Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

NGUỒN : FB
Nguyen Vu Tiem đã thêm 2 ảnh mới.
A/ MỘT THÁI ĐỘ SỐNG KHI SỐNG: Bình thơ Hoa Níp in trên báo Văn Nghệ số đặc biệt chào mừng Hội nghị Viết văn trẻ (số 39/2016).
B/ MỘT THÁI ĐỘ SỐNG KHI… CHẾT: Chuyện có thật 100% do bố nhà thơ Hoa Níp kể.
A/
ÚP MẶT VÀO TƯỜNG
Úp mặt vào tường tôi nhìn thấy
Khung cảnh bình yên của bức tường
Đâu như loài người sau lưng vâỵ
Chiến tranh, khủng bố nhuốm đau thương.
Úp mặt vào tường tôi nhìn thấy
Đàn kiến trăm con đi một hàng
Đâu như loài người sau lưng vậy
Bon chen giành giật phá tan hoang.
Úp mặt vào tường tôi nhìn thấy
Mọi thứ ở sau một kiếp người
Công danh, quyền lực nhiều cách mấy
Cuối cùng cũng bỏ lại sau lưng.
Úp mặt vào tường tôi nhìn thấy…
2007
HOA NÍP
Lời bình của NGUYỄN VŨ TIỀM
Để nhìn ra thế giới, mỗi người có lăng kính riêng, người nhìn thẳng, trực diện, người nheo mắt, người nhìn ở nhiều góc độ khác nhau… nhưng có lẽ không ai chọn lối úp mặt vào tường như cái anh nhà thơ này. Anh là ai mà lạ thế? Xin thưa, đó là nhà thơ trẻ Hoa Níp (1985-2016). Anh tên thật là Trần Quang Minh Giang, từng học ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Khoa học xã hội & Nhân Văn, ĐH Kiến Trúc TP HCM và Trường Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, là đại biểu dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2011. Anh mới mất vì tai nạn giao thông ở Vũng Tàu.
Nội dung bài thơ gói gọn trong ba khổ nhưng có tới bốn câu “Úp mặt vào tường tôi nhìn thấy” để khắc họa tư thế độc đáo và thái độ nhìn thế giới của riêng anh. Không phải anh không muốn nhìn như mọi người mà kỳ thực anh đã nhìn rất nhiều: nhìn trực diện, nhìn bằng nhiều lăng kính, nhiều góc độ (bởi khi viết bài thơ, năm 2007, tuy mới 22 tuổi nhưng anh đã có quyết tâm sẽ học qua nhiều trường đại học và anh đã thực hiện đúng như thế). Chắc anh đã từng chứng kiến cuộc đời với quá nhiều những xô bồ bát nháo tùm lum, có quá nhiều cái nhiễu: nhiễu sóng, nhiễu hình, nhiễu sự, nhiễu nhương, quấy nhiễu… Và bây giờ, để cảm xúc thơ được tập trung, anh cần chọn một cách nhìn mới không lẫn với ai khác. Thông thường “úp mặt vào tường” thì chỉ nhìn thấy bức tường mà thôi, cố gắng nữa thì vẫn chỉ chạm đến cái chân tường là cùng. Chấm hết. Nhưng con mắt của nhà thơ khác lắm, ở đây anh nhìn vào ký ức, vào kỷ niệm qua bộ lọc tâm tưởng, tư duy.
 Tôi lo là cách nhìn ấy dễ rơi vào siêu thực, thoát ly hiện thực đời sống chăng, nhưng không, nhìn gần, anh thấy hình ảnh thân thuộc:
“Khung cảnh bình yên của bức tường”.
“Bình yên” chứ không phải “yên lặng hay yên vị”, tức là bức tường ấy không khô cứng mà có hồn, ta thường nói: “cuộc sống bình yên”, đó là niềm mơ ước của tất cả con người sống trên mặt đất này. Nhìn như thế, anh đã gặp được sự đồng cảm quý báu của một vật tưởng là vô tri, mà thực ra bức tường cũng có đời sống riêng của nó, nó gợi cho anh thấy nhiều thứ, đặc biệt là vượt qua vô vàn những hiện tượng xô bồ để rồi hiện ra rất rõ về bản chất:
“Đâu như loài người sau lưng vậy
Chiến tranh, khủng bố nhuốm đau thương”
Từ “khung cảnh bình yên của bức tường”, nhà thơ dẫn sang lĩnh vực đời sống của loài người với những tương phản đầy bức xúc đó là những thảm cảnh thịt nát xương tan đang diễn ra ở nhiều châu lục, là mối đe dọa không chừa một ai.
Trong khổ thơ thứ hai, anh nhìn thấy:
“Đàn kiến trăm con đi một hàng”
Vẫn là hình ảnh hiện hữu gần gũi trên bề mặt bức tường thôi, nhưng đàn kiến ấy gợi lên điều gì?
“Đâu như loài người sau lưng vậy
Bon chen, giành giật, phá tan hoang”
Thì ra loài người còn tội nghiệp đáng thương hơn đàn kiến cần mẫn xếp hàng một kia. Tai họa dội xuống họ không phải từ đâu đó mà là tự mình gây ra, “ta hành ta mà cứ nói mê ta”, chuyện ấy nó cũng tàn phá ghê gớm lắm, “tan hoang” cả vật chất lẫn tinh thần, làm cho đời sống ngày một tồi tệ thê thảm.
Khổ thơ thứ ba:
“Úp mặt vào tường tôi nhìn thấy
Mọi thứ ở sau một kiếp người”.
Thoắt cái, anh đã nhìn sang lĩnh vực sống chết, vòng luân hồi, cõi âm cõi dương. Từ đây nhìn trở lại, anh thấy:
Công danh, quyền lực nhiều cách mấy
Cuối cùng cũng bỏ lại sau lưng.
Mới đọc bài thơ tưởng như tác giả là người cao niên từng trải nhưng đó là của cậu sinh viên 22 tuổi chưa hề nếm trải “công danh quyền lực” gì. Nhà thơ trẻ Hoa Níp đã sớm nhận ra đó là nguyên nhân của rất nhiều thảm cảnh ở mọi thời đại, điều mà ai cũng dễ nhận ra nhưng vẫn cứ lao vào như thiêu thân lao vào lửa.
Hoa Níp không hề phô diễn kỹ thuật tân kỳ mà bằng ngôn ngữ thông thường, hình tượng ẩn dụ sâu sắc, anh nêu lên hiện thực hiển nhiên như lời cảnh báo. Hóa ra “úp mặt vào tường” không chỉ nhìn thấy vài cái lặt vặt ở ngay bức tường ấy mà nhìn thấy nhiều thứ quá. Khổ thứ ba tưởng đã kết thúc bài, nhưng nhà thơ vẫn xuống dòng viết:
“Úp mặt vào tường tôi nhìn thấy…”
Tức là anh còn nhìn thấy nhiều thứ khác lạ vân vân… nữa nhưng không tiện nói ra.
Ý này nếu diễn đạt bằng văn xuôi thì phải rất dài dòng và dễ thành ngô nghê nhưng vào tay nhà thơ trẻ này thì trở nên lung linh kỳ ảo và rất thuyết phục. Mới hay thơ có phép lạ riêng, xin đừng coi thường nó.
Bài thơ ngắn, vừa phổ quát trên diện rộng, vừa khái quát ở tầm cao là một thành công rất đáng ghi nhận của nhà thơ trẻ sớm từ giã cõi đời chỉ hưởng dương có 31 tuổi.
B/ MỘT THÁI ĐỘ SỐNG KHI… CHẾT:
Chuyện này do chính bố nhà thơ trẻ Hoa Níp kể trong Hội nghị tổng kết Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cuối năm 2016.
Khi xây mộ cho nhà thơ trẻ Hoa Níp, gia đình bạn bè mua đôi nghê đá lớn rất đẹp gắn vào đó, gắn rất kỹ. Một thời gian sau có một toán trộm nhằm đêm tối đến lây đi bán. Cả toán trộm đã rất vất vả đục lớp keo, xi măng gắn dưới chân đế. Đôi nghê đá đã rời ra, nhưng khi cả toán trộm chung sức khiêng thì anh nào cũng chân tay bủn rủn không thể nhúc nhích. Nhiều lần họ hè nhau cố gắng rời đôi nghê đều không kết quả. Trời sáng, họ đành bỏ cuộc.
Đây là một thái độ sống khi anh đã chết: ngăn chặn một vụ làm ăn phi pháp vốn đầy rẫy trong xã hội hiện nay.
Ảnh: Bố nhà thơ Hoa Níp và tác giả NVT. Hai tác phẩm mới XB của cố nhà thơ trẻ Hoa Níp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét