Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Văn học nghệ thuật góp phần xây dựng đạo đức xã hội

                      VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC  XÃ HỘI                                                                                                                               Lê Khả Phiêu


          Tại hội thảo do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW tổ chức ngày 27/11/2013, đ/c Lê Khả Phiêu, nguyên TBT BCH TW Đảng có bài tham luận “Để có tác phẩm xứng tầm của dân tộc VN thời đại HCM”. Xin trích đăng  phần nói về “ Văn học nghệ thuật góp phần xây dựng đạo đức xã hội”.
          Tác phẩm VHNT có sức mạnh to lớn, nuôi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức con người, thỏa mãn khát vọng của con người về các giá trị CHÂN, THIỆN, MỸ.  Nó nâng đỡ an ủi, khích lệ con người  trong cuộc sống riêng tư, chia sẻ với con người những tâm tư thầm kín nhất, giúp con người trả lời những câu hỏi về lẽ sống, lối sống, những cách ứng xử tinh tế, ấm áp giữa con người với con người, giữa gia đình, làng xóm, dòng họ, bạn bè quốc tế, con người với thiên nhiên.VHNT có tác dụng to lớn hình thành hệ giá trị mới trong điều kiện mới giúp con người tự điều chỉnh, vừa hoàn thiện nhân cách, vừa tăng sức đề kháng chống laị mọi cái xấu, cái ác.
          Tác dụng VHNT càng to lớn, trách nhiệm văn nghệ sỹ càng nặng nề. Tôi được biết đời sống VHNT gần đây, bên cạnh xu hướng lành mạnh, tích cực là chủ yếu, đã xuất hiện những biểu hiện lệch lạc rất đáng lo ngại, cần được uốn nắn kiên quyết và kịp thời.
          Trong lý luận, phê bình, có xu hướng đề cao quá mức chức năng giải trí, giao tiếp mà coi nhẹ chức năng giáo dục, có một số trào lưu nước ngoài được du nhập vào trong nước chưa có sự phân tích thấu đáo, chỉ rõ cái gì hay, cái nào dở, để tiếp thu có chọn lọc. Báo chí đã lên tiếng phê phán về những khuynh hướng giải thiêng các giá trị văn hóa của dân tộc, của cách mạng, đòi thay thế trung tâm văn hóa ngàn đời của dân tộc bằng các thứ rác rưởi được gọi là bên lề.Điều đáng ngạc nhiên và nghiêm trọng là nó diễn ra ngay trên bục giảng ở một số trường đại học. Phải trở lại những vấn đề có tính nguyên tắc,.
          Đổi mới VHNT là mở rộng không gian suy tưởng, chân trời sáng tạo, tiếp thu mọi tinh hoa văn hóa nhân loại để bổ sung, chuyển hóa, làm giàu văn hóa dân tộc. Đổi mới không phải là đổi màu, càng không phải là phủ nhận và giải thiêng. Và không thể nhân danh dổi mới để biến tương lai con em chúng ta thành nơi thí nghiệm những quan điểm sai trái.
          Trong sáng tác, có xu hướng sa vào hình thức chủ nghĩa, tuyệt đối hóa hình thức, chặn đứng mối giao cảm giữa tác phẩm và công chúng. Như vậy, người ta vô tình hoặc cố ý đã thủ tiêu chức năng xã hội của tài năng.Hoặc cũng có xu hướng khai thác một chiều, cường điệu hóa cái xấu, cái ác. Như vậy, tác phẩm cũng không phản ảnh đúng bản chất của hiện thức, không thấy hết mối quan hệ biện chứng của cuộc sống. Tôi tâm đắc việc coi tác phẩm VHNT là  một thể thống nhất và hoàn chỉnh của tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ .Cắt rời chỉnh thể đó, tuyệt đối hóa một yếu tố nào đó tức là không còn coi tác phẩm VHNT là một thực  thể hoàn chính và thống nhất.
          Trước những vấn đề đạo đức, lối sống đang có chiều hướng xuống cấp như hiện nay, chúng ta hoan nghênh mọi tác phẩm mang tính phản biện xã hội sâu sắc, đi sâu mổ xẻ, phân tích, lên án đến tận ngõ ngách, mọi hành trạng và nguyên nhân của cái xấu, cái ác,. Nhân danh cái tốt, cái thiện để phê phán một cách thuyết phục. Và không bao giờ để mất niềm tin yêu con người. Làm được như vậy một cách có nghệ thuật, thì nhất định tác phẩm được công chúng tiếp nhận.
Chúng ta khuyến khich các văn nghệ sỹ sáng tạo nhiều tác phẩm về những nhân tố mới, những nhân tố tích cực, những mặt sáng sủa, tích cực. Nhưng sáng tác về những cái sáng sủa, tích cực, mới mẻ cũng phải đi vào chiều sâu của thế giới nội tâm với một nghệ thuật nhuần nhuyễn và hấp dẫn. Ca ngợi mà đơn giản, sơ lược, hời hợt thì chẳng những không thuyết phục đươc ai, có khi còn gây phản cảm. 

Nguồn: Báo chí


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét