Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Trở về miền nhớ

( tiếp theo)

          Lại qua mười ngày rồi, hôm nay mới nói chuyện với em được. Em yêu ơi ! Hôm nay anh đang chuẩn bị lên đường, rời khu căn cứ này để đến một địa điểm xa hơn nữa, gần mặt trận hơn, nghe phổ biến nhiệm vụ thì cách độ sáu ngày đi đường...
          Em ạ, thời tiết ở đây mấy ngày nay tốt lắm. Nắng to, trời trong xanh, điểm những đám mây trắng lững lờ qua lại. Những đám “bông” trắng ấy bồng bềnh lơ đãng, giá mà biết được chúng từ phương nào bay đến ? Biển Đông hay từ phương Bắc ? Biết đâu nó chả đang mang theo nỗi nhớ niềm thương ai gửi cho ai...
          Hơn một tháng sống ở đây, dù đời sống có thiếu thốn, nhưng anh vẫn thấy mình béo ra, béo hơn ngày ở cơ quan. Đúng thế , một phần rất lớn là yên tâm công tác, còn phấn khởi là đằng khác. Phấn khởi vì đạt được ước vọng và tự hào mình được có mặt tại đây( nói nghiêm túc đấy ). Không tự hào sao được, trong Hội nghìn năm có một này của dân tộc, chúng ta được tham dự. Vì lòng tự trọng , vì danh dự dân tộc mà ai ai cũng tự nguyện muốn được tham gia, muốn được góp phần kể cả xương máu của mình cho vận mệnh của đất nước, cho tương lại của dân tộc.
          Em yêu, với chúng ta, có thể nói trung thực rằng: Từ lúc cất tiếng khóc chào đời của anh và của em, đất nước ta đã có Đảng- Người chỉ đường, dạy chúng ta biết sống, biết đứng dậy, biết làm người, biết tự hào, biết ước vọng...Tuy thời gian này anh chưa được tham gia một trận đánh nào, chưa hề bị một vết đạn hay mảnh bom nào, nhưng anh cũng sung sướng là đã được và đang được sống ở nơi mà các đồng chí của chúng ta đã dạy cho bọn Mỹ và tay sai những bài học trăm năm còn nhớ mãi –Mặt trận đường Chín. Nơi đây những mảnh đất, khu rừng, con đường này đã ghi lại bao nhiêu sự tích anh hùng của quân đội ta, của dân tộc ta...
          Em thương yêu, hai chữ “chiến trường” đã lôi cuốn anh từ khi nhập ngũ. Nó say mê và quyến rũ anh ngay từ lúc anh viết vào đời mình hai câu thơ: Đã đến đây rồi, em ơi xuân Bính Ngọ/ Tạm biệt Giao Thông anh bước vào quân ngũ.
          Nói như vậy em đừng vội trách anh phải chăng, nếu không được vào chiến trường thì không tự hào và yên tâm hay sao ? Không phải thế, ở đây anh muốn nói với em về ước mơ của tuổi trẻ, về lòng tự hào chung của lứa tuổi thanh xuân, của quân đội và của dân tộc ta. Anh cũng không hề nghĩ theo kiểu mấy chàng kiếm hiệp thời cổ “...há làm trai thì phải da ngựa bọc thây...” đâu. Nhưng trong điều kiện đất nước đang bị xâm lược, thì nỗi khao khát được ở tuyến đầu có lẽ là ước vọng chung của thanh niên chúng ta...Chính vì vậy, cũng nên rộng lượng một chút cho những người đã và đang có mặt ở đây.
          Em thương yêu, đúng, thú vị thật, rất tiếc anh không phải là nhà văn để ghi lại hết, để tả cho em nghe chi tiết cái thi vị, sự vĩ đại của Trường Sơn hùng vĩ, của Quảng Trị anh hùng...Giá như anh có được một chiếc máy ảnh, hoặc giả biết sáng tác âm nhạc...sẽ có những lời ca thắm tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt- Lào, viết những lời ca ngợi từng lùm cây, ngọn cỏ, đất và người của đất nước “Triệu voi” này, đã từng chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta như thế nào...Tự hào thay cho những ai đã một lần được đứng tại đây, một chân bên đông Trường Sơn- một chân bên tây Trường Sơn để nghe bài hát “ Tiếng đàn Ta-lư” của nhạc sĩ Huy Thục!
          Em, ngoài cái lớn, cái chung, cái vĩ đại của cuộc kháng chiến chỗng Mỹ ấy, anh còn sung sướng hơn là trong cuộc hành quân vào mặt trận này đã giúp anh trưởng thành thêm, tôi luyện thêm về nhận thức và thực tế.
          Những bài học bằng xương máu, sự anh dũng bất khuất , trí kiên trung, quyết tâm vượt khó, vượt khổ...thể hiện hàng ngày, muôn màu  muôn vẻ, phổ biến ở mọi nơi, mọi người.Thật vậy! Chính ở nơi này, một góc trời của tổ quốc, những con người Việt  nam, với nhiều tầng lớp khác nhau đã góp công xây nên và ghi vào sử sanh của dân tộc bao nhiêu trang, bao nhiêu tấm gương...những tên người tên núi, tên sông hễ ai nghe thấy cũng nức lòng khâm phục, kẻ thù bạt vía kinh hoàng.
          Sướng thật, tự hào khi được đặt chân lên những nơi, những mảnh đất, được uống nước, tắm mình ở những con suối, được gặp, được biết những con người mà từ xưa tới nay , ngay cả của cha ông chúng ta cũng không mơ tưởng được.. Em yêu , chính vì vậy , và còn nhiều điều khác nữa cơ...nó đã lôi cuốn, thôi thúc và khích lệ niềm phấn khởi, nỗi vui mừng của anh, động viên và thôi thúc anh hăng say trong công tác...
          Em yêu ơi, hôm nay nói nhỏ với em chuyện này( không được đẻ lộ với ai, vì đây là chuyện có liên quan đến quan hệ quốc tế, tế nhị lắm. Trong vở kịch Hăm-lét, có đoạn Sếch-Pia viết, đại ‎y ‎: Người thiếu nữ sẽ mất trinh tiết, khi để lộ mình dưới ánh trăng...thế mà, tại đây bọn anh đi tắm ở suối, cái “kho báu” của mình luôn bị “chụp ảnh” bởi các cặp mắt tinh nghịch và tò mò của các cô gái ở đây đấy . ( Một lần, hai anh người quê Vĩnh Phúc, sau khi tắm xong, đứng trên tảng đá vừa vuốt vuốt, vừa nhảy nhảy cho ráo nước trước khi mặc quần áo, có lẽ động tác ấy đã làm cho “của quí” không còn giữ được ở trạng thái bình thường nữa...và cái nín nhịn của các cô gái “rình nhìn trộm” cũng tràn bờ ( chẳng biết họ nấp ở đấy từ lúc nào)...Những tiếng cười bất thần “nổ” ra sau rặng cây ven suối, và hai khuôn mặt mang theo nụ cười nắc nẻ, với hai chiếc gùi trên lưng tiến thẳng đến gần...Quả thật tình huống diễn ra quá nhanh và rất bất ngờ, hai chàng không thể làm gì khác và cũng phản xạ rất tự nhiên và mau lẹ, chẳng ai bảo ai dùng hai tay bịt chặt lấy “ cái giống” của mình, đồng thời rất nhanh xoay lưng lại, bước vội tới đống quần áo, mặc chiếc quần đùi...Thật hoảng hồn, cũng thời điểm ấy hai cô gái bước tới sát bên, vẫn điệu cười ngặt nghẽo hồn nhiên các cô còn trêu : Ôi, của cái bộ đội to hung, “của” chồng mình chỉ bằng thế này thôi...Miệng nói tay giơ ngón cái ra hiệu, thế là cả bốn người đều cười...)
          Em thương yêu! Anh đang chuẩn bị lên đường tới đơn vị khác, anh em đang làm bún với thịt gà cho anh ăn đấy.( quá sang và rất đặc biệt em ạ, bún anh em tự làm bằng cách lấy mũ sắt làm cối giã gạo, ngâm trong nước, lắng, lọc...đục lỗ ống bơ làm khuôn ép thành sợi bún. Mang quần đùi và áo lót vào bản đổi cho đồng bào lấy gà về thịt ). Từ hôm vào đây anh đã được ăn đủ các loại thịt : Hươu, nai, kỳ đà, gà rừng, khỉ, vượn, chim cu...rau sắn, bí xanh, rau tàu bay, rau rớn, rau đay, củ chuối, rau lang, dọc mùng, hoa chuối rừng...và nhiều thứ khác nữa.
          Anh vẫn từng ngày đánh dấu vào trang lịch bỏ túi của mình như chuyện nàng Na-Ta-Sa (ở Liên Xô) dã từng ngày gạch nét chì lên tờ lịch treo trên tường( trong những năm tháng chiến tranh vệ quốc) đợi chờ Ni-Cô-Lai ngoài mặt trận trở về...Cái sự thật ấy đã là linh hồn cho bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Xi-Mô-Nốp : “ Đợi anh về”.
          Em ơi, trong nỗi nhớ, nó mang theo con mắt, nụ cười, làn môi, dáng đứng...như ở bên mình, lắng đọng và sâu kín, nó động viên thôi thúc, nó lớn dần trong niềm thương nỗi nhớ, trong năm tháng đợi chờ...
          Gửi về trái tim tổ quốc cả lòng mong nhớ và sự đợi chờ. Nhiệm vụ còn đang ở phía trước. Hôn em !

                                                                   19/9
                                                              ( còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét