Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015


Hậu Viết lại…
          ( tiếp theo)

Chuyện thứ tư: Hành động mang tên “Công thần”
         
          Tiêu đề chuyện này coi như lời Tự kiểm điểm, phê phán hành động của tôi đã làm, tuy có muộn khi viết lại trên giấy như thế này. Dù sao thì cũng thanh thản khi dám nhắc, tự đánh giá “ Hành động mang tên Công Thần” này.( Tôi đã dặn cậu Hào đừng kể cho ai biết, dấu không cho đơn vị biết ).
           Chỉ sau ngày giải phóng, một buổi sáng nghỉ không đi xa, tôi rủ Hào đi vào phố, ý định là sang khu người Hoa ở ( Quận 5), tôi trực tiếp lái xe và chỉ một mình Hào đi thôi.
          Xe của chúng tôi đang chạy trên đường Hai Bà Tưng, tự nhiên có một người đứng tuổi, xuống đường đứng giơ tay chặn xe lại. Tôi nhắc Hào chuẩn bị sẵn sàng đối phó, còn tôi cho xe chậm lại, và dừng giữa đường. Người đàn ông vội vàng đến bên cạnh xe phía người lái. Tôi vẫn ngồi nguyên, giữ tay lái và sẵn sàng, hỏi: Ông cần gì? “Thưa ông?” Người đàn ông trả lời, nhưng hình như còn chưa biết bắt đầu bằng câu gì…sau nói ngay: “Tôi cần tấm hình Bác Hồ”.
Tôi nói nhanh: Xin lỗi đang đi công tác trên đường nên chúng tôi không mang theo hình Bác Hồ được.
Người đàn ông như hiểu ra sự diễn tả chưa đúng với mong muốn của mình, làm người nghe chưa hiểu, nên vội vàng nói lại : Dạ, ý tôi là muốn đồng tiền có hình cụ Hồ, các ông có, xin cho tôi đổi tờ tiền ấy.
Thế ông đổi bằng gì? Tôi hỏi.
Dạ, bằng tiền! Ông ta trả lời rất nhanh.
Tôi quay sang hỏi Hào: Thế nào? Hào bảo : Ông thử xem có mang theo tờ tiền nào có hình bác Hồ không?
Tôi lấy ví xem, trong ví có 3 tờ tiền có hình Bác Hồ mầu xanh lá cây nhạt ( bây giờ cũng không nhớ được là đồng tiền có giá 50 đồng hay 5 nghìn đồng nữa). Tôi lấy một tờ còn khá mới, giơ ra trước mặt người kia nói  đùa hơi “khoác lác”: Tờ xanh này có giá trị như đồng đô la xanh của Mỹ đấy, anh trả chúng tôi bao nhiêu?
Người đàn ông trả lời ngay: Tôi xin trả các ông đồng tiền trị giá 50 nghìn ạ.
Cũng chẳng biết so sánh giá trị hai loại tiền thế nào, nhưng chúng tôi đồng ý ngay. Người đàn ông nhận tiền , ngắm hình cụ Hồ rồi cảm ơn chúng tôi xong, chạy đi khoe với người khác ngay trước mắt chúng tôi.
          Chúng tôi tiếp tục đi, Hào bảo: Ông làm gì với đồng tiền ấy bây giờ? Mình cứ đi đến khu vực người Tầu ở như dự định, tìm cái cửa hàng ( gọi theo thói quen ở Miền Bắc) nào sang sang ta thử tiêu tiền ấy xem sao. Hào đồng ý.
          Sang tới khu người Hoa sinh sống và buôn bán, của hàng nào cũng to, cửa toàn là kính, tôi chủ động đỗ xe ngay của hàng bán quần áo may sẵn.( na ná như một siêu thị nhỏ bây giờ). Hai chúng tôi bước vào cửa hàng, điều đầu tiên nhận được là thái độ cung kính mời chào của nhà chủ. Nhìn các áo đủ kiểu, đủ màu từng cái được bọc trong túi bóng kính có lót các-tông mỏng bên trong áo dựng chếch la liệt trên từng ngăn tủ kính xung quanh tường nhà hàng, lần đầu tiên trong đời tôi mới được thấy nó. Tôi nói nhỏ với Hào: “Tớ thích cái áo trắng có sọc thưa óng ánh kia”. Hào bảo: “Thích thì cứ xem thử đi”. Tôi chỉ cái áo và nói  nhà chủ cho xem. Người bán, cầm chiếc áo bằng hai tay, hơi cúi đầu: xin mời ông ạ! Tôi xem xong, quyết định mua ngay, tôi hỏi Hào có mua không, với thái độ dửng dưng Hào bảo: “Tôi có mấy cái như thế này, thằng em học ở Dân chủ Đức gửi về cho, ông mua đi”.
          Hỏi giá tiền chiếc áo. Chủ trả lời:Dạ, ba mươi lăm nghìn đồng ạ! Tôi thì bất ngờ! Hào rỉ tai:  không bằng công may một áo ngoài Hà Nội. Tôi trả tiền, chủ nhà lấy một túi xách khác bỏ túi bóng bọc chiếc áo vào  đưa cho tôi, còn không quên cảm ơn trước khi chúng tôi ra khỏi cửa hàng.
          Ngồi tại xe, chúng tôi chạy vòng quanh một số đường phố thăm quan là chính, tôi nói với Hào: “Hôm nay thế là lời to rồi. Ba mươi tám năm nay lần đầu tiên tôi mới có cái áo trắng này đấy. Từ ngày vào lính, đến nay chưa bao giờ tôi có và mặc quần áo thường phục kể cả những ngày lễ, tết. Chỉ toàn quần áo bộ đội, sang nhất là chiếc áo “bay” và cái quần dạ của Nga”. Tôi chủ động đề xuất, bây giờ trên đường về đi theo đường Xa lộ Biên Hòa, qua Quân Cảng, rẽ Thủ Đức, xem có hàng phở nào mỗi thằng làm một tô nhé, còn mười bẩy nghìn nữa , ăn mệt chẳng hết.
          Xa lộ Biên Hòa, có chiều ngang rất rộng, phân luồng 2 chiều. Tính từ Sài Gòn bên phải là chiều đi, bên trái là chiều từ hướng Biên Hòa-Vũng Tàu về, ngăn cách bởi một hàng bê tông cứng, cao khoảng 1,2 mét.
Tôi cho xe chạy tốc độ vừa phải, đang bon bon trên đường, nghe có tiếng còi xin vượt, ngó lại sau tôi thấy một xe chở khách cao to đang chạy cùng chiều  xin vượt. Ước lượng nhanh, nếu tính từ mặt đường lên, chiếc xe đó có thể cao gấp 3lần chiều cao xe của chúng tôi. Về luật, chỉ khi thấy an toàn cho mình và cho xe bạn thì mới được cho vượt. Điều kiện ấy chưa có, tôi vẫn chạy bình thường, phía sau họ cứ còi xin vượt liên tục… phía trước có một vũng nước dài ( có lẽ đến 150m), chiếm gần hết mặt đường,chưa biết nông sâu như thế nào, tôi điều khiển xe đi dẹp về phía bên phải vũng nước mới được mấy mét thì chiêc xe sau tăng ga với tốc độ nhanh bất ngờ chạy bên trái, bánh xe của họ rẽ nước hắt mạnh phủ lên xe của chúng tôi. Tôi có cảm giác như một khối nước đổ sập vào người và xe. Từ nóc xe, đến người tôi đều bị ướt, trong xe cũng có nước, cậu Hào ngồi phía bên phải cũng bị nước bắn vào người. Lấy một tay vuốt nước trên mặt, tôi vô cùng tức tối, bảo Hào ngồi cẩn thận, rồi tăng ga, phóng đuổi theo, hết vũng nước dài, đường dễ đi hơn, tôi chạy nhanh hơn nữa, đuổi kịp và vượt lên trước mặt xe kia, chặn xe lại. Khi xe vừa đỗ, tôi nhảy xuống xe, (đã nghe thấy tiếng nói của hành khách trên xe : “Xin lỗi người ta đi”, chắc họ nói với tài xế của xe), tôi nhảy đứng một chân lên giải phân cách , một chân tựa vào cửa xe, thò tay túm cổ áo người lái xe khách : Anh mở mắt ra nhìn xem, anh cố tình chơi tôi thế này phải không? Người lái xe kia tỏ ra hơi sợ( vì chúng tôi mang quân phục giải phóng, cả súng bên người), lúng búng chưa rõ lời. Một số người trong xe khách đều : “Thôi, xin lỗi ông ấy đi. Khổ, nước bẩn làm ướt từ đấu đến quần áo thế kia”… Lúc này cậu Hào cũng đến gần tôi : “Thôi ông ơi, bỏ qua cho người ta lần này”. Tôi buông cổ áo anh lái xe kia ra , anh ta xin lỗi xong, tôi chỉ mặt anh ta nói: “Tôi nói cho anh biết, thời Ngụy qua rồi, làm ăn bây giờ phải tử tế, cứ như vừa rồi là không có đạo đức, hiểu chưa!” Tôi cũng không quên xin lỗi bà con đi trên xe, đã làm mất thời gian của mọi người.
Tôi và Hào cùng về xe mình, và đi tiếp. Trên đường về, Hào bảo tôi: “Hôm nay ông hung quá đấy”. Thoáng trong đầu tôi thấy đồng đội nhắc khéo mình đây. Sự việc xẩy ra bất ngờ, không hay tí nào, nên hết hứng…Hào bảo: Thôi về nhà luôn, không ăn uống gì nữa.
Sau bữa cơm chiều, nghỉ ngơi một lúc, bước vào sinh hoạt nhẹ thường nhật  (sau ngày giải phóng, quân đội có qui định : Hàng ngày phải đọc hai thông tri, một của Ban bí thư TW Đảng, hai là thông tri của Bộ Tổng tham mưu cả hai đều có những qui định chấp hành kỉ luật, chính sách phải nghiêm chỉnh thực hiện trong vùng mới được giải phóng. Nhất là chính sách dân vận). Tối hôm đó tôi không hề báo cáo với tổ chức việc xẩy ra với tôi buổi sáng. Hào cũng không nói gì.
Đi ngủ, nằm cạnh nhau trên chiếc phản nhà Má Hai Bông Lài, Hào cũng không nói gì về chuyến ấy, còn tôi, trằn trọc chẳng ngủ được, tự nói nhỏ: Đúng là hành động mang tên Công thần.


(Vẫn còn nhiều chuyện muốn kể, nhưng xin tạm dừng tai đây, mong gặp lại nhau sau. Tạm biệt!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét