng. Chúng ta trân trọng, tự hào nhưng cũng thấy ngay rằng đó mới là thành tựu bước đầu, còn lẫn vào đó những đích nhìn thiển cận, làm hụt đi những động lực bền vững làm nền tảng để xây dựng nền văn chương dân tộc phong phú và có tầm cao đúng như  khát vọng của chúng ta. Chúng ta đã có được một màng lưới câu lạc bộ rộng lớn đến phát thèm như thế này đối với nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia giàu có. Nhưng chúng ta đã tìm ra phương cách hoạt động  thỏa đáng cho nó chưa. Sao thơ làm ra nhiều, in nhiều mà lại không có người đọc kể cả ta, ta cũng ít đọc. Đọc cha ông, đọc người thiên hạ và đọc lẫn nhau. Không tự nguyện làm độc giả thì làm tác giả sao được. Thế nào là yêu tiếng Việt, thế nào là tình cảm dân tộc, thế nào là tư tưởng của cha ông. Không tìm vào đó, không làm giàu mình lên được, tiến sẽ chậm, rất chậm, có khi còn thui chột. Đọc, với chúng ta, không phải chỉ là thưởng thức, dù biết thưởng thức caí hay cái đẹp của thơ đã là một thành tựu, một hạnh phúc lớn lắm rồi. Mà đọc còn là khám phá. Hình như các anh các chị các bạn thân yêu, chúng ta khám phá còn ít quá, còn lười quá. Hôm nay đứng thưa với các anh các chị điều này tôi đã ở vào chặng tuổi biết quyến luyến với cuộc đời, biết thấm lặng hơn để nếm cái vị đời trên miệng, để nâng niu những nỗi đời đang có trên tay. Đừng sa đà vào những ồn ào danh hiệu, những óng ánh ngỡ là thơ mà rất không thơ. Đời người ngắn lắm, đời cho thơ càng ngắn hơn. Cứ rối lên với oản chuối, hương đèn, vàng mã thì còn đâu tĩnh tâm mà tìm đến Phật.
Về cực nâng cao. Mấy từ này có thể chưa nói hết ý về một phía hoạt động của nền thơ đang phát triển rộng rãi của chúng ta. Tôi muốn nói đến những tác giả tác phẩm có tính chuyên nghiệp, những thành tựu có sức đại diện cho tiến trình văn chương đất nước, những tên tuổi tiêu biểu cho những trào lưu, những khuynh hướng văn học làm nên văn học sử nước nhà. Chúng ta trân trọng với lao động sáng taọ của mọi người cầm bút. Nhưng đánh giá  hoặc giới thiệu thành tựu văn chương của đất nước với bạn đọc thế giới chúng ta cần tìm tới những tác phẩm tác giả ở khu vực này. Tính chuyên nghiệp, tính hàn lâm của họ được quyết định chỉ do phẩm chất tác phẩm, không phải do các yếu tố thuộc tổ chức như lĩnh lương từ một cơ quan văn chương, hay là thành viên một hội đoàn nghệ thuật. Họ buộc phải là người dẫn đầu, phải tiên phong trong sáng tạo, phải đại diện cho dân tộc đóng góp vào văn chương nhân loại, làm nên văn chương nhân loại. Họ có thể là em bé tuổi lên mười từ một góc sân làng quê mà góp phần vào khoảng trời văn chương nhân loại. Họ có thể là một nhà chính trị chuyên nghiệp, thơ chỉ là hoạt động nghiệp dư trong lúc tội tù nhưng thơ họ lại thể hiện được khát vọng của dân nước họ, lên được khuôn mặt tinh thần của thời đại họ. Nhưng thường gặp hơn, họ là những người dành cả đời mình cho văn chương. Với thơ, thường được bắt đầu ngay từ tuổi trẻ, thành công thơ vốn dễ đến khi hồn người đang độ tươi non, dù rằng có khi thành tựu cao nhất lại thuộc về giai đoạn mắt đã thấy tám cõi, lòng đủ  tích chứa chiêm nghiệm  từ sách vở trăm đời và nóng hổi vơi vui buồn thế sự thời đang sống. Họ gắn với gốc rễ dân tộc nhưng phải đi trên hàng ngang cùng nhân loại. Không có nhân nhượng ở đây. Nhân nhượng là tự loại. Tôi nghĩ HỘI nhà văn VN có trách nhiệm chủ chốt trong công việc nặng nề và vinh dự này. Đánh giá thành tưụ của Hội là bắt đầu từ khâu này. Hội có trách nhiệm với mọi hình thái sáng tác văn chương, sinh hoạt văn chương, nhưng then chốt là nhiệm vụ này.
Hiện nay theo quan sát có tính cá nhân, tôi thấy ranh giới giữa hai cực sáng tác đại chúng và nâng cao đang mờ nhòe. Nhiều tác phẩm của người viết trong phong trào được công chúng thơ tìm đọc, trong khi không ít những tác giả là hội viên, thậm chí từng có bài viết hết lời khen ngợi, laị nằm ngoài sự quan tâm của bạn đọc. Chúng ta nhìn lại xem: chú bé Trần Đăng Khoa nổi tiếng ở tuổi nhi đồng, thơ Việt Phương, thơ Bút Tre hồi ấy, thơ Bảo Sinh bây giờ... được biết đến, được nhận ra vị riêng khi tác giả của nó chưa hoặc không là hội viên. Quả thật mấy vị đó, tôi biết, không có ý định tham gia Hội nhưng lại có ý chí dấn thân vào thơ. Ít năm nay có hiện tượng các người viết nghiệp dư, phần lớn là các vị đã về hưu, náo nức tham gia các Hội nhà văn quốc lập, tạo nên một không khí phấn đấu hơi xa văn chương, nhất là trong mùa kết nạp. Việc tìm ra hình thức sinh hoạt phù hợp và thiết thực cho hai khu vực người viết là việc cần làm của Hội nhà văn VN và các câu lạc bộ, các cơ quan văn hóa. Họ, những người viết ây, có cái chung, rất chung, ấy là quy luật của lao động sáng tạo nhưng cũng có những đặc thù. Và chính cái đặc thù ấy đòi hỏi phương pháp làm việc khác nhau và tạo nên đặc tính khác nhau của sản phẩm. Tham gia Hội nhà văn có thể để ghi nhận một dấu mốc nghề nghiệp chứ không bao giờ là cái đích của người  cầm bút. Bạn đọc khi đọc văn có ai quan tâm tác giả là hội viên hay không đâu. Sự phấn khích vào Hội, xếp hàng hàng trăm đơn tham gia. Nhiệt tình ấy mừng ít, lo nhiều. Việc đầu tiên để làm văn chương là tìm hiểu về chính nó. Văn chương là gì? Thơ là gì? Ta làm nó hay nó làm ta? thì chúng ta lại chưa đủ công phu để trả lời thấu đáo. Có phải không các bạn. Ý kiến của các bạn sẽ tạo dựng những hướng mới, hiệu quả hơn, tầm vóc hơn, trong lao động thơ sáng tạo của chúng ta.
26-2-2018
Vũ Quần Phương
Trích VanVN.net-Lê Hùng
Xem thêm...

Tham luận của nhà thơ Vương Trọng

 -  
                        TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN CỦA NHÀ THƠ.
Trách nhiệm của nhà thơ là làm thơ hay để người đời thưởng thức. Thơ hay ở nội dung đề tài và hình thức nghệ thuật.  Có đề tài vĩnh cửu như tả cảnh, tả tình, nói về tính nhân văn của con người cùng những triết lý về nhân sinh… Có đề tài thời sự là những sự kiện lớn của đất nước đang diễn ra mà nhà thơ được chứng kiến. Có người cho rằng, chỉ có đề tài vĩnh cửu thì thơ mới sống được lâu, còn  bám đề tài thời sự thì thơ sẽ chết khi tính thời sự qua đi. Theo tôi, nói như thế chỉ sống một phần. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bỏ ra nhiều công sức để viết các tác phẩm dài hơi như “Lục Vân Tiên”, “Ngư tiều vấn đáp”…để bộc bạch quan niệm nhân sinh của mình, nhưng sức sống lâu bền của những tác phẩm này lại thua hẳn “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, một tác phẩm thời sự!
Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi nhà thơ chúng ta đều nhận rõ trách nhiệm công dân của mình: cùng dân tộc đánh thắng đế quốc xâm lược. Có lẽ trên 90 phần trăm số bài thơ thời ấy nói về chiến tranh, người lính và hậu phương người lính, điều này đã có tác dụng động viên không nhỏ về tinh thần cho mọi người. Tôi nhớ, trong cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969, thì hầu hết 36 bài thơ được giải nằm trong những đề tài này.
Từ khi hòa bình lập lại và thống nhất đất nước, nhất là vài chục năm nay, trách nhiệm công dân của nhà thơ  được ít người chú ý. Gần đây ta nghe quen câu nói “ Nhà thơ đồng hành cùng đất nước”, nhưng thực tế hình như không phải như thế. Hàng ngàn tập thơ xuất bản mỗi năm nhưng hầu hết chỉ nói nỗi riêng của nhà thơ chứ mấy bài nói chuyện lớn của đất nước? Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương cắm vào lãnh hải chúng ta, cả nước sục sôi, nhưng đã có mấy nhà thơ lên tiếng bằng thơ? Formasa gây ô nhiễm, cá biển chết năm tỉnh miền trung làm hàng vạn ngư dân điêu đứng thì đã có được mấy nhà thơ lên tiếng bằng thơ? Tham nhũng trở thành quốc nạn, làm kiệt quệ đất nước,  suy đồi đạo đức…đã được mấy nhà thơ lên tiếng bằng thơ? Và còn bao chuyện lớn của đất nước đã nằm ngoài thơ của các nhà thơ!
Nhiều người than rằng ngày nay bạn đọc ngoảnh mặt với thơ, mà không đặt vấn đề rằng nhà thơ đã quan tâm đúng điều bạn đọc quan tâm chưa? Bài thơ của cô giao Trần Thị Lam “Đất nước mình ngộ lắm phải không anh”,được triệu người tìm đọc, bàn tán, họa lại… đâu phải do nghệ thuật siêu việt, cái chính là nói đúng chuyện lớn của đất nước mà những người có lương tri đang quan tâm, lo lắng.
Mặc dù hiện nay các cửa hàng phát hành sách cả nước không nhận phát hành, thế nhưng tập thơ “Đa thanh và Phản biện” của tôi phát hành năm 2017, có cửa hàng nhận phát hành khá nhiều, đó là chưa kể nhiều tổ chức, cá nhân đặt mua qua mạng… là bởi trong tập thơ này có phần “Phản biện” nói sự bức xúc của người dân trước thực tại xã hội.
Thì ra xác định trách nhiệm công dân, nhà thơ không chỉ làm trọn bổ phận công dân của mình, mà đó cũng là cách tìm lại bạn đọc cho thơ!
                                                                                 24-2-2018
                                                                             VƯƠNG TRỌNG
Trích VanVN.net ( Lê Hùng)

Xem thêm...

Thông báo hội nghị BCH Hội Nhà văn lần thứ VII

THÔNG BÁO: HỘI NGHỊ LẦN THỨ VII BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM KHOÁ IX (NHIỆM KỲ 2015-2020)



Ngày 20 tháng 7 năm 2017,  Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ VII.
1/ Đánh giá tình hình văn học và sự lãnh đạo, điều hành của Ban chấp hành trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội nghị nhận định: Trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành có nhiều biện pháp triển khai Nghị quyết Đại hội Nhà văn lần thứ IX thông qua việc xây dựng Chương trình hành động toàn khóa, các Quy chế hoạt động của Ban chấp hành. Kết thúc tốt đẹp cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4, phát hiện biểu dương nhiều tác phẩm mới có giá trị. Công tác xét giải thưởng và kết nạp hội viên hàng năm có cải tiến và nâng cao một bước. Tổ chức thành công Hội nghị lý luận, phê bình lần thứ 5 và Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ IX, Tổ chức kỷ niệm 60 năm xây dựng phát triển Hội Nhà văn Việt Nam chu đáo trọng thể. Công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Tuy vậy, việc hỗ trợ, đầu tư sáng tác còn gặp nhiều khó khăn vì năm 2016, Nhà nước chỉ hỗ trợ 50% so với mọi năm. Năm 2017, đề án hỗ trợ chưa được chính phủ phê duyệt. Trước tình hình đó, các cơ quan báo chí của Hội và các hoạt động nghề nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đảng Đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp đang đề đạt với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển.
2/ Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận và quyết định chủ trương phương hướng nhiệm vụ phát triển văn học từ nay đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Tư tưởng chỉ đạo là tập trung mọi cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động của Hội, đặc biệt là củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội, cải tiến công tác đầu tư, tránh dàn đều, có nhiều biện pháp phát hiện bồi dưỡng, kết nạp tài năng trẻ. Có biện pháp cụ thể đẩy mạnh cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức tốt cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V. Tiếp tục mở rộng giao lưu văn học với quốc tế và khu vực.
3/ Căn cứ Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX và Quy chế làm việc của Ban chấp hành, Hội nghị thảo luận và quyết định (bằng phiếu kín) thành lập các Hội đồng chuyên môn nhiệm kỳ 2017-2020, gồm các nhà văn có tên sau đây.
HỘI ĐỒNG THƠ 
- Trần Ninh Hồ, Chủ tịch Hội đồng
- Trần Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng
- Trương Nam Hương, Ủy viên
- Trần Nhuận Minh, Ủy viên
- Trần Thị Huyền Trang, Ủy viên
- Phạm Sĩ Sáu, Ủy viên
- Đinh Thị Thu Vân, Ủy viên
4/ Căn cứ vào Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX và Quy chế làm việc của Ban chấp hành, quyết định thành lập các Liên chi hội khu vực lâm thời gồm các nhà văn có tên sau đây:
 Liên chi hội thuộc thành phố Hà Nội
 - Nguyễn Thị Thu Huệ: Liên chi hội trưởng
- Nguyễn Việt Chiến: Liên chi hội phó
- Nguyễn Sĩ Đại, Ủy viên
- Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên
- Bùi Việt Mỹ, Ủy viên
- Trần Gia Thái, Ủy viên
- Đỗ Ngọc Yên, Ủy viên

Liên chi hội cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam
 - Trần Quang Quý: Liên chi hội trưởng
- Võ Thị Xuân Hà: Liên chi hội phó
- Phạm Đình Ân, Ủy viên
- Vũ Đảm, Ủy viên
- Nguyễn  Xuân Hưng, Ủy viên
- Nguyễn Trọng Tân, Ủy viên
- Nguyễn Thị Anh Thư, Ủy viên
- Lê Quang Sinh, Ủy viên
Liên chi hội các tỉnh, thành phố phía Bắc
 - Đình Kính: Liên chi hội trưởng
- Trần Thị Việt Trung: Liên chi hội phó
- Nguyễn Trần Bé, Ủy viên
- Nguyễn Đức Hậu, Ủy viên
- Vũ Quốc Khánh, Ủy viên
- Đoàn Hữu Nam, Ủy viên
- Bình Nguyên, Ủy viên
- Trịnh Thanh Phong
- Mai Phương, Ủy viên
- Đỗ Thị Tấc, Ủy viên
- Hải Thanh, Ủy viên
                                                                                                                Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2017
T/M BAN CHẤP HÀNH
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Nhà thơ HỮU THỈNH (đã ký)
Xem thêm...

Ngày thơ VN năm 2018

Ngày Thơ Việt Nam 2018: Cuộc gặp gỡ của những người yêu thơ

SGGP 
Cứ mỗi dịp xuân về, những người yêu thơ trên cả nước lại nhộn nhịp với sự kiện Ngày Thơ Việt Nam. Năm nay, ngày thơ diễn ra đa dạng và phong phú về nội dung, đáng chú ý là có nhiều hoạt động mang tính học thuật, chuyên môn, bên cạnh những tiết mục biểu diễn thơ như mọi năm.
Các CLB thơ sẽ trình diễn trong khuôn khổ Ngày Thơ tại TPHCM
Các CLB thơ sẽ trình diễn trong khuôn khổ Ngày Thơ tại TPHCM
Hà Nội

       Tại Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 sẽ diễn trong 4 ngày, từ 27-2 đến 2-3 với nhiều hoạt động. Ngày 1-3 sẽ khai mạc sân thơ các câu lạc bộ thơ tại khu vực hồ Văn. Ngày 2-3 (đúng rằm tháng Giêng) sẽ khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm nay sân thơ trẻ sẽ do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, mang nhiều nội dung phong phú. Ngày thơ dự kiến còn có sự tham gia của đoàn nhà thơ Nhật Bản, trên cả hai sân thơ truyền thống và thơ trẻ. 
Tham dự ngày thơ, độc giả không những được nghe thơ, đọc thơ, ngắm nhìn thơ mà còn được giao lưu với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, xem trình diễn thơ và thưởng thức các bài hát được phổ nhạc từ thơ. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam 2018 là Cánh buồm thơ. Ban tổ chức đang chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ năm nay. Những câu thơ được chọn phải là thơ hay, đại diện cho các thế hệ, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành đất nước. Trong khuôn khổ ngày thơ sẽ có triển lãm chân dung và hình ảnh các nhà văn Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Một trong những điểm mới được ghi nhận tại ngày thơ năm nay là đến gần tới xu hướng cân bằng giữa hội hè và học thuật. Trong hai ngày 27 và 28-2, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra hội thảo với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” và hội thảo về tiểu thuyết “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” nhằm hưởng ứng cuộc thi tiểu thuyết 2017- 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và độ tiếp cận của công chúng với văn chương. 
Thành phố Hồ chí Minh 
Ngày Thơ tại TPHCM năm nay có chủ đề “Xuân - cội nguồn và sáng tạo” diễn ra tại Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM, số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3. Chương trình ngày thơ tại TP diễn ra trong 2 ngày 1 và 2-3. Trong đó, ngày 1-3 dành cho hoạt động hội với mở đầu là cuộc tọa đàm, giới thiệu bộ sách 5 cuốn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bộ sách này do các hội viên Hội Nhà văn TPHCM sáng tác, NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM xuất bản. Các tác phẩm tái hiện nhiều chiều, nhiều góc nhìn về sự kiện Mậu Thân 1968, một số do chính các nhân chứng lịch sử là các chiến sĩ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến dịch; một số do các tác giả thế hệ trẻ sau này thực hiện dựa trên các tài liệu lịch sử.
       Trong khi cuộc tọa đàm diễn ra thì tại sân khấu chính, 20 CLB  thơ của các quận huyện, trường đại học, THPT và CLB văn học của hội cùng dựng lều thơ trong khuôn viên tòa nhà liên hiệp. Hoạt động dựng lều thơ được xem là 1 trong 2 điểm nhấn chính của ngày thơ tại TPHCM hàng năm. TPHCM là nơi có nhiều CLB thơ hoạt động sôi nổi, nhiệt tình, hứa hẹn mang đến ngày thơ nhiều hoạt động sôi động như giao lưu thơ, đấu thơ, trình diễn thơ… Tối 1-3, các CLB sẽ lần lượt giới thiệu các tiết mục của mình tại sân khấu chính và ban tổ chức sẽ chọn 2 tiết mục hay nhất để trình diễn vào lễ khai mạc chính thức. Chiều 1-3, sân thơ trẻ, điểm nhấn thứ 2 của ngày thơ diễn ra.
Bên cạnh hoạt động quen thuộc là triển lãm poster các nhà thơ trẻ triển vọng trong năm thì sân thơ trẻ sẽ tổ chức lễ ra mắt 2 tập thơ mới là Vị đàn bà của nhóm 5 nhà thơ nữ Minh Đan, Trần Mai Hường, Kiều Maily, Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến và tập thơ Bật cúc đêm của tác giả trẻ Lương Cẩm Quyên. Toàn bộ tiền bán 2 tập thơ sẽ được dùng hỗ trợ và chia sẻ với các cây bút trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Sân thơ trẻ còn tổ chức tọa đàm “Sài Gòn - Thơ trẻ sáng tạo” vào chiều 1-3. Đây là cuộc giao lưu giữa những người trẻ làm thơ với nhà phê bình, bạn yêu thơ nhằm chia sẻ cảm xúc và khơi gợi ước mơ thi ca trong lòng mỗi cây bút trẻ. Khách mời có nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh, nhà thơ Trần Lê Khánh… Tọa đàm diễn ra vào chiều 1-3.
Năm nay lễ khai mạc Ngày Thơ tại TPHCM diễn ra vào sáng 2-3, tập trung tôn vinh thế hệ những nhà thơ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khởi đầu bằng bài thơ Chúc Tết, Xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân. Tiếp đó là sự tham gia của các nhà thơ Hoài Vũ, Văn Lê, Trần Văn Tuấn, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Chí Hiếu, Trúc Phương, Lương Minh Cừ, Huy Dung, Hoàng Xuân Huy… và cựu nữ tù Hoàng Anh Thư (tức Nguyễn Thị Thanh Tùng, nguyên cán bộ Thành đoàn) và cuộc trình diễn thơ của các thế hệ nhà thơ tiếp nối sau năm 1975 như Trầm Hương, Tôn Nữ Thu Thủy, Phan Ngọc Thường Đoan, Xuân Trường, Đặng Tường Vy…
                                          (Trích bài trên SGGP-Mai An-Tường Vy) Lê Hùng

Xem thêm...

HỘI THẢO VÈ THƠ NHÂN NGÀY THƠ 2018

Lần đầu tiên thơ và những vấn đề đương đại được đề cập một cách thẳng thắn

SGGPO 

Nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, ngày 27-2, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề đương đại”. Rất nhiều vấn đề nóng của thơ ca hiện nay đã được đưa ra mổ xẻ...
Hội thảo Thơ trong đời sống đương đại thu hút sự quan tâm của đông đảo người sáng tác và yêu mến thơ ca
Hội thảo Thơ trong đời sống đương đại thu hút sự quan tâm của đông đảo người sáng tác và yêu mến thơ ca
Nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, ngày 27-2, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề đương đại”. Rất nhiều vấn đề nóng của thơ ca hiện nay như các tác phẩm thơ được sáng tác với nhiều hình thức thể hiện khác nhau nhưng chất lượng các tác phẩm thơ cũng như phê bình thơ vẫn dậm chân tại chỗ; nhà thơ không ngừng tăng và một bên là sự thụt lùi của số lượng những độc giả thơ… đã được đưa ra mổ xẻ.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương chưa bao giờ người mê thơ nước ta lại đông đảo như bây giờ. Số người được tôn vinh là nhà thơ ước tới hàng chục vạn, tập trung trong các hội như Hội nhà văn của cả nước, của các tỉnh và đông hơn là trong các câu lạc bộ… Các tập thơ cũng được xuất bản nhiều chưa từng có, dễ đến ba bốn nghìn tập mỗi năm. Song hầu hết các NXB lại không đầu tư vào việc in thơ, bán thơ. Nhà thơ phải tự bỏ tiền in thơ, tự bán lấy thơ mà số đông là không biết bán và không bán được. Gửi hiệu sách, hiệu sách từ chối. Chỉ có đem tặng thì bị câu ca dân gian chắn lối: Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ. 

“Làm thơ đã trở thành niềm say mê của cả cộng đồng nhưng việc đọc thơ sao lại im ắng quá”, đó là nghịch lý đang hiện hữu được nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra chia sẻ. 

Người thì lạc quan với số lượng nhà thơ và tập thơ xuất bản, người thì ngán ngẩm cho rằng thấp cả về cảm hứng, thấp về văn hóa… “Vậy thơ đang đi lên hay đi xuống?”, nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra một câu hỏi để ngỏ.

Nhận định về thơ hôm nay, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng cho rằng thơ đang thật sự mất mùa vì thơ hay quá ít mà thơ dở quá nhiều. “Phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống trong tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống đô thị và cái gọi là lối “sống gấp” đang nghiền thời gian của chúng ta thành những mảnh vụn…”, nhà thơ Việt Chiến băn khoăn. 

Cũng theo nhà thơ này thì một nhược điểm lớn của khá nhiều người viết hôm nay là thơ của họ thường quay lưng lại với đời sống cần lao, khó nhọc, lấm láp, cay cực của người dân ở những miền quê nghèo khó, với bon chen mưu sinh ở các đô thị chật chội, ô nhiễm với nhiều cạm bẫy rủi ro… Thơ đương đại xuất hiện không ít các tác giả thơ cách tân thơ với các khuynh hướng tìm tòi rất náo nhiệt… nhưng để thơ đến được với người đọc điều căn cốt ở mỗi một nhà thơ là phẩm chất tài năng, phẩm chất thi sĩ, cái mà không thể có gì thay thế được, nhà thơ Việt Chiến nhấn mạnh.

Nhiều tác giả tại hội thảo cũng mổ xẻ phân tích về mặt bằng chung của thơ đương đại, về hiện tượng thơ thì nhiều mà tác phẩm có chất lượng, đi vào lòng công chúng lại ngày càng hiếm… 

Có cái nhìn lạc quan hơn, nhà thơ Lê Thành Nghị cho rằng, “Thơ Việt đang chuyển động. Tôi không bi quan về tình trạng ít người đọc hiện nay của thể loại kén người đọc này. Ngược lại, tôi rất mừng vì chúng ta đang có nhiều cách diễn đạt mới. Đó là niềm hy vọng của một người yêu thơ”. 

Song nhà thơ thơ Vương Trọng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều người than bạn đọc ngoảnh mặt với thơ mà không đặt vấn đề rằng nhà thơ đã quan tâm đúng điều bạn đọc quan tâm chưa? Thời kỳ thông tin đại chúng, giữa một đại dương mênh mông các tác phẩm thơ và nhà thơ, việc tìm ra một tác giả thơ nổi bật đại diện cho văn chương nước nhà, tác giả tiên phong trong sáng tạo như “mò kim đáy bể”. 

Qua hội thảo, cũng phần nào lý giải việc năm 2017 cả Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội đều không trao Giải thưởng Thơ.

Và như nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Đừng sa đà vào những ồn ào danh hiệu, những óng ánh ngỡ là thơ mà rất không thơ. Đời người ngắn ngủi lắm, đời cho thơ càng ngắn ngủi hơn. Cứ rối lên với oản chuối, hương đèn, vàng mã thì không còn đâu tĩnh tâm mà tìm đến Phật…”

Sau 15 năm tổ chức Ngày thơ Việt Nam, đây có lẽ là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về thơ và những vấn đề đương đại được đề cập một cách thẳng thắn, trọng tâm. Những vấn đề mà hội thảo đặt ra cũng chính là những bước đầu tiên nhìn nhận vấn đề, từ đó, góp phần đưa thơ ca Việt Nam tiếp tục phát triển trong một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn của hội nhập.
MAI AN
Xem thêm...

Vận nước đang lên ...Tuỳ bút Nguyễn Thế Kỷ

VẬN NƯỚC ĐANG LÊN, DẪU THÁC GHỀNH…

Tùy bút của PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ. Năm Đinh Dậu vừa trôi những giây phút cuối cùng, xuân Mậu Tuất sau những giá lạnh đã xôn xao sắc hương đầu ngõ. Dường như năm nay mùa xuân đến sớm hơn vòng quay tạo hóa. Xuân đến từ trong bao gắng gỏi, nỗ lực và thành tựu của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Xuân đến bởi khát vọng xốn xang từ năm cũ, như một ước hẹn không thể lỡ làng “Giã từ năm cũ bâng khuâng / Đã nghe xuân đến lâng lâng lạ thường”.
                                 Mẫu tử Mậu Tuất - Tranh của PHẠM HÀ HẢI

Từ xuân Mậu Tuất này, ngoái nhìn về năm cũ, không bâng khuâng sao được; ngắm  nhìn muôn chồi xanh, lộc biếc của đất nước trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chỉ riêng kì tích vang dội của đội tuyển U23 nước nhà trên sân chơi châu lục, ai mà chẳng lâng lâng, tự hào, sung sướng đến trào dâng nước mắt.

Bâng khuâng, nhớ thương, tiếc nuối năm qua với bao xóm bản, gia đình, người dân ngập chìm, chới với trong bão lũ, thiên tai, mất người thân, tài sản, thậm chí cả mảnh đất hương hỏa gắn bó bao đời. Bâng khuâng, khắc khoải nhớ về “Hiền Lương, Khâm Thiên, Sơn Mỹ, Thổ Chu / Máu Vị Xuyên, Gạc Ma bầm chát / Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu” dịp cả nước kỉ niệm trọng thể và xúc động 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; 45 năm Trận thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Bâng khuâng, âu lo, day dứt vì gánh nặng nợ công, nợ xấu, nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích nhóm...; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa bị đẩy lùi. Bâng khuâng, lo lắng vì những biến động bất thường, bất an về chính trị, khi tế, xã hội, an ninh đối với cả nhân loại, nhất là với một số nước và khu vực tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh, xung đột, khủng bố, li khai, dân túy, bảo hộ, biến đổi khí hậu, di, nhập cư trái phép.

Lâng lâng, vui mừng vì trong bối cảnh vừa nêu, năm 2017 đánh dấu bước chuyển toàn diện và mạnh mẽ của đất nước ta trên nhiều lĩnh vực. Tất cả 13 chỉ tiêu quan trọng mà Quốc hội đề ra đầu năm đều đạt và vượt, có lĩnh vực vượt ở mức cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phục thuộc vào khai thác tài nguyên. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,81%, cao hơn mức kế hoạch.
 


Lâng lâng, vui mừng vì năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 nền kinh tế được khảo sát; chỉ số thuận lợi kinh doanh tăng 14 bậc, đứng ở vị trí 68 trong tổng số 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả nước cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính. Nhiều lĩnh vực có mức tăng cao: 127.000 doanh nghiệp mới thành lập; 2.591 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 31 tỷ USD, vốn thực hiện đạt mức kỷ lục 17,5 tỉ USD. Xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 422 tỷ USD, xuất siêu gần 3 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao chưa từng có, đến cuối năm 2017: trên 53 tỷ USD, cuối tháng 1 năm 2018: 57 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 3,53% so với năm 2016. Chỉ số VN-Index tăng hơn 45%; vốn hóa thị trường tăng hơn 70%; giá trị mua ròng của khối ngoại trên cả cổ phiếu và trái phiếu đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng; những phiên thoái vốn “tỷ đô” ngoạn mục và minh bạch; hơn 13 triệu lượt khách du lịch vào Việt Nam. Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, thân thiện với môi trường.

Lâng lâng, vui mừng chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế: Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng; các hội nghị Trung ương 5 và 6 của Đảng; các kỳ họp nhiều đổi mới và hiệu quả của Quốc hội khóa XIV; kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga; 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; nhiều nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thăm, đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam.

Lâng lâng vui mừng, nhen lên bao hy vọng tốt đẹp vì tại Hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 tổ chức tại Đa-vốt, Thụy Sỹ, lãnh đạo nhiều nước, nhiều nền kinh tế đã đồng tình cao với chủ đề “Tạo dựng tương lai trong một thế giới đang rạn nứt”, chung lòng chung sức đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, ủng hộ tự do thương mại, ủng hộ sửa đổi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Lâng lâng, vui sướng đến dâng trào và bùng nổ cảm xúc khi Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam - những chiến binh quả cảm, tài trí, giàu lòng yêu nước, giàu chất văn hóa và tính chuyên nghiệp, đã kiên cường vượt qua vòng loại, rồi vòng tứ kết, ngửng cao đầu vào vòng bán kết và kiêu hãnh giành giải Á quân Bóng đá U23 Châu Á trong ào ạt mưa tuyết, gió bấc pha lẫn sắc cờ đỏ sao vàng trên sân vận đông Thường Châu, Trung Quốc. Chiến thắng vang dội của Đội tuyển U23 làm nức lòng nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn, người hâm mộ ở châu Á và thế giới. 

Lâng lâng, tin yêu vì năm 2017 đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, bản lĩnh và phong cách lãnh đạo của Đảng ta trước những vấn đề to lớn, căn cốt của đất nước, của Đảng. Tại hội nghị 5 và 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bàn và ra các nghị quyết nhằm tiếp tục thể chế hoá, hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước; tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân và xác định chiến lược dân số trong tình hình mới. Năm 2018, Đảng tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Đảng thực hiện nghiêm minh cơ chế kiểm soát quyền lực; phòng chống “chạy chức”, “chạy quyền”, sự tha hóa trong công tác tổ chức - cán bộ.
 


Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lâng lâng niềm tin, ủng hộ đến mức cao nhất quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Không ít cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, khi mắc sai lầm, sai phạm, đều bị xử lý nghiêm minh bằng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điển hình là việc khởi tố, bắt tạm giam Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; điều tra, xét xử vụ án ở Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với các bị can Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Đinh La Thăng…; Vụ án ở Ngân hàng Xây dựng với Phạm Công Danh và nhiều can phạm; vụ Trầm Bê, Phan Huy Khang ở SacomBank; vụ Hứa Thị Phấn và nhiều can phạm ở Ngân hàng Đại Tín; vụ Huỳnh Thị Huyền Như và các can phạm ở VietinBank; vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vũ “nhôm” và một số tội phạm kinh tế nguy hiểm khác...

Pháp luật là tối thượng, kỷ luật của Đảng là bất di bất dịch. Ông Đinh La Thăng, vốn là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và nhiều vị nguyên là lãnh đạo Tập đoàn này can tội tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng đã và tiếp tục bị xét xử nghiêm minh. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sau những sai phạm nghiêm trọng cũng bị cho thôi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng và tất cả các chức vụ khác. Các tập thể, cá nhân sai phạm, nhất là người giữ cương vị cao trong cấp ủy, chính quyền nhiệm kỳ 2011-2015 ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định; ở Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Bộ Nội vụ… đều bị xử lý nghiêm. Các tập đoàn, tổng công ty: Dầu khí, Cao su, Hóa chất, Dệt may, Công nghiệp Tàu thủy…; hàng chục dự án thất thoát, thua lỗ, có dấu hiệu tham nhũng tiếp tục bị “sờ gáy” và  xử lý.

Câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy” trở thành quyết tâm chính trị, thành hồi kèn lệnh báo hiệu công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang đi đúng hướng, quyết liệt hơn, phát huy hiệu quả to lớn hơn; lòng tin, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được tăng cường.

Cũng giống như hành trình đến với mùa xuân, theo lẽ tự nhiên, những cành cây khô, những lá vàng sẽ lặng lẽ thả mình về với đất; những cành nhánh  bị sâu bọ đục khoét thì phải bằng mọi cách tìm bắt, diệt trừ; để nhựa sống, sức sống trong trẻo, mãnh liệt dồn cho chồi non, lộc biếc, cho hoa trái ngọt lành.

Lộc biếc, chồi non, trái ngọt đó chính là những con người bình dị, lặng lẽ đóng góp cho đời. Mẹ Lê Thị Tám, còn gọi là dì Mười, cựu tù Côn Đảo đã 87 tuổi, chắt chiu những đồng tiền lương ít ỏi, gửi tặng gia đình 64 liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma, Trường Sa. Mẹ còn gom góp 100 triệu đồng mua bánh trái, sách vở, đồ dùng học tập gửi tặng các cháu học sinh Trường tiểu học xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Mẹ bán cả căn nhà của mình, dành một phần tiền mua 14 tấn gạo và nhiều đồ dùng, lương thực, thực phẩm hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt.

Đó là liệt sỹ Đinh Văn Nam, quê ở Ninh Bình, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thi đạt điểm cao vào Học viện Quân y. Ra trường với tấm bằng loại giỏi, Bác sỹ Nam lại trở về công tác ở Hải đội 3, Lữ đoàn M25 Hải quân - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lúc 6 giờ sáng ngày 16-10-2017, anh được cấp trên cử đi theo tàu HQ957 làm nhiệm vụ cứu hộ tàu HQ626 bị mắc cạn ở bãi san hô ngầm tại đảo Phan Vinh B. Để cứu tàu, Thiếu úy, Bác sỹ Đinh Văn Nam cầm lấy con dao chặt đứt dây cố định, không để tàu bị sóng đánh lên bãi cạn. Tàu được cứu nhưng anh đã anh dũng hy sinh.

Đại tá Đoàn Thế Tùng, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam luôn làm hết sức mình vì công tác đền ơn, đáp nghĩa các liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách. Từ năm 2010 đến giữa năm 2017, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong đó Đoàn Thế Tùng là người luôn gương mẫu đi đầu, đã cùng đồng đội và các ngành, địa phương xây được hơn 380 nhà tình nghĩa, 229 nhà nghĩa tình đồng đội, 122 nhà tình thương, 5 nhà nhân ái cho hộ chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng. Đại tá Tùng còn chỉ huy và tham gia tìm kiếm, xác định danh tính gần 430 hài cốt liệt sĩ.

Đó là hành trình 15 năm vất vả, nước mắt chan nụ cười của nghệ sỹ Quốc Tuấn cùng con trai tên Bôm chiến đấu với căn bệnh quái ác rất hiếm gặp làm xúc động hàng triệu con tim. Khi được hỏi, làm sao anh có thể cùng tổ ấm của mình vượt chặng đường 15 năm đầy gian truân, khốn khó như vậy, Quốc Tuấn trả lời: “Trong cuộc sống hàng ngày, có không ít người lao vào làm kinh tế mà bỏ quên hoặc sao nhãng những giá trị văn hóa. Mỗi con người, mỗi gia đình, khi được những giá trị văn hóa, nhân văn nâng đỡ sẽ bước qua mọi thử thách, khó khăn”.

Đó là nhà báo Trần Mai Anh, 12 năm trước, đã đón nhận một cậu bé ở vùng núi cao tỉnh Quảng Nam bị bỏ rơi, bị thú hoang cắn xé nhiều phần trên cơ thể. Trần Mai Anh chăm sóc và coi bé như con đẻ, đặt tên con là Thiện Nhân. Trong hành trình nhiều vất vả, nhiều nước mắt, hai mẹ con đã đi một quãng đường hơn 3 vòng trái đất với 9 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ để khôi phục lại phần cơ thể đã mất cho con. Ca phẫu thuật lớn và khó khăn nhất của Thiện Nhân ở Ý kéo dài hơn 9 giờ và đã thành công hơn cả mong đợi. Từ Thiện Nhân, Trần Mai Anh sáng lập Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”, đã thu nhận hơn 1.000 hồ sơ những bé trai, bé gái bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục, nhờ các cơ sở y tế nổi tiếng trên thế giới giúp phẫu thuật, gần 400 cháu đã được thay đổi số phận, lấy lại nụ cười cho cả những người thân. Trần Mai Anh được Tạp chí Forbes uy tín trên thế giới tôn vinh là “1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam”.

Đó là Dương Niê Quốc Phong, dân tộc Ê-Đê, tân sinh viên Trường sĩ quan Chính trị. Niềm đam mê môn Lịch sử và chăm học, học giỏi các môn khác đã giúp em giành được nhiều giải thưởng. Năm học 2015-2016, Phong đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn Lịch sử; Huy chương Bạc kỳ thi Olympic “10 tháng 3”; Huy chương Đồng kỳ thi Olympic “truyền thống 30 tháng 4” khu vực phía Nam. Em cũng vinh dự nhận Học bổng Odon Vallet năm 2016 tại Thành phố Đà Lạt. Năm học 2016-2017, Phong đạt Giải Nhì học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử; được tham dự Lễ vinh danh học sinh giỏi cấp quốc gia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thủ đô Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, người cán bộ ngành lao động-thương binh- xã hội ở phường Bình Trưng Tây, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, bà Liên được giao tiếp quản, giúp đỡ 112 đối tượng hồi gia là thanh thiếu niên từ trường giáo dưỡng về địa phương. Nhờ sự gần gũi, yêu thương và tận tình giúp đỡ của bà mà các em đều được cảm hóa, tránh xa cái xấu, hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Bà còn tổ chức câu lạc bộ “Sức sống mới” giúp một số em cai nghiện ma túy. Ngoài ra, bà cùng với cán bộ phường rà soát những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ các em học hành, sinh hoạt cộng đồng.
 
Tẩn Thị Su, dân tộc Mông, quê xã Lao Chải, Thị trấn Sa Pa, nhà nghèo, phải nghỉ học từ năm lớp 3 để mỗi ngày đi bộ 10 km xuống thị trấn bán hàng rong cho khách du lịch. Rồi tự học tiếng Anh, học bổ túc văn hóa, học cách quản lý một doanh nghiệp nhỏ, rồi lập dự án Sapa O’Châu (Sapa Xin chào) tạo công ăn việc làm cho hơn 200 thanh thiếu niên người Mông, người Dao quanh vùng. Với nghị lực phi thường và đóng góp quan trong cho cộng đồng, năm 2016, Tẩn Thị Su được Tạp chí Forbes tôn vinh là 1 trong 30 gương mặt trẻ Việt Nam dưới 30 tuổi; năm 2017, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của.

Đó là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, vận động viên đầu tiên của Việt Nam đạt được Huy chương Vàng tại Thế vận hội Olympic. Ít nói, khiêm nhường, như để được đứng trên đài vinh quang, anh đã bao ngày đêm khổ luyện, tự uốn nắn mình những chi tiết nhỏ nhất; là công nhân Trương Thái Sơn, được mệnh danh là “Vua sáng kiến” của công ty Điện lực Chợ Lớn với rất nhiều sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng; là cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã cùng đồng nghiệp cứu 15 cháu nhỏ thoát khỏi tử thần giữa dòng nước lũ; là ông Hồ Xuân Tư, xã Xuân Hà, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có nhiều sáng kiến trong kinh tế nông nghiệp giúp 135 hộ dân ở địa phương vươn lên thoát nghèo; là bà Nguyễn Hướng Dương, một phụ nữ bị tàn tật, vận động rất khó khăn, như bà đã có sáng kiến thành lập Thư viện “sách nói” dành cho người mù tại TP Hồ Chí Minh, bà làm Giám đốc thư viện, ngày đêm miệt mài đưa ánh sáng tri thức và nhân văn đến với những người khuyết tật; là bà Nguyễn Kim Lý, Trưởng ban Từ thiện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu đã 20 năm gắn bó với hoạt động nhân ái, thương người như thể thương thân, mỗi năm quyên góp từ 3-6 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Những lộc biếc, chồi xanh, trái ngọt đó là những điển hình trong số hơn 400 đại biểu được lựa chọn, tôn vinh từ các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền Tổ quốc tham dự cuộc gặp gỡ, giao lưu điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017. Họ tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Dạy tốt, học tốt"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Vì Trường Sa, Hoàng Sa", "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"...

Và không thể không nhắc đến tập thể Huấn luyên viên và Cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam tham dự Vòng chung kết bóng đá U23 Châu Á. Các em giành chiến thắng lẫy lừng qua từng trận đấu không chỉ bằng sức lực, trí tuệ, ý chí, kỹ thuật, chiến thuật mà cao hơn - bằng văn hóa Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, trái tim Việt Nam. Khi được hỏi, trong đội bóng, những ai là ngôi sao sáng, Đội trưởng Lương Xuân Trường nhỏ nhẹ và tự tin trả lời: “Đội chúng em chỉ có một ngôi sao, là ngôi sao vàng 5 cánh trên ngực áo”.

Những câu chuyện, những thành tích và gương mặt vừa kể chỉ là một phần rất nhỏ trong rừng hoa ngàn vạn người tốt, việc tốt. Những bông hoa đó làm đẹp thêm, ngào ngạt thêm cuộc sống mến yêu, làm đẹp thêm mùa xuân đất nước.

Xuân mới Mậu Tuất 2018 đã về. Thuyền Việt Nam đang rẽ sóng tự tin vươn ra biển lớn. Những nỗ lực, thành tựu, bài học của năm qua, của những năm qua cho thấy một điều rõ ràng, sinh động, thuyết phục: Lòng dân hội tụ, vận nước đang lên, dẫu phía trước còn lắm thác ghềnh. Ở thời khắc thiêng liêng của xuân mới Mậu Tuất, mỗi chúng ta như thấy mình mới hơn, xuân hơn, xuân và mới cả trong nghĩ suy và hành động.

Tất cả vì Tổ quốc. Tất cả vì Nhân dân. Tất cả vì những điều tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý của dân tộc từ ngàn xưa trao truyền cho hôm nay và mai sau. Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng nắm chặt tay nhau nhịp bước cùng mùa xuân, đi tới tương lai tươi sáng.
 
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
Từ khóa
Xem thêm...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét