Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Ứng phó với qui chụp tư tưởng trong Văn chương


Ứng phó với quy chụp tư tưởng trong văn chương

Theo NVTPHCM
Thứ năm ngày 28 tháng 3 năm 2013 4:51 PM
 
NVTPHCM- “Người ta cứ hay khuyên văn nghệ sĩ phải thường xuyên học tập chính trị, vậy sao các nhà chính trị không thường xuyên học văn học nghệ thuật? Những hệ luỵ đó dẫn đến tình trạng như thế này: chúng ta không thiếu những nhà điêu khắc tài ba, những nhà kiến trúc vinh danh thế giới, vậy mà tượng đài của ta khắp các tỉnh thành đều một kiểu “cầm súng xông lên”? Các nhà chính trị quá đi sâu vào chuyện văn nghệ chăng?”
Bàn tròn văn học Ứng phó với quy chụp tư tưởng văn học của NVTPHCM qua 4 kỳ đã nhận được nhiều ý kiến sâu sắc của các đồng nghiệp và sự khích lệ của bạn đọc trên mọi miền đất nước. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm đó, để cùng hướng đến việc giảm thiểu và triệt tiêu một hiện tượng bất bình thường trong đời sống văn học nói riêng và văn hoá dân tộc nói chung.
Kỳ 5, Bàn tròn văn học Ứng phó với quy chụp tư tưởng văn học xin trân trọng giới thiệu phát biểu của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình: Lê Văn Thảo, Ngô Minh, Trần Nhương, Nguyễn Thuý Ái, Lê Xuân.
BÀN TRÒN VĂN HỌC:
NHÀ VĂN LÊ VĂN THẢO (TP.HCM):
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc quy chụp đối với tác phẩm văn học. Và cũng không phải chỉ có ở Phú Yên. Nó có từ lâu rồi, ở khắp nơi. Ngày càng có nhiều người muốn chứng tỏ lập trường. Và thường chọn văn học. Tôi có theo dõi “vụ án” Bóng anh hùng của Doãn Dũng. Ban Tuyên giáo Trung ương có ý kiến rồi. Tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam có ý kiến rồi. Những nhà văn tên tuổi, những bậc thức giả có ý kiến rồi. Báo chí, độc giả khắp nơi có ý kiến rồi. Vậy cũng đủ. Còn lại là để cho những “ông quy chụp” suy nghĩ. Khi hiểu ra vấn đề, “ông quy chụp” có hối hận việc mình làm khó tác giả, làm khó tờ báo đăng tải tác phẩm, gây rối đời sống văn học nghệ thuật?
Việc tác giả có bị gì không, tình hình sáng tác có do đó “bị” thối lui không, theo tôi không thể có. Và cũng không quan trọng. “Nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ”. Nhà văn có bản lĩnh sáng tác, cũng có bản lĩnh chịu đựng những chuyện thị phi đó. Thời buổi này không ai “cắt cổ” được ai. Tình hình sáng tác không vì thế mà chịu ảnh hưởng. Ngược lại, qua những “phản ứng” như thế, ta còn lấy làm mừng, thấy tác phẩm đã “đánh động” được cái gì đó. Lâu nay nhiều người có quyền trong tay, nghĩ họ có quyền “phán” bất cứ chuyện gì, trong đó có tác phẩm văn học. Đáng lẽ phải ra sức học, đọc nhiều để hiểu biết, họ lại “vô tư” “phán”. Đáng lẽ chăm chút những khám phá sáng tạo, họ làm thui chột nó đi. Tác phẩm viết về chiến tranh ta đã có nhiều, nhưng vẫn viết tiếp, cái chính là phải ngày càng đi vào cốt lõi, phải “thật” hơn, miêu tả đi vào ngóc ngách, mặt này mặt kia. Chớ không chỉ có rập khuôn “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Kiểu như thế đã qua từ lâu rồi.
Công việc của nhà văn là viết, cố gắng tìm tòi, nỗ lực trong công cuộc khám phá sáng tạo của mình. Công việc của Hội nhà văn là chắt chiu, nâng đỡ những khám phá sáng tạo ấy. Xưa nay những tìm tòi độc đáo ban đầu đều chịu nhiều những “điều tiếng” như vậy. Lolita, Hồng lâu mộng, Truyện Kiều… ban đầu đều bị coi là “dâm thư”. Sự việc trên thật chẳng đáng lưu tâm lắm. Ta bàn những hệ lụy khác. Vì vậy cũng chẳng cần phải “bảo vệ” với “ứng phó” trước tình trạng quy chụp văn học.
Mọi người đều học văn trong nhà trường, văn học sử dụng ngôn ngữ trực tiếp, do vậy nhiều người lầm tưởng ai cũng có thể hiểu được tác phẩm văn học. Thật ra văn học cần phải học, không chỉ học trong nhà trường mà còn tiếp tục học sau này, học hàng ngày, thường xuyên đọc văn học trong nước và trên thế giới. Như vậy còn chưa chắc đã hiểu được hết tác phẩm văn học. Vậy mà nhiều người cứ vô tư “phán”, nghĩ mình là cấp trên có quyền “bao quát” tất cả. Rằng cứ tự xưng mình là quần chúng. Quần chúng nào? Rằng chuyện này chuyện kia trong tác phẩm không có trong sự thật. Nhưng văn nghệ là một đặc thù, sự thật trong tác phẩm văn học không phải là sự thật trong cuộc đời. Cứ bê nguyên xi sự thật trong cuộc đời, sẽ không thật gì cả trong tác phẩm văn học.
Người ta cứ hay khuyên văn nghệ sĩ phải thường xuyên học tập chính trị, vậy sao các nhà chính trị không thường xuyên học văn học nghệ thuật? Những hệ luỵ đó dẫn đến tình trạng như thế này: chúng ta không thiếu những nhà điêu khắc tài ba, những nhà kiến trúc vinh danh thế giới (như Võ Trọng Nghĩa với công trình kiến trúc Tre), vậy mà tượng đài của ta khắp các tỉnh thành đều một kiểu “cầm súng xông lên”? Các nhà chính trị quá đi sâu vào chuyện văn nghệ chăng?
NHÀ THƠ NGÔ MINH (THỪA THIÊN - HUẾ):
Tôi theo dõi kỹ thông tin về truyện ngắn Bóng anh hùng của tác giả Doãn Dũng đăng trên báo Phú Yên đang bị một số người ở tỉnh này quy chụp về vấn đề tư tưởng. Chuyện quy chụp cũng xảy ra mấy năm trước đối với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau hay nhà văn Cao Hạnh ở Quảng Trị... Tôi nhận ra một sự buồn là: Tất cả các quy kết chụp mũ văn chương ở nước ta thời gian gần đây đều xảy ra ở các tỉnh. Càng tỉnh lẻ thì quy chụp càng gay gắt, cực đoan. Còn các địa phương có bề dày văn hoá cao như TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… thì quy chụp dường như không xảy ra. Tại sao vậy? Vì người mù làm vua nước chột. Ở xứ này không ai được qua mặt ông. Còn ở trung ương thì quy chụp chỉ xảy ra cách đây 50 năm,  thời Nhân văn Giai phẩm, thời “đấu tố xét lại”, hoặc thời “vòng trắng” sau 1975, nghĩa là thời bao cấp, còn từ khi đổi mới đến nay, các tác phẩm văn chương dù rất gay cấn như Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường) cũng chỉ vài cuộc họp nhỏ là giải toả được. Mà chuyện gay cấn, nhạy cảm của Thời của thành thần gấp hàng vạn lần so với những tác phẩm ở Phú Yên, Cà Mau. Nói thế để thấy rằng, Đảng ta hô hào đổi mới, nhưng đến nay nhiều người trong bộ máy đảng, chính quyền vẫn mang nặng nếp nghĩ xưa cũ.
Tại sao lại có quy chụp? Trước hết quy chụp là quyền tối thượng của những người được ra lệnh, được phán xét từng con chữ nhà văn viết ra mà sai cũng không ai có quyền bắt tù hoặc chống lại. Một thời các nhà phê bình mác-xít, các nhà tư tưởng, tuyên huấn chửi bới nguyền rủa nhóm “Nhân văn giai phẩm”, “xét lại”, làm cho hàng ngàn người bị bắt tù oan ức, bị kỷ luật, bị đuổi việc, nhiều nhà văn hàng mấy chục năm không ngóc đầu lên được như Nguyên Dậu - Mở hầm, như Mùa hoa dẻ - Văn Linh… Nhưng khi xã hội đã đổi mới, tư tưởng được giải toả rồi không hề thấy những nhà lý luận phê bình đao búa giết người ấy bị trừng trị, tù tội gì cả. Đó là lý do họ cứ nói, cứ chửi bới thoải mái. Bạn đọc bây giờ đọc lại bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán: Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu… ai cũng cho là chân lý. Bài thơ được chọn là một trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX. Thế mà năm 1958 bị đánh tơi bời. Nhà văn đã phải 30 năm treo bút, 30 bị dìm xuống bùn đen, “ba mươi năm rượu chịu vai chui cá trộm”. Không ai treo cổ bọn phê bình chụp mũ ác độc ấy cả, nên thời nào chúng cũng nảy nòi. Hay bài thơ Vòng trắng của Phạm Tiến Duật sau chiến tranh là một bài thơ vô cùng nhân văn, chứng tỏ tầm suy nghĩ rất nhân loại của tác giả, lại bị những người thiển cận cho là “nói xấu cách mạng”. Thật cười ra nước mắt!. Chúng làm hại người khác mà vẫn cứ nhơn nhơn ngoài vòng phán xét. Tại sao vậy?
Bọn quy chụp đa phần là bọn cơ hội, ăn theo nói leo, muốn chui sâu leo cao nhưng tầm nhìn thiển cận, lại nhác đọc, nhác học, nên rất cổ hũ, không cập nhật được thông tin về tình hình tư tưởng và văn chương cả nước để suy ngẫm, nên mới sinh ra chụp mũ, suy diễn vớ vẩn đối với tác phẩm văn học.
Tôi nghĩ, không có luật lệ bắt tù bọn “suy diễn, quy chụp”, nhưng sự phán xét nghiêm khắc của dư luận cũng tạo nên toà án lương tâm suốt đời với bọn cơ hội, chuyên ăn theo nói leo để kiếm chác. Tôi theo dõi tất cả các nhà phê bình chửi bới, nguyền rủa Phùng Quán, Trần Dần… xưa, khi già làm tuyển tập đều không ai dám đưa những bài phê bình “tâng công” ấy vào tuyển tập cuối đời của mình cả! Đó là sự thật.
Sự quy chụp dù rất ấu trĩ, buồn cười, nhưng vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với bạn viết trẻ. Nếu non gan, họ sẽ bị “ám”, không dám viết nữa. Nên khi có bài quy chụp, các nhà văn thức thời phải bình tĩnh suy xét, nhận định và tập trung viết bài trên báo, trên mạng, tổ chức hội thảo, bàn tròn để làm rõ trắng đen, chặn tay bọn cơ hội xấu xa thời nào cũng có. Tôi tin rằng, những người viết trẻ bây giờ cũng đủ tri thức và tầm nhìn để coi khinh bọn quy chụp cơ hội, muốn nổi tiếng theo cách “làm thằng đốt đền” ấy.
NHÀ THƠ TRẦN NHƯƠNG (HÀ NỘI):
Bó tay chấm com các vị ở một số địa phương đọc văn chương rồi cứ vận vào mình. Đã xưa lắm kiểu chụp mũ thế này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây cũng nói đại ý chụp mũ làm xã hội không phát triển.
Hình như các vị ấy tưởng chụp mũ là tỏ ra kiên định lập trường, ta đây bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Việc làm ấy chính là làm xấu Đảng, xấu Nhà nước. Các vị lãnh đạo luôn khuyến khích tìm tòi và đóng góp ý kiến qua văn chương để xã hội lành mạnh hơn. Lịch sử ở ta đã có thời quy chụp một nhóm Nhân văn giai phẩm, rồi Nhà nước đã biết sai sót trước nên trao giải thưởng cho rất nhiều vị mà ngày xưa cho là phản động. Chả nhẽ thế kỉ thông tin này mà các vị bảo hoàng văn nghệ muốn đi lại vết xe đổ trưóc?
Một tác giả sống và làm việc tại một địa chỉ cụ thể, dưới sự quản lí của một cơ quan, địa phương cụ thể thì sự quy chụp ấy như cái án không xử treo trên đầu họ và gia đình họ. Ảnh hưởng cả tinh thần lẫn vật chất, khiến cuộc sống không an bình. Coi đó là một án treo không phiên toà. Và đâu chỉ tác giả, cả người biên tập đăng tác phẩm cũng bị hệ luỵ oan ức.
Phải lên tiếng cho công luận và các mạng xã hội, các trang mạng văn chương lên án và phản biện. Đó là một sức mạnh hậu thuẫn cho nhà văn và các ban biên tập. Nhớ hồi nhà thơ Đàm Chu Văn ở Đồng Nai, nhờ có các trang mạng và ý kiến của các cơ quan chuyên ngành nên đã làm sự chụp mũ ấy kém hiệu quả. Các hội chuyên ngành ở trung ương cần vào cuộc bảo vệ hội viên, bảo vệ tự do sáng tạo trong khuôn khổ luật định. Không gì che giấu được, không bịt miệng được trong thời đại hội nhập vào thế giới thông tin đang bùng nổ. Cứ để những người sáng tạo với tinh thần công dân của họ, họ sẽ biết phải làm gì. Đừng suy diễn, chụp mũ, đó là biểu hiện của cái yếu, cái đa nghi thủ cựu...
NHÀ VĂN NGUYỄN THUÝ ÁI (TP.HCM):
Bóng anh hùng của tác giả Doãn Dũng là một truyện ngắn hay, đặc biệt là giá trị hiện thực của tác phẩm. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đất mà bước chân hung hiểm của chiến tranh không ngớt rảo qua, họ hàng tôi có nhiều người là liệt sĩ, là anh hùng… Miêu tả được nỗi đau, những khuất lấp, hy sinh của những con người không còn lên tiếng được nữa là điều không dễ. Tác giả Doãn Dũng đã làm được, thật đáng khâm phục. Nhưng nếu không bị “quy chụp” biết đâu tôi chẳng có cơ hội đọc truyện ngắn này!
Thật không lạ gì một số người đã quen với cách “chính trị hóa văn chương” một cách thô lậu, chỉ thích đọc những gì tô hồng, ngợi ca một chiều nên phản ứng hoặc quy chụp rất nặng về quan điểm chính trị mà trong giới cầm bút gọi là “bị đánh”. Tôi cũng từng bị “đánh” vì viết truyện ngắn Trở về Lệ Chi viên. Lúc đó tôi hết sức thất vọng vì lối quy chụp lạ lùng như vậy nhưng cũng hoảng sợ… Rồi nhờ các đồng nghiệp như các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình an ủi chia sẻ… Sau này này tình cờ biết được “que diêm” của vụ này là do một phụ nữ cầm bút vốn tị hiềm với tôi nên “khích” một sinh viên chẳng am hiểu gì về văn học viết bài để đăng lên một tờ báo, thế là cán bộ về hưu, kỹ sư hóa, luật sư… đua nhau viết bàì “đánh” tiếp và góp thành một “đống lửa”, tuyệt nhiên không có một nhà chuyên môn nào như nhà sử học hay nhà lý luận phê bình lên tiếng. Chỉ có một nhà văn lớn tuổi thuộc hạng “cây đa cây đề” gặp tôi ở bên ngoài văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM đã giận dữ quát lên rằng “Cô dám xúc phạm Nguyễn Trãi có nghĩa cô dám xúc phạm Bác Hồ! Tôi sẽ viết bài đánh cô!”
Bây giờ gặp những ai từng đánh mình tôi thường vui vẻ “Chào ân nhân!”. Lúc đó nhiều người bảo tôi may mắn, nếu ở thế kỷ trước, hay chỉ mươi năm trước tôi sẽ lâm nguy như nhiều nhà văn nhà thơ tiền bối. Nhưng tôi nghĩ nhà văn Doãn Dũng còn may hơn, nhiều người có đủ tư cách, uy tín, chuyên môn đã lên tiếng minh oan cho truyện ngắn Bóng anh hùng. Như Bàn tròn văn học này của NVTPHCM, lần đầu tiên dám đề cập đến, là rất cần thiết. Đó là xu thế tất yếu, như một con người, một nền văn học, một dân tộc có lận đận rồi cũng sẽ trưởng thành, dù nhanh hay chậm. Còn những ai không chịu trưởng thành, cứ neo mình lại một bến bờ…
Một hiện thưc không thể chối cãi, là ngày nay những tác phẩm hay dù bị “đánh đập” vẫn sống , còn được tôn vinh bằng những giải thưởng lớn, còn nhiều tác phẩm từng được ngợi ca một thời nay không ai tìm đọc, tìm học, tìm để nghiên cứu…
Nhà văn Doãn Dũng nên ám ơn những ai “đánh” mình!
Tất nhiên người cầm bút cũng phải biết lắng nghe dư luận, có người viết những truyện ngắn, truyện dài dâm ô, suy đồi, chẳng có mấy chút văn chương, còn in đi in lại… Nhiều bạn đọc bình thường cũng nhận ra, sao chẳng thấy “nhà” nào lên tiếng?
NHÀ PHÊ BÌNH LÊ XUÂN (CẦN THƠ):
“Quy chụp” có thể xem là một “căn bệnh nan y” khó chữa ở mọi thời đại, ở từng giai đoạn lịch sử, ở nước này nước khác, dân tộc này hay dân tộc khác. Người “quy chụp” luôn có một ý đồ nào đó không tốt, mang nặng tính chủ quan cá nhân áp đặt đối với đối tượng bị “quy chụp”. Họ là những kẻ cơ hội, có khi giấu mặt xúi bẩy kẻ khác làm, có khi xuất đầu lộ diện lớn tiếng phán xét, có khi tự xưng là “quân sư” “cố vấn” cho vị này vị kia trong công tác văn nghệ.
“Quy chụp” đối với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hoá, văn nghệ đều tai hại. Nó làm xói mòn lòng tin đối với mọi người và gây hậu quả khó lường. Riêng việc quy chụp đối tác phẩm văn học sẽ để lại vết đau, vết sẹo cho tác giả và bạn đọc, có khi cười ra nước mắt. Đồng thời kẻ quy chụp cũng bị “bia miệng” người đời mỉa mai, phán xét. Song, kẻ quy chụp có khi lại được một vị nào đó tâng bốc, đề cao là có “lập trường” tốt, biết phát hiện “cái xấu, cái ác” trong tác phẩm mà tác giả ám chỉ để lãnh đạo “thanh lọc”, “thanh trừng” tác giả ấy.
Trước hiện tượng bị “quy chụp” về tác phẩm, nếu không có được tiếng nói chung của bạn đọc, báo chí bênh vực cho lẽ phải, nếu không được các cấp lãnh đạo văn hoá văn nghệ cao hơn địa phương “phản biện” thì hậu quả sẽ ra sao? Một tác phẩm tốt sẽ bị coi là tác phẩm xấu, bị cấm phát hành, đã phát hành thì phải thu hồi và những ai có liên quan sẽ bị xử lý tùy mức độ. Tác giả sẽ lo lắng, buồn tủi, có khi phải lẩn trốn để bảo toàn tính mạng và danh dự. Ở Thọ Xuân, Thanh Hóa - quê tôi, trước đây cố nhà văn Phùng Gia Lộc đã phải khổ sở, phải lủi trốn vì bị quy chụp đối với bài phóng sự Cái đêm hôm ấy đêm gì?. Vụ Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau) bị Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau mổ xẻ, quy kết làm tác giả toát mồ hôi. Nếu không có Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh và Hội đồng Lý luận VHNT Trung ương lên tiếng bảo vệ thì không biết Ngọc Tư sẽ ra sao? Và ở Hậu Giang trước đây, Cần Thơ hôm nay cũng đã từng có hai “nghi án” văn chương. Một là vụ chống lại tác phẩm Cù lao tràm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn năm 1984 diễn ra hàng tháng trời dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo thành ủy, Đài PT-TH Hậu Giang trực tiếp phát theo lịch hàng ngày. Các bài viết đọc trên đái, đăng trên báo địa phương được “lãnh đạo” đặt hàng cho một số giáo viên văn Đại học Cần Thơ, giáo viên phổ thông và một số cây viết khác có tên tuổi. Kết quả là Cù lao tràm vẫn sống trong lòng bạn đọc, vẫn bán đắt như tôm tươi và danh tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nổi như cồn. Còn những kẻ quy chụp kia trở thành trò cười cho thiên hạ. Vụ thứ hai là Trăng nghẹn ở cuộc thi thơ khu vực ĐBSCL năm 2009 do Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ đăng cai. Hội đồng Chung khảo gồm nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (Trưởng ban), hai uỷ viên là nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (An Giang) và nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (Long An), Lê Xuân (Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ Cần Thơ làm thư ký cuộc thi). Nhà văn Lê Văn Thảo (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM: chứng kiến buổi xét giải). Ông Phan Huy (Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Cần Thơ) làm Trưởng ban Tổ chức. Sau khi bài thơ Trăng nghẹn được xếp giải Nhất và đưa lên mạng, chờ Ngày thơ VN (Rằm tháng giêng – 2010) để phát giải thì có ngay một số ý kiến “quy chụp” lên án tác giả: “Tại sao ĐBSCL nói riêng, Cần Thơ nói chung sau hơn 30 năm giải phóng mà dân còn đói khổ ư, con nhà nghèo còn thất học ư, các cô gái đẹp lại lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nhiều thế ư, trăng rằm thì phải sáng chứ sao lại phải “nghẹn”, hãy xem lại tư tưởng, lý lịch tác giả (có đi lính ngụy hay không?)…”. Không thấy có một văn bản giấy trắng mực đen nào của lãnh đạo địa phương mà chỉ toàn chỉ thị miệng, họp kín, thế là ông Trưởng ban tổ chức sợ sởn gai óc phải hủy ngay giải Nhất. Mấy chục bài báo đã đăng Văn Nghệ, Tiền Phong, Pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động và nhiều trang mạng đăng tải rùm beng vè “nghi án” này nhưng rồi tất cả rơi đều vào im lặng. Tác giả Hoài Tường Phong tuy không được nhận giải nhưng cả nước biết tên tuổi. Ông không buồn mà chỉ mĩm cười rồi lặng lẽ lao vào nghề “Trồng răng” cho thiên hạ kiếm tiền sinh sống. từ đó đến nay ông cũng không muốn làm thơ nữa.
Sau vụ đó anh chị em văn nghệ sĩ Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đều ít, hoặc không giám viết các mặt trái xã hội, nhất là những vấn đề dính đến tiêu cực, tham nhũng có nguyên mẫu ở địa phương mình. Tình hình văn học như lắng xuống sau mỗi “nghi án” văn chương. Song, những nhà văn nhà thơ có bản lĩnh vẫn không hề “khiếp sợ” trước các thế lực “vô hình hay hữu hình” của bệnh quy chụp. Anh em thường gọi những kẻ quy chụp đó là “Gia-ve” trong văn nghệ (nhân vật mật thám chuyên theo dõi Giăng-van-giăng trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của Vichto Huygo).
Đối với các nhà văn: Trước hiện tượng “chụp mũ” vô lối đối với tác phẩm văn học, theo tôi cứ bình tĩnh, vì “cây ngay không sợ chết đứng”. Một số bạn đọc lại bảo “chờ được vạ thì má đã xưng”. Thật đáng trách một số nhà văn nào đó vì quyền lợi riêng hay vì sự không thích đối với tác giả ấy cũng hùa theo kẻ “chụp mũ” thì thật tai hại. Anh ta biết là sai nhưng cứ “té nước theo mưa”, “theo đóm ăn tàn” để “lấy điểm” với lãnh đạo. Còn các nhà văn chân chính, có tác phẩm tốt bị quy chụp thì không nên sợ trước cái “thùng rỗng kêu to”, vì các vị kia chỉ là những ông “thầy bói xem voi”.
Đối với Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN và Hội đồng Lý luận văn hóa văn nghệ Trung ương nên nhanh chóng có ý kiến sớm thấu tình đạt lý đối với các vị lãnh đạo địa phương để các tác giả bị quy chụp được giải oan, tác phẩm được “tồn tại”.
Đối với các nhà Lý luận phê bình văn học, là những người định hướng cho bạn đọc cần có sự thẩm định tác phẩm để bảo vệ công lý. Các nhà văn, nhà thơ bằng nhiều hình thức hãy viết bài cho báo, đăng tải trên mạng, hoặc viết thư riêng cho lãnh đạo địa phương bày tỏ ý tưởng của mình về tác phẩm, tác giả.
Đối với các vị lãnh đạo văn hóa văn nghệ địa phương như: Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ của Ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông, Chủ tịch Hội VHNT… cần phải  nâng cao trình độ để hiểu biết các đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ của tác phẩm văn học, không nên đánh đồng giữa hiện thực cuộc sống và hư cấu nghệ thuật. Hoặc có vị hiểu nhưng lại lái sang vấn đề chính trị, quan điểm để quy kết tác giả, tác phẩm có vấn đề này vấn đề khác, sai về nhân sinh quan, thế giới quan. Đó là căn bệnh ấu trĩ, duy ý chí của một số vị chưa theo kịp xu thế thời đại, chưa nắm bắt được sự đổi mới của văn hoá, văn nghệ trước tình hình mới của xã hội hiện nay. Điều này rất đúng với nhận định của Nghị quyết 23/TW của Bộ Chính trị (ngày 16- 6- 2008) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới”:
Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của các cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới, chưa lường hết được tác động phức tạp, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn tới sự lúng túng, thụ động khi định hướng và xử lý những vấn đề mới phát sinh… Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở…”.
Tóm lại, những tác phẩm văn học tốt là của quý của kho tàng văn học nước nhà. Tài năng của tác giả chỉ được khơi dậy và phát huy khi chúng ta có được cơ chế và lộ trình đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại. Việc chăm lo, phát hiện các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng bảo đảm quyền tự do sáng tác, tạo điều kiện cho nhà văn phát huy tính độc lập để họ có tác phẩm hay phục vụ cho sự nghiệp của đất nước và dân tộc. Mỗi nhà văn sẽ “Viết theo chỉ thị của trái tim chúng ta nhưng trái tim ấy luôn đập theo nhịp của cây đũa thần chỉ huy là Đảng, là Dân tộc mà nhà văn tin yêu” (M. Sôlôkhốp- nhà văn Nga).
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn mong các nhà văn có những tác phẩm hiện đại giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết 23/TW của Bộ Chính trị khóa X "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Từ đó có những tác phẩm tốt, góp phần lên án cái xấu, cái ác, tích cực bồi dưỡng cái hay cái đẹp để giúp bạn đọc hướng tới Chân, Thiện, Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét