Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Trở về miền nhớ

(tiếp theo)


         Hôm nay là đúng 15 ngày, anh lại viết cho em những dòng chữ mới. Em ạ, không phải anh lười đâu nhé. Anh vừa đi xuống hai đơn vị về đấy. Em yêu, sáng nay đúng ngày uống thuốc phòng và cũng sáng nay anh thấy đầu buốt...có lễ triệu chứng sốt rét đã đến rồi đấy ! Nhưng anh vẫn tin là anh không sốt trong mùa mưa này.
          Em thương yêu! Trời đã trở lạnh, ảnh hưởng đợt gió mùa Đông bắc mới ở quê ta dội vào đấy, làm cho thời tiết ở miền tây Quảng Trị này cũng thay đổi. Có buổi chiều man mác, giông giống quê ta cả về khung cảnh đến sự lay động của lá cành. Nó hơi lành lạnh và gia giá, tê tê ngoài mặt da của con người... Về buổi sáng và buổi chiều bọn anh phải mặc áo vệ sinh (áo dệt- nỉ mỏng). Ở đây ,tuy cách xa em, cách xa các bạn, (đi lòng vòng theo đường rừng cũng gần ngàn cây số đấy), nhưng anh và các đồng đội rất nắm vững thời tiết ở quê ta lúc này em ạ.
          Em yêu, anh mới đi công tác về được hai ngày,trên đường công tác vui lắm em ạ. Bọn anh đi ban ngày trên đường tuyến được ngắm phong cảnh núi rừng của Tổ quốc ta và đất nước Lào anh em ( biên giới ở đây không rõ rệt, nên một lúc có thể dạng cẳng đứng mỗi chân một nước cũng được). Thỉnh thoảng ( nhất là buổi sáng và buổi chiều), những chiếc “tàu càng” của bọn Mỹ bay vè vè kiểm tra đường tuyến, lượn trên đầu. Đối với bọn nó là các anh phải tránh đấy, nếu không nó phát hiện sẽ bắn đạn cối và hỏa mù chỉ điểm cho phản lực đánh ngay.
          Đường tuyến, rồi đường giao liên, đường mòn qua nương, qua dẫy...bọn anh đều đặt chân qua, hàng ngày cũng vẫn suối, vẫn đèo, vẫn núi rừng cây cỏ xung quanh cuộc sống của bọn anh.
          Em thương yêu, trong cuộc kháng chiến này, anh vô cùng sung sướng được tham dự. Thật vậy, không phải là do bồng bột ,sốc nổi hay lãng mạng theo kiểu tiểu tư sản đâu em ạ,...Không, một ngàn lần không! Anh yêu những con đường, những cánh rừng và ngọn đồi anh qua, từng con suối mà các anh đã lội, dù cho “ rừng thẳm, vắt dày”, nhưng nó vẫn là những bài ca, là nguồn động viên anh và các bạn. Ở đây , tiếng nhạc không bao giờ tắt, ngay cả những vùng, những bản của người Lào, của dân tộc miền cao ở đây cũng vậy , họ sống rất vui. Mà yêu con đường, cánh rừng, con suối, ngọn đồi...không phải anh ca ngợi cái huyền bí, cái hư vô của tầng lớp bọc lột vẫn thường rên rỉ đâu em ạ. Anh yêu nó, bởi vì nó đã tồn tại, nó là mảnh đất, khối cây đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện lịch sử anh hùng, nó đã ấp ủ che chở cho bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào của chúng ta. Đúng là “ rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Biết bao nhiêu đơn vị, cơ quan, bao nhiêu lượt con người, trang bị khí tài của quân đội...sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù trong bất cứ tình huống, thời gian và điều kiện nào. Anh yêu nó, yêu tất cả, bởi vì từng ngày, từng giờ trên đường đi công tác của anh và các bạn , nó đã chứng kiến tất cả từng vết chân, nhịp thở của bọn anh. Yêu biết bao nhiêu những đêm nằm võng vắt ngang những thân cây, gió đưa nhè nhẹ...cùng nhau nằm gối đầu tay, đung đưa chiếc võng ôn lại những kỉ niệm của đời mình, nhớ đến cơ quan mình và tuyệt nhất là từ những cánh võng ấy ( hầu như ai cũng vậy), có những phút êm đẹp, thầm kín, suy nghĩ về những người thân yêu của mình...và gửi gấm niềm thương nỗi nhớ theo nhịp đu đưa của chiếc võng dưới vòm cây của núi rừng...
          Em yêu ơi, anh sung sướng và tự hào nữa là vì cũng trong cuộc kháng chiến này mà anh được tham gia, kể từ mấy tháng nay đã tôi luyện, đã là những bài học vô cùng quí giá và thực tế đối với anh. Em ạ, rừng cây và núi cao...chính nó, chính những nơi xa xôi thế này mà tuổi trẻ chũng ta đã có nhiều ngày mơ ước, thèm muốn...đến nay anh đã đạt được.
          Trên đường công tác của anh, không một phút, một ngày nào là không gặp rừng núi, suối cây...Liên tục là những bài ca, là kí ức là lưu niệm... Tự hào bao nhiêu đối với anh, trong cuộc đời mình đã và đang được biết, được sống ở đây- Nơi mang tên “Quảng Trị anh hùng” này...
          Em yêu ơi! Cũng chính trong thực tế ngày nay, mà một điều vinh dự cho anh( và còn cả cho em nữa đấy nhé), anh đã biết và đã đánh thử đàn Ta-Lư...Nếu ở ngoài Bắc, Ta không nghe một người nào đó minh họa về cây đàn Ta-Lư và những người chơi đàn ấy thì  ta cũng không thể hiểu nổi được đâu. Thật vậy, đợt công tác này, giáp biên giới Việt-Lào, một hôm anh và anh Phạm On đang lội qua một con suối( khá to), thì nghe bên bờ kia có tiếng đàn Ta-Lư, phấn khởi quá, anh bước vội lên bờ gặp một đôi nam nữ, họ bảo đi họp đoàn thanh niên huyện về...cô gái đeo chiếc đàn trên ngực...anh đề nghị mượn, xem. Cô gái vui vẻ đưa cho anh. Tự tay mình cầm chiếc đàn và đánh thử... “ tính, tính, tính, tính ,tính tang tình...”, vui tột độ...thấy ông Huy Thục hay quá, hóm quá.
Cây đàn nhỏ vô cùng, so với sự tưởng tượng của người nghe bài “Tiếng đàn Ta-Lư”. Cả chiều dài chiếc đàn có lẽ dài nhất cũng chỉ ba mươi centimet thôi, trông hình dáng giống hệt chiếc đàn Măngđôlin thu nhỏ em ạ.Đàn có hai dây bằng sợi cước, khóa đàn cũng bằng hai cốt tre để lên dây, chỉ có một hai phím ở phía trêm cần đàn thôi, mặt thân đàn bằng lòng bàn tay...Gặp cây đàn chắc em cũng thích và yêu nó ngay, bởi nó làm ta vui và quên ngay những mệt nhọc trên đường. Chiếc đàn được các cô gái Vân Kiều rất yêu thích, cả các bạn nam nữa. Họ mang nó theo bên mình khi đi làm nương trên triền núi, lúc qua suối, qua khe hay trên đường công tác...cùng với núi rừng hòa vang bài ca với nhiều âm điệu ấy, cây đàn Ta-Lư cũng cất lên tiếng nhạc gọn và vui...
Em ạ, đúng thế thật “...đi chiến trường, gùi trên vai nặng trĩu, đàn Ta-Lư em cất tiếng ca vang lừng núi rừng...”, hay tuyệt. Cái sự thật còn hay gấp nhiều lần lời ca ấy em ạ. Ở đây, chính trên đường công tác(đã có lần anh viết cho em rồi đấy), bọn anh gặp những người dân ở đây hết lòng với cách mạng.  Thà chịu đói chứ không để cách mạng phải khổ, dù thiên tai hay địch họa, trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng những người dân tây Thừa Thiên không theo giặc, không bao giờ chịu bị khuất phục, một lòng một dạ với cách mạng. Đói bụng, hết gạo nhưng vẫn quí vẫn thương cái bộ đội  và ủng hộ cách mạng đến cùng. Đấy tiếng đàn Ta-Lư không phải chỉ đáng ngợi ca ở trong  nốt nhạc...tiếng đàn Ta-Lư ấy của những con người ở đây tuy thiếu thốn nhưng vẫn một lòng với cách mạng, thà chết nhưng không làm điều xấu, không phản cách mạng. Trong gian khổ cực nhọc cũng như trong niềm vui của mình người dân vùng giải phóng ấy vẫn luôn có chiếc đàn Ta-Lư bên mình.
Em thương yêu, có một chuyện cảm động vô cùng, anh coi đó là một bài học sâu sắc cho đời mình. Chuyện thế này: Anh Nha, một trợ l‎‎y của ngành anh, hôm qua bơi qua sông Sê-Pôn để về đơn vị, bị ốm, nước sông đầy chưa qua được, bọn anh gửi vào một nhà dân nghỉ và nhờ giúp đỡ để vượt qua sông. Nhà dân nghèo, cả nhà đều phải ăn sắn trừ bữa, nhưng gia đình vẫn vui vẻ giữ anh Nha ngủ lại trong nhà và ăn cháo sắn cùng gia đình. Vì đang ốm, Nha không ăn được cháo sắn, người con trai lớn của gia đình tự ra nương tuốt thóc hãy còn xanh mang về giã ra gạo non nấu kèm với sắn cho Nha ăn...Sáng hôm sau, người mẹ giao cho người con trai lớn giúp kèm Nha bơi qua sông. Thấy Nha băn khoăn , mẹ nói : “ nếu bộ đội chết đuối, thì con mẹ nó cũng phải chết cùng, mẹ không trách đâu...”. Em ạ, đấy là một câu chuyện nhỏ trong hàng trăm hàng ngàn chuyện cảm động và sâu sắc như thế. Với anh, chuyện mắt thấy tai nghe như vậy như giúp mình trải qua một lớp đào tạo rèn luyện về nhân cách sống, bài học sinh động cho chúng ta...
Trong gian khổ, nhưng đồng bào có một tình yêu, một niềm tin vào cách mạng. Yêu và tin vào cách mạng thông qua yêu và tin những người con của cách mạng. Chính trong đợt công tác này đã giúp anh rèn luyện thêm không chỉ bằng hoàn thành nhiệm vụ của mình mà ngay trong cuộc sống ở nương dãy, núi rừng này mà anh đã được đi qua.
Em yêu ơi, mùa mưa gần như xắp hết ( bọn anh dự đoán), thời tiết hơi lạnh và đã có vẻ tiết trời mùa khô. Bọn anh vẫn sống ở đây, vẫn khu rừng, hàng ngày xuống đơn vị làm việc, tối tối lại trở về đây, với nhà hầm và những gốc cây...Niềm vui của các anh lúc này là nhặt hạt giẻ và ăn hạt giẻ. Nhiều vô kể em ạ, bọn anh đùa là “hạt giẻ chống đói”  đấy ! Ở đây ,có thể nhặt một hai tải hay một hai gùi hạt giẻ để rang ăn dần...Em ơi, chính trong đời chúng ta, món hạt giẻ đã làm ta vui, thích thú khi đi chơi, đi xem, hay ngồi nói chuyện phải không...Ở đây , bọn anh ăn hạt giẻ buổi sớm, buổi trưa, buổi tối, có lúc gần như ăn no hạt giẻ. Nói thế ,em đừng thèm nhé! Chúng ta đã và cũng ngồi ăn, nói chuyện vui ở ngay chiến trường này rồi đấy ...
Vài ngày nữa, anh lại đi xuống một đơn vị trên động Con Tiên, nghe nói ở đấy có nhiều cô gái chơi đàn Ta-Lư lắm, anh sẽ xin một cây làm kỉ niệm, không biết họ có cho không ?
Em ạ, hôm nay anh phải tiêm Penixilin, đau ghê, đây là lần đầu tiên anh phải tiêm thuốc bệnh...và còn ba lần nữa mới hết đợt điều trị.
Trời trở lạnh, nên lại nhớ tới quê hương, nhớ người thương, nhớ nụ cười và nhịp đập con tim...

                                                25/10
                                            ( còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét