Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Trở về miền nhớ

( tiếp theo)
Em!
Hôm nay ở đây trời mưa to, anh nghe đài, lòng bồi hồi xen phần lo lắng vì Hà Nội có bão cấp 10 đi qua...
          Chặng đường hành quân vừa qua của bọn anh vất vả thật em ạ. Hầu như bữa cơm phụ nào cũng phải ăn dưới làn mưa tầm tã; Ruốc, cơm lẫn nước mưa là thường. Thật vậy! Càng vào gần địa điểm công tác, từng giờ, từng ngày chỉ nghĩ đến nhiệm vụ...quên mọi điều, bất chấp cả. Ăn dưới trời mưa, quần áo ướt sũng, một tay cầm cơm, một tay cầm thìa xúc ruốc ăn ngon lành.Mưa thì cúi mặt xuống, tay giữ nắm cơm ở phía dưới cằm, hơi khom người che đỡ nước mưa mà ăn...Đường đi lầy lội vô cùng, bùn ngập tới mắt cá chân, hai bên đường mòn cỏ gianh rậm rạp, chân bước, tay gạt mới đi được. Cỏ gianh quệt vào mặt, vào tay ngứa và rát lắm... Trời còn mưa ba tháng nữa ( ở trong này thường sáu tháng mưa, sáu tháng nắng mà...).
          Em yêu, sơ bộ kể cho em nghe vài nét thế thôi nhé!Bây giờ, trên chiếc võng này anh kể cho em nghe- một phần trái tim xa vắng, về mấy ngày qua nhé. Em ạ, đáng lẽ anh viết cho em ngay ngày mười một hay mười hai vừa rồi cơ, nhưng vì hành quân liên tục, toàn ngủ ngoài rừng, căng tăng võng mưa quá không viết được.
          Em, dù cách xa nhau gần nửa ngàn cây số, nhưng hôm nào ta cũng gặp nhau trên trang giấy, trong đầu và cả trong mơ...” Hôm ấy,anh đến với em, đã gặp, đã được sự đón tiếp, sẵn sàng mở cửa ngõ tâm hồn trong niềm vui và trong sâu xa tình cảm. Em đã trách anh ư?( đừng thế mà tội nghiệp cho anh...), anh là thằng ngốc ư? Cũng có thể! Không, càng không khi chính anh đã tôn trọng anh, tôn trọng tình yêu của chính mình, chính vì vậy mà giờ đây hình ảnh em trong anh mới thánh thiện, nó ấm áp, nó thôi thúc và tiếp thêm sinh lực cho anh trong từng bước đi. Thú thật , giá mà lúc này có em ở bên cạnh để được ngả đầu vào ngực, để ghì em vào lòng...Hay có tấm hình em mang theo chắc là cũng hôm trộm lên khuôn mặt ấy rồi. Nhưng mình có tặng ảnh cho nhau đâu phải không em ? Viết đến đây, anh sực nhớ tới mấy câu thơ đã thuộc lòng ( nhưng không nhớ tên tác giả):
          “ Nếu đã yêu nhau em ơi, cần gì phải tặng ảnh
          Cái quí nhất không thể gì so sánh
          Là bức hình ta chụp ở trong tim...”
Em, mình tâm sự với nhau cũng nhiều rồi nhỉ ? Trên đất Sa-va-na-khét này của nước bạn anh đã cùng em hành quân, nghỉ, ăn, vui buồn vất vả. Nghĩ đến và nhớ nhau là hạnh phúc rồi, rõ ràng «  cây số không thành cây cách trở/ Mỗi bước gần thêm ta với ta… »
          Chính trong chuyến đi này của anh, khi xa cách luôn phải đấu tranh khắc phục và chịu đựng những khó khăn do địch, do địa hình, do thiên nhiên gây nên ấy, anh lại thấy càng thương nhớ và yêu quí hơn những gì mình có, nhất là sự yêu quí con người. Những người đã sinh thành và nuôi dưỡng, những người không phải máu mủ ruột già, hàng ngày vẫn hai sương một nắng để có quần áo mình mặc, bát cơm mình ăn, đặc biệt những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho ngay một phần ước ao được nhớ, được thương, được yêu của chúng mình ngày hôm nay…
          Em yêu , chỉ một kỉ niệm rất nhỏ cũng đáng quí, đáng ghi nhớ, đồng thời cũng phải từ đấy sinh sôi những hy vọng , những ước mơ để tăng thêm quyết tâm, để tiến lên phía trước. Trên đường hành quân hôm nay các anh đi qua một ( không thể gọi là nghĩa trang được) khu chôn cất hơn một chục cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ( chủ yếu là giao liên và các chiến sĩ hy sinh trên đường hành quân), lặng lẽ cúi đầu mặc liệm ( chắc giờ ấy , ở quê nhà chưa biết các người thân này của họ đã yên nghỉ…). Không biết đấy chỉ là tâm tư riêng anh, hay cũng là tình cảm chung ai ai cũng vậy. Thực sự anh thấy mình học và hiểu được nhiều điều…
          Như vậy đã gần một tháng, bọn anh sống và đi trên đất Lào ( Khăm Muộn và Savanakhet) và chắc là còn lâu hơn nữa. Tuy cũng ít giao dịch, nhưng bọn anh cũng tiếp xúc và thấy được một số nét sinh hoạt của dân bạn.
          Em yêu, vùng các anh qua là vùng giải phóng của bạn, có lẽ nhân dân ở đây biết và hiểu về Việt Nam, người Việt Nam qua anh bộ đội nhiều hơn là họ hiểu về nước Lào của họ. Dân ở theo từng bản ( tiếng Lào gọi là BẠN ).Hầu như bạn cũ bỏ hết rồi vì sợ địch đánh phá, bây giờ sơ tán sang bạn mới, chỗ ở kín hơn. Các bạn ấy đều có cán bộ dân vận người Việt. Mỗi xã có một bệnh xá đẹp và to. Nói chung cuộc sống của đồng bào ở Savanakhet này khá hơn ở Khăm muộn nhiều. Những người dân ở đây cũng giống như người Việt, cả về tấm lòng, hình dáng và cung cách sinh hoạt…Phần trang phục có vẻ văn minh và đẹp hơn. Những chiếc váy nhiều màu hay ca-ro đẹp, những chiếc áo sơ mi cổ hơi đứng,vai bồng v.v…Cũng có những cô gái đủ để làm siêu lòng những chàng trai, nhất là các anh chàng si tình khi đi qua mặt rồi vẫn ngoái cổ lại « nhấp nháy ».
          Ngày hôm kia, đoàn vào nghỉ ở bạn Xốp Năm, đồng bào đón tiếp rất chân thành, đồ ăn thức uống nhà có gì mang ra cho đoàn ăn chán thì thôi. Nằm nhà sàn như đồng bào dẻo cao bên ta. Anh và một đồng chí nữa( anh Vũ Sơn) ở nhà ông Tài-Sèng chủ tịch xã, đồng chí này rất tốt. Rất tiếc là mình không nói được tiếng Lào, mà họ cũng biết rất ít tiếng Việt. Nói chuyện với nhau bằng cách nhìn mồm và ra hiệu bằng tay…cùng nhau cười vui đáo để.
          Em biết không, lần đầu tiên được ăn cơm của đồng bào ( thực chất là ăn sôi) ngon thật.Lại cái món dưa vàng ở đây mới tuyệt làm sao !
          Buổi chiều hôm ấy, vợ và cô con gái của ông chủ tịch đi nương về, có dưa bổ ra mời bọn anh ăn. Giống như dưa hấu, nhưng ruột hơi lờ lờ mầu vàng, cùi có cảm giác cứng hơn dưa hấu quê mình, ngọt thơm và mát, thật tuyệt vời…chỉ tiếc bụng no không ăn được nhiều.
          Ông chủ tịch có mười hai người con. Chết bẩy,còn năm. Nghe kể những cái tên rất hay : Xinh-Thông,Koong-Kap, Mác-Chay,Sây-Keo, Sai-xa-nạ,..hai trai ba gái.Người con trai đầu ,hai mươi bốn tuổi sang Hà Nội học đào tạo cán bộ cấp Khu, cô Koong- Káp mười tám tuổi, xinh lắm, da trắng môi đỏ, ăn mặc tương đối đẹp, chỉ phải cái hơi béo thôi, cười suốt ngày.
          Em, mưa to quá, không viết được nữa, nghỉ nhé em yêu!
                                                          13/8
                                                ( còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét