Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012


Trở lại miền nhớ

( tiếp theo)



Gần được 20 ngày rồi em ạ, có rất nhiều sự việc đến với anh và mọi người...Em yêu, sau 5 ngày đi cùng thủ trưởng vào kiểm tra các đơn vị phía trong, anh được lệnh về Hà Nội.
Về Hà Nội, không thể nói là anh không vui được.Vì nói như vậy là anh tự nói dối mình. Nhưng về Hà Nội anh cũng thấy có nỗi buồn...Thực sự là buồn đấy, không phải chỉ vì phải xa phong cảnh và con người ở đây đâu em ạ.Mà chính vì anh vào đây, được làm việc và rèn luyện ở chiến trường này ít quá. Mặc dù trong thời gian vừa qua cũng đã từng được nếm mùi “Chua ngọt” của chiến trường rồi...Nhưng còn ít lắm, vô cùng ít so với các đồng chí của chúng ta, vô cùng ít so với hoài bão của anh và so với yêu cầu của cuộc chiến đấu này...
Em thương yêu, về tình cảm riêng tư, có niềm vui là sẽ gặp em, sẽ gặp lại Thủ đô và các bạn, sẽ được làm việc trong điều kiện hòa bình của miền Bắc, nhưng anh thấy thiếu , thấy mất một cái gì đó...và vì vậy anh càng luyến tiếc những ngày được sống ở chiến trường- Đúng như thế! Về- tức là đi ra- Đối với những người đồng đội ở lại, đối với anh cũng là “ Đi là chết trong lòng một ít...” vậy. Chính lúc này đây anh phải xa các bạn, những người đồng chí đã cùng anh sống một mùa mưa đáng ghi nhớ trong đời mình. Em ạ, đúng thế đấy! Rau cháo có nhau, bây giờ xa nhau mới càng nhớ, càng lưu luyến. Quên sao được những tháng năm gian khổ, những ngày sống có 1 đến 2 lạng gạo...cùng nhau leo 4 ngày đồi dốc để lấy từng củ sắn về ăn. Những con người đã cùng anh chung nhau từng ngọn rau dớn, dọc khoai nước, lá sắn ngọn rau lang, những ngày thiếu gạo, thiếu rau phải vào dân xin và đào từng gốc chuối về ăn, ngồi ăn, vẫn cười nói về miền Bắc một một niềm tin và hy vọng ngày mai...Anh đã thấy và cũng đã sống những ngày đói ( chết vì đói ) của nhân dân ta năm 1945,...Nhưng em nhớ đấy: Bây giờ, gian khổ nhưng tự hào. Và chính anh rất tự hào là mình đã được đóng góp và rèn luyện như vậy. Tự hào về dân tộc ta anh hùng, tự hào về quân đội ta anh hùng, ta càng phải tự hào vì được góp sức mình để phát huy truyền thống anh hùng đó.
Em ạ, trong gian khổ thiếu thốn, có thể nói cái đói đeo đẳng suốt ngày...Cứ mỗi buổi sáng đều trông ngóng xe vào ( xe vận chuyển vào được nhiều ,thì được ăn tăng, xe vào ít thì ăn giảm, hoặc là không có để trên cấp...và tự lo để sống !), cả ngày thèm cơm, đói nhưng các đồng chí của chúng ta vẫn vững vàng, sẵn sàng chịu đựng tất cả, lời ca tiếng hát vẫn vang núi, vang rừng. Hàng ngày bọn anh vẫn làm việc đều, vẫn hoàn thành nhiệm vụ trên giao, cuộc sống vẫn lạc quan tin tưởng tuyệt đối và nhất nhất vẫn nhắc nhau giữ nghiêm kỉ luật của quân đội và kỉ luật dân vận...( lúc dỗi vẫn chơi bài “tú lơ khơ” do tự anh cắt bằng bìa gói ma-gi-cô, dùng mực đỏ và xanh vẽ được một bộ, cho bộ phận tiền phương của Trung đoàn bộ chơi). Tất cả Đảng viên phải gương mẫu, lúc này đây và còn nhiều hơn nữa...đều cùng nhau sẻ ngọt bùi, cho nên lúc chia tay nhau, niềm thương , nỗi nhớ ấy càng đượm, càng da diết ...Và cũng trước lúc chia tay này, bọn anh gặp lại các bạn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên-Huế, bịn rịn trong lúc chia tay...các bạn đã sống trong chiến trường này 4 năm rồi, giờ đây những người bạn, người “đồng hương” tạm xa nhau...Họ gửi qua anh những niềm thương nỗi nhớ từ những phong thư, vật kỉ niệm và cả ánh mắt về hậu phương mà ở đó những người thương yêu của họ đang đón chờ ,mong đợi...Chính anh cũng phấn khởi được chuyển những tình cảm, tình thương ấy và hứa sẽ thực hiện bằng được niềm tin của những người ở lại...
Như vậy đã được hơn 20 ngày, hôm nay anh lại viết cho em, đúng trong những ngày đó hầu như bọn anh chỉ có đi em ạ! Từ đất miền tây của Trị Thiên-Huế, vẫy chào tạm biệt những cánh rừng, ngọn đồi quen thuộc trong những ngày qua...bọn anh hành quân lên đường ra Bắc.Vừa đi vừa làm việc, ngày hôm nay anh đã ở trạm giao liên 6, gần biên giới Việt- Lào. Em ạ, trên đường đi ( đường ra), khác với đường vào của anh...Nhưng cũng con sông Sê-Pôn nước mát và trong ấy, qua đường Chín anh hùng( nhưng ở đoạn khác). Dốc Nguyễn Chí Thanh, dốc Ê Ẩm, dốc Ớn Sườn, cao điểm 1007, là những con dốc nổi tiếng trên đường hành quân này...Đứng trên đỉnh dốc Nguyễn Chí Thanh ta có thể nhìn thấy toàn cảnh một khu vực đường số Chín. Thỉnh thoảng một vài đoạn uốn khúc của sông Sê-Pôn ẩn hiện sau những lùm cây, ven đồi...Từng dãy, từng dãy, ngọn này nối tiếp ngọn khác của rừng núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp. Bầu trời đường Chín vẫn còn những bóng đen của B52 và các máy bay Mỹ hoạt động ...
Từng ngày một, anh đã tiến gần đến biên giới, về gần với em. Còn khoảng hai ngày nữa, anh sẽ qua biên giới, đặt chân lên mảnh đất XHCN, miền Bắc.
Em yêu, những ngày này không biết em có nhận thấy nhịp đập của trái tim có nhanh hơn không ?
Nhưng cũng sẽ xắp đến lúc niềm thương nỗi nhớ, hình ảnh thân quen hiện ra, lớn dần...

Anh tạm ngừng viết cho em tại đây !

                                                19/1/1969

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét