Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Viết lại…(1)


                                                                                                                                                   Ảnh Internet

 “Chuyện tự kể về chuyến công tác cuối cùng trước ngày Giải phóng Sài Gòn(30/4/1975)”của một sỹ quan Kỹ thuật thuộc BTL Pháo Binh QĐND VN.

          Đọc cái tên đã thấy nghi nghi rồi phải không. Sao lại là “Viết Lại “ ??? . Liệu có sửa chữa, “mông má” gì không đây. Không đâu! Vì chuyện này vẫn nằm trong đầu ông lão CCB năm nay đã tròn 78 tuổi, Kỹ sư xe, máy, thuộc binh chủng Pháo Binh QĐND Việt Nam, có vinh dự được là một trong những người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay nghĩ và nhớ về…, ghi lại thành câu chữ trên giấy.Thế chẳng gọi là “Viết lại…” là gì ! Nếu có khác là thêm chút “Kể” diễn giải cho rõ hơn thôi.
 Nhưng cũng xin nói trước, những dòng chữ sắp viết sau đây hoàn toàn là sự thật, việc thật. Không tô vẽ, không luận bàn , không sắp xếp … mong những ai là thành viên trong đoàn và đồng đội quen biết trong quân đội, đọc được để mừng cho nhau còn sống, có điều kiện thì thăm hỏi nhau, không phán xét, qui chụp, đánh giá nâng quan điểm… Ở vào thời điểm: “ Thần tốc-Thần tốc- Thần tốc nữa…”, sự kiện thay đổi từng giờ !
Xin bắt đầu bằng ngày đầu tiên họp nhận lệnh gấp ( không nói ngoa là những ngày tháng 3/1975, đoàn nào được thành lập, cử đi vào mặt trận cũng đều đặc biệt và gấp như nhau).
               Cơ quan Bộ TL PB, ghép người để thành lập một đoàn “ Kỹ thuật”, gồm: Đoàn trưởng Trung tá Nông Văn Cờ, nguyên trung đoàn trưởng E82; Trương Đình Khải thượng úy trợ lí Bảo tàng Pháo Binh làm chính trị viên; Thượng úy kỹ sư xe Vũ Dương Tá phó đoàn( vào tới Tp Sài Gòn kiêm Tham mưu đoàn); Trung úy kỹ sư Pháo Trần Mạnh Hào phó đoàn kiêm phụ trách Hậu cần,(Đại tá Trần Minh Hào nay là Trưởng ban liên lạc CCB ngành kĩ thuật PB, sống tại cuối phố Đội Cấn Hà Nội); một số kỹ thuật viên và thợ sửa chữa xe và pháo,đặc biệt có cả mấy giáo viên Trường lái xe và lái xe bánh xích, bánh hơi, một nuôi quân, một y tá cùng đi.
Nhiệm vụ: Đây là đoàn do Bộ tổng tham mưu chưng dụng và điều hành. Đoàn hành quân theo đường số “Một” vào Tây Nguyên, tăng cường cho mặt trận gấp, sửa chữa nhanh, thu hồi xe, pháo ( kể cả của ta và của địch bỏ lại) bàn giao ngay cho các đơn vị chiến đấu để tăng cường hỏa lực và cơ động cho các đơn vị. Điểm đến là Ban Mê Thuật.
Thành lập gấp một chi bộ lâm thời, do chính trị viên làm Bí thư.
Đoàn được Cục Tác chiến Bộ TTM cấp một giấy ưu tiên đóng hai vạch đỏ dưới góc, ưu tiên khi qua phà, tắc đường hay giải quyết các sự cố xảy ra trên đường hành quân vào chiến trường.( kể cả việc cung cấp nhu yếu phẩm và hậu cần cho đoàn)… Chúng tôi hỏi, cấp trên của chúng tôi khi vào tới Tây Nguyên là ai, được tổ chức trả lời: Người chỉ huy các anh là Thiếu tướng Lê Nam Thắng,chính ủy Bộ Tư lệnh thủ đô. Các anh cứ đi, còn đ/c Thắng đi bằng máy bay vào sau, gặp nhau ở Ban Mê Thuật.
(Tôi sẽ kể thêm sau về chi tiết này).
Lệnh ngày 03/3/1975, đoàn lên đường.
         Sáng ngày 3/3/1975, toàn bộ “ bầu đoàn thê tử” chúng tôi gói gọn trên một chiếc xe “ Hồng Hà” 3 cầu mới “ nhái”Zin 157, do “ Tầu” sản xuất, khởi hành từ “ tổng hành dinh của PB ở khu “Quần Ngựa” theo đường Láng –Trường Chinh, và bị kẹt tại ngã tư Vọng. Tôi có nghiệp vụ về xe nên được phân công ngồi trên ca-bin chỉ huy. Đến cửa ngõ phía nam của Thủ đô mới chứng kiến, không khí nhộn nhịp, chen lấn, hối hả của mọi đoàn, mọi hướng trên con đường ra mặt trận, sự dịch chuyển “ tất cả hướng ra mặt trận” này tiếp sức cho chúng tôi tăng thêm nghị lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao sau này.
         Rất nhiều người (ở các đoàn đã phải xuống xe lao lên xem xét, tôi cũng vậy…và cũng nhận ra tấm các ưu tiên kia cũng chẳng có tác dụng lúc này. Tôi gặp nghệ sĩ Công Sáu chuyên sáng tác các làn điệu ca chèo, công tác tại Ban văn nghệ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, anh em nói chuyện, Sáu kể : Em được lãnh đạo Đài giao cho viết bài ca ngợi giải phóng Đà Nẵng, tôi ngạc nhiên hỏi lại: Đà nẵng đã giải phóng đâu mà viết bài ca ngợi. Sáu cười, thế mới gọi văn hóa văn nghệ phải đi trước đón đầu mới là tuyên truyền chứ anh… 
         Quả thật, đi đến đâu cũng theo chân các đơn vị chiến đấu trực tiếp giải phóng trước một ngày như ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng vừa giải phóng, lẻ tẻ vẫn còn có tiếng súng. Đoàn trú đêm tại phòng họp của Bộ chỉ huy( theo cách gọi của Ngụy) sư đoàn 25 của quân Ngụy vừa rút chạy. Chắc chắn phòng giao ban Tác chiến của Bộ quốc phòng cũng không sang trọng như thế này.Nền phòng lát bằng gỗ mầu gụ, đánh bóng,  trên tường còn nguyên bộ nhiều lớp bản đồ tác chiến, mỗi lớp được ngăn cách bởi một phông vải nhung, kéo ra kéo vào như phông sân khấu khi thay cảnh diễn. Khi chạy họ không kịp thu hồi. Mép dưới khung gỗ bản đồ vẫn còn một “que” nhiều đoạn kéo dài bằng sắt mạ bịt đầu nhựa để chỉ dẫn trên bản dồ khi thuyết trình, dài khoảng hơn một mét. Tôi đã lấy nó “dấu” vào ba lô. Ngay tối hôm đó cấp ủy đã hội ý về việc hành quân tiếp theo hướng Tây nguyên. Trong khuôn viên của bộ chỉ huy sư đoàn ấy có một kho quân trang, vào trong kho thấy rất nhiều quần áo, chăn…
            Ngay tối hôm đó cấp ủy đã hội ý về việc hành quân tiếp theo hướng Tây nguyên và  có quyết định tập thể một việc: lấy cho anh em mỗi người một bộ quần áo lót dệt kim dài tay mầu trắng và một chiếc chăn chiên mầu ghi phòng cái giá lạnh ở núi rừng Tây Nguyên. 
           Sáng hôm sau, tôi và hai chiến sĩ nữa đi hỏi thăm tình hình và đường đi tiếp, phố chật ních người, đang đi thì hàng loạt tiếng súng nổ liên tiếp, tiếng nổ to và hướng trên bầu trời. Dân chúng hoảng loạn càng chen lấn sô đẩy nhau,có người nói: “họ” quay lại chiếm lại thành phố đấy…thoáng trong đầu tôi nghĩ: không thể…? Nhưng cũng nói với những người dang đứng xung quanh: đồng bào cứ yên tâm , không có chuyện đó đâu( mồm nói nhưng tay vẫn chú ý đến khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn trước khi đi rồi). Khoảng 5 phút sau, đài phát thanh thông báo: Đồng bào chú ý, tiếng súng vừa rồi là do Bộ đội Giải phóng thử súng cao xạ để sẵn sàng bảo vệ thành phố. Mọi người như bình tâm lại. 
            Hôm sau chúng tôi tiếp tục hành quân… do phía trước đang là chiến sự, nên chúng tôi phải rẽ phải sang hướng  đường Mười năm … đến Mỹ Đức (thuộc đất Quảng Nam), đường tắc vì Ngã ba sông, cầu hỏng, không có phà cho xe qua, nên lại phải quay lại, trên đường quay lại, có một chuyện vui. Đang trên đường đi, có người đàn ông dơ tay chặn đầu xe, buộc chúng tôi phải dừng lại. Người đàn ông trình bày, xin cấu cứu đưa vợ anh ta đang nguy cấp trong việc sinh con, chiếc honda 50 nữ không làm sao đảm bảo được. Vì vùng vừa giải phóng, chúng tôi phải cảnh giác,lập tức hội ý cấp ủy…ông chồng sốt ruột đến sát chúng tôi : “Các ông giúp cho, gia đình tôi xin biếu các ông chiếc xe honda này, xin các ông ra ơn”. 
           Không để dân hiểu sai về mình, chúng tôi quyết định chở vợ anh ta, yêu cầu anh ta đi xe máy dẫn đường. Hơn một chục cây số tới nhà hộ sinh một thị trấn trên đường, xuống xe đưa chị vợ vào, anh ta không quên, ra nói với chúng tôi: Cảm ơn các ông Việt cộng, tôi xin biếu các ông chiếc xe gắn máy như đã hứa. Anh em chúng tôi đều cười, giải thích: Đây là việc chúng tôi phải làm, gia đình đừng băn khoăn, giữ chiếc xe để chở  vợ con về nhà, nhớ an toàn đấy. Anh ta cảm động như muốn khóc, khoanh tay trước ngực cúi đầu cảm on.Chúng tôi tạm biệt, chúc vợ anh “mẹ tròn con vuông”. Tiếp tục hành quân quay về hướng Quảng Nam.
                                                                                                                                                          ( còn tiếp).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét