Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017


 

Vẻ đẹp của đất nước,con người trong thơ xuân

        Vẻ đẹp của đất nước,con người trong thơ xuân
Mùa xuân luôn là đề tài hấp dẫn thi nhân mọi thế hệ. Nhiều bài thơ hay về mùa xuân hiển hiện chân thực hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.
         Mùa khởi đầu của một năm, thơ hình như cũng mang khí chất của đất trời, ẩn chứa tình yêu và hy vọng của con người, của dân tộc. Có hàng nghìn bài thơ xuân của hàng trăm tác giả, tính từ thời Lý cho đến nay; mỗi tác phẩm mang một nét đẹp riêng; lưu giữ tinh tế tâm hồn, khí phách của con người Việt Nam. Trước hết, không thể không nhắc tới bài thơ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác thời Lý. Dù đã ra đời hơn một thiên niên kỷ, bây giờ đọc lại vẫn lĩnh hội được tinh thần lạc quan không bao giờ cũ. Đó là cách nhìn minh triết về sự sống: Xuân qua, trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa tươi/ Trước mắt việc đi mãi,/ Trên đầu, già đến rồi/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,/ Đêm qua sân trước một cành mai (bản dịch Ngô Tất Tố). Xuân qua, xuân tới, hoa rụng, hoa tươi là vòng luân hồi của tự nhiên. Trăm hoa tươi sẽ thay thế cho trăm hoa rụng. Thế hệ mới sẽ gánh vác phần việc thế hệ cũ để lại. Như thiên nhiên, lịch sử loài người là hành trình tiếp nối của các thế hệ. Ai cũng muốn giữ được cốt cách mai cũng như phẩm giá người theo nghĩa đẹp đẽ, tinh túy nhất. Đức vua Trần Nhân Tông, sau này là một trong ba người sáng lập ra Trúc Lâm thiền phái, đã có bài thơ Lên núi Bảo Đài dào dạt cảm xúc và hình tượng đẹp về giang sơn, con người giữa ngày xuân: Đất vắng, Đài thêm cổ, / Ngày qua xuân chửa nồng. / Gần xa, mây núi ngất, /Nắng rợp, ngõ hoa thông. / Muôn việc nước trôi nước, / Trăm năm lòng nhủ lòng. / Tựa lan, nâng sáo ngọc, / Đầy ngực ánh trăng trong.
         Thơ cổ điển có không ít câu thơ, bài thơ hay viết về mùa xuân đất nước. Có thể kể đến bài thơ Bến đò xuân đầu trại của Nguyễn Trãi. Cảnh xuân tĩnh mịch, khuất vắng đồng quyện với lòng người thanh tao, ẩn lánh. Phảng phất nỗi buồn nhân thế trong ánh hoa, khói cỏ, tiếng mưa và cả con đường ra bến nước thưa thớt khách qua cùng con đò nhàn tản bên sông. Cũng nặng lòng yêu giang sơn, con người đấy nhưng tâm thế thi ca không hoàn toàn giống với nhà vua thi nhân Lê Thánh Tông sau này: Đường vắng chân người rêu biếc phủ, / Xuân nhiều mưa núi ngấn xanh dày. / Lên cao tầm mắt nhìn càng rộng, / Muôn dặm mênh mông cỏ lẫn cây (Lên núi Long Đội đề sau bia báu tháp Sùng Thiện Diên Linh). 
                         Lịch sử lật qua những trang mới, đất nước có những giai đoạn thăng trầm, nhưng lạ thay các bài thơ xuân hay vẫn vẽ phác lên được những nét đẹp của non sông, con người. Đó là bài thơ chữ Hán Xuân thiên (Trời mùa xuân) của Nguyễn Bỉnh Khiêm:  mùa xuân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Cỏ non xanh tận chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa… Hay các vần thơ xuân trữ tình của những nhà thơ tiền chiến như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Vũ Đình Liên, Huy Cận...
        Có một dòng thơ cách mạng và kháng chiến mang sức sống mạnh mẽ của mùa xuân theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mùa xuân được coi là biểu tượng của tương lai đất nước như cách nghĩ của nhà cách mạng, nhà thơ Phan Bội Châu: Đạp toang hai cánh càn khôn, / Đem xuân về lại trong non nước nhà (Chơi xuân). Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài chín năm đầy gian lao của dân tộc ta để lại những thi phẩm hay như Đèo Cả của Hữu Loan; Tình sông núi của Trần Mai Ninh; Nhớ của Hồng Nguyên; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Việt Bắc của Tố Hữu và đặc biệt hai bài Nguyên tiêu, Cảnh khuya của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói tới thơ xuân, hẳn chúng ta không quên những bài chúc Tết của Bác. Mỗi bài thơ gắn liền tình hình, nhiệm vụ của một năm; vừa chúc mừng vừa kêu gọi đồng bào, chiến sĩ tiến lên làm tròn nhiệm vụ của mình. Thơ chúc Tết của Bác giản dị, dễ hiểu và tràn ngập lòng lạc quan cách mạng: Bao giờ kháng chiến thành công / Chúng ta cùng uống một chung rượu đào / Tết này ta tạm xa nhau / Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy (Thơ chúc Tết Bính Tuất 1946); Năm qua thắng lợi vẻ vang, / Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. / Vì độc lập, vì tự do, / Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. / Tiến lên ! Chiến sĩ, đồng bào, / Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn! (Thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969). Những bài thơ xuân của Tố Hữu cũng tạo nhiều dấu ấn sâu sắc về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong kháng chiến và hòa bình. 
         Từ: Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt / Nắng soi sương giọt long lanh…/ Rét nhiều nên ấm nắng hanh / Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng? / Giá từ năm cũ bâng khuâng /Đã nghe Xuân mới lâng lâng lạ thường! (Bài ca mùa xuân 1961); đến: Mở tờ lịch mới hôm nay / Biết là xuân đến cầm tay lên đường /
            Rộn ràng thay, cảnh quê hương / Nửa công trường, nửa chiến tranh, xôn xao… (Tiếng hát sang xuân) ; và:  Xuân hãy xem! Cuộc diễu binh hùng vĩ / 31 triệu nhân dân / Tất cả hành quân / Tất cả  thành chiến … (Chào xuân 67).

                 Mùa xuân luôn là mùa khởi động cho một năm cần cù, sáng tạo và hy vọng của dân tộc. Ký ức của những mùa xuân chiến đấu và sản xuất vẫn còn được lưu giữ trong thơ: Mùa Xuân người cầm súng / Lộc dắt đầy bên lưng / Mùa Xuân người ra đồng /Lộc trải dài nương mạ… (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải). Và hôm nay, vẻ đẹp của mùa xuân đất nước Việt Nam hiện lên trong thơ rất gần gũi, thân thương. Từ hình ảnh của những người lính ở Trường Sa : Quây thử thách làm một căn hộ thép / bốn bề chật chội tuổi thanh xuân / thở cùng nhịp biển, nghe trăng quẫy /xuân mới loi thoi, én liệng gần (Căn hộ biển của Hữu Thỉnh); đến người chiến sĩ vùng biên cương: Trong lầm lì sỏi đá Lòng ta mềm cỏ hoa / Nhớ nhà lên dốc vắng / Dõi một làn khói xa (Khúc ca vui của lính thời bình - Trần Đăng Khoa). Những yêu thương chia sẻ dịu dàng vẫn chưa hề mất trong bề bộn cuộc đời: Bông lay ơn ai tặng / Tháng giêng giấu nơi nào / Để màu hoa lửa cháy / Chập chờn trong chiêm bao (Tháng giêng - Lâm Thị Mỹ Dạ); Hễ nghe tiếng chim là thấy đời được bay / Dù giọng hót trong lồng hay quầng lá / Tạm lắng mọi sôi sục nộ cuồng / Thương từng mái nhà rêu, thân cây già trụ lại…Không riêng bầy trẻ, cõi nhân quần biết mừng tuổi nhau bằng lời chúc…(Xanh - Vi Thùy Linh)… 
       Tình yêu thương làm nên sự ấm nồng của mùa xuân. Bởi thế, thơ xuân xưa nay luôn hướng đến sự giao hòa ấm áp giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Không có hiện thực và khát vọng nào đẹp hơn thế trong những bài thơ viết về mùa xuân trên đất nước Việt Nam.
                                                               Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý( Trích Báo Nhân Dân -Lê Hùng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét