Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Trở về miền nhớ

( tiếp theo)
 Em !
Cả tuần rồi,hôm nay mới viết tiếp được, không phải vì lười đâu. Nhớ lắm chứ, lúc nào chẳng muốn tâm sự với nhau…
          Em yêu, thế là anh đã cách em một khoảng xa, xa lắm…Con người cũng như con chim bay cao, bay xa nhưng vẫn hướng về tổ ấm…
          Các anh đi đã qua đường số « 9 », con đường oanh liệt, con đường ghi dấu ấn của những chiến công.Tên đường đã được ghi vào vào bao nhiêu con tim của thế hệ vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ. Chắc chắn cái tên đường « 9 » sẽ được nhân dân ta, bạn bè trên thế giới hôm nay, sau này và mãi mãi vẫn nhớ, sẽ ghi lại trong lịch sử chiến tranh giải phóng và giữ nước, trong các bài ca…
          Thật cũng may mắn cho anh, trong cuộc đời mình lại được tham gia trong đoàn quân vượt Trường Sơn, được đặt chân lên bao nhiêu rừng, bao nhiêu núi, bao bản, bao đường của đất Lào anh em này. Trên đường đi, những cái tên, những địa danh đã có từ xưa, mới có ngày nay ( tự đặt hay gọi mãi thành quen), trong cuộc kháng chiến chống Mỹ này. Những cái tên đẹp, nên thơ,…nhưng đều gắn với một sự kiện, một nhân vật, một hành động anh hùng nào đó…Anh đã qua thêm sông Sê-Pôn, Sê-Văng –Hiêng, đèo « Văng-Mu », dốc « Ông Đời »v.v…mà đã qua đó không ai có thể quên được. Ai cũng được nghe qua sự tích, hay nguồn gốc  của cái tên.Sau khi nghe, không ai bảo ai đều ghi nhận một niềm tự hào, kính phục, thậm chí tỏ lòng biết ơn…Ví dụ : đèo « Văng Mu », nơi đây hàng đại đội nữ TNXP đã gởi lại toàn bộ tuổi thanh xuân của mình cho từng sẻng đất, từng mét đường đảm bảo cho đường thông suốt, mà thân thể các chị không còn nguyên vẹn, chia đều chôn trong mộ, không một nén nhang, một bông hoa, thậm chí có mộ còn bị bom Mỹ cày xơi…Quả thật, qua đây, nếu mới chỉ cúi đầu mặc liệm vong linh các chị chắc chắn chưa đủ, một câu hỏi đang nghèn nghẹ trong ngực là phải làm gì đây… ?
          Em yêu ! Viết đến đây anh có một suy nghĩ : Lúc còn ở nhà, mặc dù cái nhịp sống và làm việc theo không khí « Tất cả vì Miền Nam ruột thịt », « Tất cả cho tiền tuyến »…nhưng chính chúng ta và còn nhiều người khác, chưa được sống ,chưa được chứng kiến sự mất còn, chưa được rèn luyện, thử thách đối mặt với chính mình một cách nghiêm túc trong từng phút, từng giờ như thế này thì cũng thật đáng tiếc…
          Em, anh đã đến đơn vị công tác được ba ngày. Đã ba ngày, gặp lại những con người đã đóng góp một phần sức lực, xương máu và một phần cuộc đời của mình cho thắng lợi của chiến dịch Khe Sanh lịch sử.( chính anh là người được giao nhiệm vụ giúp chuẩn bị và đảm bảo kĩ thuật cho đơn vị trên đường hành quân đi chiến đấu ). Nay gặp lại nhau vui sướng, ấm cúng…Em, hiện nay anh đang ở phía Tây Nam Khe Sanh ( theo đường chim bay khoảng 40km). Trong khu rừng này, anh sẽ sống và làm việc với đơn vị một thời gian tương đối dài.
          Em thương nhớ, ở đây đang là mùa mưa. Mưa cả ngày, mưa cả đêm ! Ở trong nhà hầm tương đối ẩm thấp, bọn anh sống ở đây vắng vẻ nhưng cũng vui…Dưới tán lá của khu rừng rậm rạp, hàng ngày máy bay Mỹ kiểm soát, xoi mói, gây tội ác thường xuyên.
          Cũng hàng ngày, nhớ tới em, nhớ trái tim tổ quốc, không riêng gì anh đâu, mà tất cả mọi người ở đây đều thế cả. Thật thế, sống trong lòng Hà Nội, hít thở không khí của bầu trời Hà Nội ta đâm quen với những âm thanh huyên náo, nhịp sống sôi động ngày đêm của thủ đô trong thời đánh Mỹ…thậm chí ta còn chưa nhận thức hết ý nghĩa thiêng liêng của câu « Thủ đô- Trái tim tổ quốc », nơi ấy có Bác Hồ, có Trung ương làm việc, có đài phát thanh tiếng nói Việt Nam…em ạ . Không thể không xúc động, khi được nghe lời tâm sự của các đồng đội, của đồng bào dân tộc ở đây, họ chưa một lần được nghe tiếng còi xe lửa, chưa được thấy Hồ Gươm dù là trên ảnh…thế mà họ ước ao đến ngày chiến thắng( nếu còn sống),được một lần đến Hà Nội.
          Ôi ! Hà Nội, niềm tin và hy vọng…Em, đêm qua mọi người tập trung nghe đài, qua làn sóng, nghe bài « Hà Nội phát huy truyền thống của tháng Tám… », ca ngợi những người con của Hà Nội, tả khí thế sôi sục…  «  Một người làm việc bằng hai » vì miền Nam ruột thịt…tất cả đều hướng về thủ đô. Riêng anh còn hình dung, mình đang đi qua các phố của Hà Nội và nghĩ đến em !
          Em yêu , lúc này chiếc đài pin « trăng-si-to » rất quí giá với bọn anh. Nó là một phần của cuộc sống, hôm nào đó không được nghe đài( vì những lí do đơn giản là hết pin, pin tận dụng lại của ban Thông tin mà, nên có lúc pin buộc bên ngoài còn nặng hơn gấp mấy lần trọng lượng của đài ; hay vỗ mãi nó chẳng kêu cho, vì sống trong rừng ở nhà hầm ẩm mốc các trăng-si-to làm việc trục trặc…đốt lửa xấy đài xong thì buổi phát thanh đã hết…có khi đang nghe dở một bài hát, từng lời ca mới tiếc làm sao ?
          Với anh, từng lời ca tiếng hát, bản nhạc lúc này có ý nghĩa rất tích cực, nó cho anh nhớ lại kỉ niệm thời sinh viên, nó trải nghiệm và khắc thêm trong kí ức, nó là nguồn cổ vũ cho anh trong quá trình phấn đấu, rèn luyện của mình. Thật vậy, trong đời sống, nhất là đời sống của người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài chiến trường còn nhiều thiếu thốn, thì lời ca tiếng hát có một nhu cầu ví như cơm ăn, nước uống không hề cường điệu chút nào…  « Cây gậy Trường Sơn ; Bài ca đường Chín ; Bài ca Năm tấn ;…và bao nhiêu bài hát khác nữa…nó reo vào lòng người, nó chở theo những hình ảnh, những tên làng, tên núi , tên sông đã và sẽ được ghi vào sử sách. Nó mang theo sự sống, hình dáng, nụ cười, những ánh mắt hy vọng, những niềm thương nỗi nhớ…ở đây hay ở đâu, trên tổ quốc chúng ta hay trên đất bạn, bọn anh từng giờ từng phút đều hướng về trái tim  của tổ quốc, đều có một chỗ trong trái tim mình hai chữ « Quê hương »
          Em thương yêu, mùa mưa sống trong núi rừng Trường Sơn này nữa mới thấy mưa và mùa mưa ghê gớm như thế nào ! Chẳng trách thằng Mỹ sợ những con đường, sợ rừng cây tán lá, sợ một cơn mưa vùng nhiệt đới chứ đừng nói là cả mùa mưa như thế này. Có chỗ từ hôm đến, anh chưa thấy tia nắng mặt trời, đêm đêm không thấy ánh trăng.Muỗi vắt rất nhiều, cây cối kín mít…dù vậy, mọi việc và cuộc sống của những người lính, của đồng bào hàng ngày vẫn bình thường.
          Từ chỗ anh ở, xuống công tác các tiểu đoàn tương đối xa. Có tiểu đoàn cách nhau hơn ba chục km. Vẫn cái bao lô « Cóc » trên vai, tay chống chiếc gậy Trường Sơn( có khi gậy là chiếc « Ba-toong » tự làm bằng mây rừng), chân đi dép « Bình trị thiên », từng bước trong ngày…xong ở đại đội này, sang đại đội khác…Bây giờ tiêu chuẩn ăn hàng ngày ba lạng rưỡi gạo, thức ăn là ma-zi-co với rau rừng tự kiếm. Hàng ngày phân công nhau kiếm măng ăn độn, thiếu muối ( chưa đến mức hết, nhưng phải tiết kiệm và tranh thủ chờ xin thêm). Lúc này lại nhớ miền Bắc da diết, thèm rau, thèm ánh nắng ban mai, thèm ngắm ánh lấp lánh của trời sao trong những đêm trăng sáng, và tất nhiên không thể không nhớ những ánh mắt nụ cười của người thủ đô…
          Em, xắp tới anh sẽ vào gần Aso công tác. Có điều kiện anh sẽ viết tiếp cho em sau . Chờ nhé, nhớ em nhiều. Gửi em nhiều cái hôn !
                                                          20/8
                                                ( còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét