Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Viết lại…(2)
              ( Tiếp theo)

Qua được Quảng Nam, Quảng Ngãi, vào một buổi tối chúng tôi tới Tp Qui Nhơn, Bình Định. Đang chờ  cơm đoàn tự nấu, tôi chợt nhớ ra một người con gái Bình Định, quê ở Qui Nhơn,  năm 1960-1961, học chung với nhau trong Trường Bổ túc văn hóa Công nông TW(đã có tình ý với nhau), ở  Giáp Bát Hà Nội. Sau này tốt nghiệp bác sĩ, cô xung phong về Miền Nam công tác, không biết hôm ấy có mặt ở Qui Nhơn chưa ? Nghĩ thế thôi, giả sử có ở đấy chăng nữa thì cũng biết cụ thể chỗ nào đâu mà tìm. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi hành quân theo đường 19, lên Tây Nguyên.
Trên đường đi qua, có đoạn chúng tôi nhìn thấy một số tháp (chúng tôi cứ nói với nhau là Tháp Chàm đấy),và có ghé thăm một tháp ở gần đường nhất… Thực sự “thán phục” trước vẻ đẹp, kỳ công thiết kế và xây dựng của tháp mà người xưa để lại… Tới Plâyku. Đêm ở thành phố mới giải phóng im ắng, nhất là khu trại lính của Ngụy quân hoang tàn, đổ nát...


Tới Ban Mê Thuật, chúng tôi “ hạ trại” tại sân bay Hòa Bình, liên hệ với Tỉnh đội để bắt liên lạc với các bộ phận của các binh chủng còn lại đang làm việc tại đấy. Nhất là hỏi thăm xem người chỉ huy của chúng tôi đã có mặt ở đấy chưa? Tỉnh đội báo cho biết: chưa có ai như các anh hỏi vào đây cả. Như vậy chúng tôi như rắn mất đầu. Quyết tâm cuả ban chỉ huy đoàn chúng tôi là : Điện báo cáo về BTL, nhờ tỉnh đội chuyển hộ để xin ý kiến, mặt khác hợp tác với tỉnh đội để phối hợp nhiệm vụ như ở Hà Nội đã giao. Tỉnh đội hoan nghênh và cử thiếu tá Malon, Tỉnh đội phó trực tiếp làm việc với đoàn.
Chúng tôi rời về Cheo Reo- Phú Bổn, đầu mối đường rút chạy của quân Ngụy trên toàn tuyến khi địch thất thủ Tây Nguyên. Nơi mà ta chưa có thể đếm hết được bao nhiêu xe, pháo của địch hư hỏng, do chạy không kịp bỏ lại.
Huyện đội tiếp, sau đó  bố trí chúng tôi ở trong một trường học đang bỏ không cũng gần cơ quan huyện đội. Đêm đầu tiên, nằm ở trường học cửa chính,cửa sổ chẳng có, trống tuềnh trống toàng, gió se lạnh, chẳng ai ngủ được, bất ngờ nghe tiếng nổ chát  chúa gần. Chưa biết chuyện gì, cử người nghe ngóng, liên lại với huyện đội mới biết có kẻ nào đó ném lựu đạn vào sân của Huyện đội, nhưng không ai bị thương vong. Huyện đội nói: Bọn chúng là tàn quân Funro còn sót quấy phá… Đêm hôm sau, đang nằm, có lẽ cũng quá nửa về đêm rồi, vẫn chưa ngủ yên giấc, có tiếng “Bùng… bập…bùng ” đều đều lặp đi lặp lại to dần đều…Ban chỉ huy lập tức báo động sẵn sàng chiến đấu. Phòng thủ tại chỗ, súng lên đạn chĩa ra phía ngoài khi có lệnh là bắn. Thế rồi, đêm cũng qua, chẳng có cuộc “tấn công” nào. Sáng ra chúng tôi cử người tìm hiểu chuyện gì đã xẩy ra… Hóa ra chỉ là ở buôn gần có người chết,cả bản làm cuộc tế lễ theo phong tục địa phương, đến tận nơi, chúng tôi chứng kiến một đám tang còn đang cúng tế dở dang, họ còn mời chúng tôi dự tiệc mặn ngay tại khu mồ của người mới chết để chia tay. Chúng tôi hơi rờn rợn nhưng không tiện từ chối.
Tại Cheo Reo,chúng mới thực sự có công việc để làm. Chia thành hai tổ: Xe do tôi phụ trách, Pháo do anh Hào phụ trách hàng ngày đi làm. Tổ chỉ huy và hậu cần ở tại chỗ làm công việc phục ăn uống và trông nom người ốm mệt. Đối tượng công việc của chúng tôi ở đây chủ yếu là trang thiết bị cho quân đội Ngụy, do Mỹ do Mỹ cung cấp ( xe Zeep- Dooge- Camnhong, xe M113…; pháo 105- pháo tự hành 175…).
Tại đây công tác sửa chữa và thu hồi không được nhiều, nhưng mỗi tổ đều có một kỉ niệm vui khác nhau. Trong những khẩu pháo 105 mà tổ pháo sửa bàn giao cho Tổng cục Kĩ thuật của quân đội, trước khi trang bị cho đơn vị chiến đấu phải bắn thử  (nghiệm thu) bằng đạn thật, chọn địa điểm mục tiêu hướng bắn vào một giải núi…Có thông báo cho dân để đảm bảo an toàn cho người. Khi bắn đến loạt đạn thứ ba thì trinh sát phát hiện có một vật ( như cờ mầu trắng) dơ lên cao, phất đi phất lại làm tín hiệu đầu hàng. Chỉ huy bắn thử báo cáo lên cấp trên, cấp trên lập tức tổ chức một bộ phận trang bị vũ khí đầy đủ sẵn sàng chiến đấu tiếp cận khu vực có lá cờ trắng … Hóa ra cờ xin hàng của một tiểu đoàn quân Ngụy, không kịp chạy thóat trong quá trình truy quét của bộ đội ta, đã co cụm và lấy hang của núi làm nơi trú ẩn. Tên tiểu đoàn trưởng khai: Pháo  của các ông bắn dữ dội quá, đạn nổ ở cửa hang, ở trong hang chúng tôi rất hoang mang…đến loạt thứ ba thì lộng óc quá không chịu nổi chúng tôi bàn nhau ra hàng…? Thử súng…thu được một tiểu đoàn tù binh.? Hay thật!
 Tổ xe thành tích ít hơn, ngoài những xe bàn giao, đoàn còn sửa nhẹ, được 2 chiếc xe Zeep lùn làm chiến lợi phẩm trang bị ngay cho đoàn thêm phương tiện cơ động. (Tôi trực tiếp xử dụng và tự lái một chiếc cho đến ngày tới Sài Gòn mới bàn giao cho người khác).Trong quá trình làm việc tại đó, gắn liền với dọc bờ sông Ba, điểm chính là gần đầu cầu( quên mất tên gọi của cầu), phía đầu đường số 7 từ Cheo Reo đi Nha Trang. Con đường “chết” của địch trong chiến dịch Tây Nguyên mà chỉ huy của ta đã đưa quân địch vào “ cái bẫy” cài sẵn lùa chúng làm theo đúng ý định của quân ta.

                                                                     Xe địch tháo chạy trên đường số 7. Ảnh tư liệu 

Trong khi địch dồn tàn quân, kể cả các công sở hành chính cuả Ngụy quyền có cả dân sự theo chính quyền Thiệu tranh, giết nhau dành đường để chạy…ta phá sập đổ cầu. Nháo nhào xe và người lao xuống sông, xe chồng lên xe, người chồng lên người không đếm được bao nhiêu lớp, bao nhiều xe, bao nhiêu người đè lên nhau chết tại đây…Có mấy xe bọc thép M113, trông còn khá mới, định thu hồi, nhưng khi mở cửa xe tôi thấy hai người chết, trong đó một lính và một người đàn bà mặc thường phục. Xác chết đã sông mùi, thế là bỏ luôn... Tôi cần một chiếc lốp xe Zeep lùn làm dự phòng, đi tìm, thấy dưới một đoạn suối to cách đầu cầu không xa, nước chảy mạnh có mộ chíếc xe Zeep cao đâm đầu xuống trên xe có người chết nhưng tôi quyết tâm xuống tháo lấy một bánh xe phía sau lên để tháo lấy lốp. Khi tháo xong ốc giữ, lôi bánh xe ra khỏi trục xe, kéo theo một chiếc quần dài đen có cả lòng ruột người chết kéo lên  theo, anh em sợ , kêu tôi bỏ đi, nhưng tôi vẫn mang lên. Lên tới bờ xem kĩ mới phát hiện cỡ bánh và lốp xe Zeep cao không lắp lẫn được với xe Zeep lùn. Thế là công toi, bữa cơm tối hôm đó, nghĩ đến hình ảnh mới gặp, không ăn được cơm.
Một kỉ niệm không thể nào quên khác với tổ xe của chúng tôi : Đoàn thiếu thực phẩm nhất là rau xanh, quả, củ… Đang sống bên bờ sông Ba, với bao nhiêu hình ảnh đẹp qua câu hát “ Cô gái sông Ba đầu búi tóc son, tay vót chông miệng hát không nghỉ…”,  Tuy chưa gặp được hình ảnh đó, nhưng vẫn mong có một ngày…Tôi dẫn một tốp mang muối đi đổi lấy rau, quả gì đó về cho anh em cải thiện bữa ăn. Qua bên kia sông,vào một bản, nhà thưa thớt, vắng tanh. Mãi mới thấy có một nhà có người đàn bà còn trẻ,ló đầu qua cửa bên của một nhà sàn nói tiếng kinh không “sõi”. Sau khi biết chúng tôi cần gì, chị ta chỉ ra vườn đằng sau nhà nói: Chúng mày muốn ăn bao nhiêu thì ăn, tao cho đấy. Ra xem vườn chúng tôi đều ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn là cây đu đủ, quá nhiều quả chín rụng dưới gốc cây, có quả đã thối nát,trên thân cây cũng rất nhiều quả, mà không thấy có vết hái hay cắt… Tôi quay lại hỏi, chị giải thích, ở đấy họ không ăn quả, mà chỉ dùng lá và thân cây thôi, chúng mày thích thì cứ ăn. Thật bất ngờ, ở Hà Nội mua một quả đu đủ chín cây đâu có dễ và cũng không ít tiền.
Được ăn thoải mái quả chín và hái quả xanh cho vào bao tải dứa mang về làm rau ăn. Chúng tôi đưa muối tặng lại chủ nhà,chị nhất định không lấy. Chị giải thích: Nếu lấy muối của Việt cộng, đêm chồng nó về biết chuyện nó giết đấy. Tôi hỏi thêm: chồng chị làm gì mà tối mới về và sao ghét Việt cộng thế . Chị ta nói : Nó theo Funro, nó bắt mình đi vào rừng theo Funro, mình không đi, nó bảo nếu không đi nó sẽ cầm hai chân đứa con gái xé ra làm đôi mỗi người một nửa cho mà ở nhà. Nên bây giờ ban ngày theo Funro vào rừng đêm về nhà đấy. Mình buồn lắm. Chúng tôi giải thích : chị bảo anh ấy về sống với vợ con đàng hoàng, cách mạng hoan nghênh, cách mạng không trả thù như bọn nó tuyên truyền đâu…
Mấy ngày sau, chúng tôi về lại Ban Mê Thuật và đóng quân ở trong khu vực kho Mai Hắc Đế của Ngụy ngày trước. Cũng tại đây, chúng tôi được điện gọi về Bắc nhận nhiệm vụ khác. Hai ngày chuẩn bị mọi mặt, dự kiến 13/4 hành quân về Bắc…
                                                                                      (Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét