Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Giao mùa trong thơ Đặng Cương Lăng




Bùi Việt Thắng
Thứ tư ngày 4 tháng 12 năm 2013 8:39 PM

    Trong bài viết Đất không giấu mặt (in trên báo Hà Nội Mới cuối tuần cách đây chưa lâu) về tập thơ Đất làng (Nxb Hội nhà văn, 2012) của Đặng Cương Lăng, tôi đã nhấn mạnh một ý: người làm thơ như người chơi diều, vẫn mong mỏi diều bay cao, xa nhưng cái dây diều thì vẫn níu lấy mặt đất. Nói cách khác, Đặng Cương Lăng kể cả lúc cao trào thì vẫn ý thức được, tiết chế được cảm xúc của mình để cho không trở nên bồng bột, nhiễu loạn, mất phương hướng. Có người phản biện lại, cho rằng, nói như tôi thì hóa ra nhà thơ lúc nào cũng phải “tính toán”?! Thật ra, tôi chỉ muốn nói về sự trầm tĩnh đáng quý trong thơ Đặng Cương Lăng. Mà quả thật thì Người Thơ Đặng Cương Lăng cũng đã qua cái thời bồng bột say mê, qua cái buổi chuệnh choạng kiêu hãnh của một trang thanh niên mới lớn.
    Tập thơ mới của Đặng Cương Lăng có cái nhan đề rất ấn tượng - Mùa thiêng. Tôi chợt tạt ngang liên hệ với tập thơ Lửa thiêng của nhà thơ Huy Cận xuất bản năm 1940. Riêng với Đặng cương Lăng, trong tập thơ mới này, tôi nhận biết thêm một kiểu cảm xúc mới của anh- “giao cảm mùa”. Tôi nghĩ đó là một cảm thức có tính vũ trụ gắn với nhân sinh trong tâm thức, tâm hồn người làm thơ, đã đến một độ chín nào đó, đã thăng hoa hơn mức bình thường, và dĩ nhiên tự khắc phải đi tìm một hình thức thể hiện mới. Vì sự “lặp lại” là giết chết nghệ thuật, trong đó có Nàng Thơ. Trong thơ cách mạng Việt Nam 1945 -1975, rất ít khi chúng ta gặp nhan đề một bài thơ hay một tập thơ có chữ “thiêng”.
    Hãy đọc những bài thơ, mà theo ý tôi, là hay trong tập Mùa thiêng, sẽ thấy rõ cái cảm thức về vũ trụ gắn với cảm thức về nhân sinh rất rõ: Giọt thu Hà Nội, Mùa chưng cất, Mùa thiêng, Giao cảm mùa xuân, Gõ cửa mùa xuân, Nỗi rừng, Thơ và lúa, Lục bát hồn thơ, Bà mẹ hình trăng, Huyền thoại tuyết rơi, Khoảng trời, Yên Tử hồn non. Thơ Đặng Cương Lăng thường ngắn (bằng chứng là một tập thơ mà dung chứa nổi cả 59 bài), sự ngắn đã qua  mài giũa, chưng cất, cốt chỉ đạt tới cái yêu cầu thường trực “quý hồ tinh bất quý hồ đa” vẫn được coi như một quy luật khắt khe của sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt đối với Nàng Thơ. Phải nói ngay rằng, cũng như trong Đất làng, trong Mùa thiêng, mảng thơ về thế sự vẫn không nổi trội và ấn tượng bằng mảng thơ về thiên nhiên, tạo vật. Ngẫu nhiên hay là tất nhiên? Tôi nghĩ là tất nhiên. Vì mỗi người có cái “tạng văn” của riêng mình. Như các cụ ta vẫn nói “nhân tâm tùy …mạng mỡ”!
    Bài thơ Mùa thiêng (được dùng đặt tên cho cả tập thơ), theo tôi, như là điểm “độc sáng” của cả tập thơ, nó khúc xạ những phương diện cảm xúc mới của Người Thơ Đặng Cương Lăng ở một “khúc ngoặt”, nghĩa là gia tăng tính chất “hướng nội” trong khi không bỏ qua hoặc xem nhẹ “hướng ngoại”. So sánh với Đất làng thì Mùa thiêng, nếu có thể ví von, thì giống người mộ đạo (Phật) nhất định phải đến với Yên Tử, dù chỉ một lần. Trên chót vót mây trời, ta mới biết ta nhỏ bé đến nhường nào; giữa thiên nhiên bao la và trinh nguyên, ta mới biết ta bụi bặm cần gột rửa đến nhường nào; giữa yên tĩnh tuyệt đối ta mới hiểu đã lắm lời vô nghĩa đến nhường nào. Khát vọng đắc đạo của con người chỉ có thể đến khi ta có cái khả năng giao cảm, giao mùa với thiên nhiên, tạo vật.
    Tôi lại nghĩ đến cái hình ảnh “dây neo trần gian” trong thơ Đặng Cương Lăng trong Mùa thiêng. Là vì: vẫn khát khao bay cao, bay xa, nhiều khi như “thoát tục” hoàn toàn, thì trong sâu thẳm, cái “dây neo trần gian” vẫn ghì níu Người Thơ Đặng Cương Lăng lại với đời, với người. Bằng chứng là, từ “giao cảm mùa” với thiên nhiên, tạo vật; mặt khác thấy tác giả vẫn đắm đuối với cõi trần, dù ở đó đôi khi cũng lắm điều nhiễu nhương, thậm chí “chướng tai, gai mắt”. Tác giả vẫn tha thiết với Lính đảo, Nỗi đau, Trống rỗng, Lời mẹ, Láng giềng, Miền Trung ngày giông tố, Công lí…Nhan đề những bài thơ như trên (chiếm tỉ lệ cao trong tập thơ) chứng tỏ Đặng Cương Lăng vẵn nặng nợ với đời, với người. Ai mà thoát ra được ngoài cái quy luật sinh tồn “sinh lão bệnh tử”? Mà đã sống với đồng loại thì phải nương tựa vào nhau chứ không nhằm loại trừ nhau. Muốn thế cũng cần có tối thiếu một năng lực giao cảm giữa người với người, như con người cần có cái khả năng giao cảm mùa với thiên nhiên, tạo vật vậy. Nói thế để biết đôi cánh thơ Đặng Cương Lăng trong Mùa thiêng, khi bay lên đã cân đối, hài hòa, tạo nên thế cân bằng cần thiết, ít chao đảo, nghiêng ngửa.
    Tôi đã hơn một lần nghe Đặng Cương Lăng đọc bài thơ Bà mẹ hình trăng trước một cử tọa đông đảo và trong số đó cũng không ít người sành thơ, thậm chí rất kĩ tính trong thẩm bình thơ. Ấy vậy mà nhiều lặng đi xúc động, ấy vậy mà nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Một phần anh có cách đọc thơ diễn cảm, sự diễn cảm không phải do kĩ thuật luyến láy, nuốt âm nhả chữ như các phát thanh viên truyền hình, mà là xuất phát từ con tim. Tôi cũng đã ngồi càphê với Đặng Cương Lăng để “liều lĩnh” sửa vài ba chữ thơ của anh. Thế mà không thấy tự ái, thế mà thấy cầu thị tiếp thu, để rồi sau này đọc lại, thấy anh im lặng tu chỉnh câu chữ (tỉ như bài Hạt lúa -Phận người). Tôi quý và trân trọng thái độ ấy, tinh thần ấy, dù cho tôi đã nói trước với anh và nhiều người khác là:  tôi không “sành” thơ!
    Cũng không phải là hoàn mĩ, tuyệt đối thành công với thơ, dẫu cho là một tài năng thơ bất kì. Đặng Cương Lăng không là ngoại lệ. Trong tập thơ Mùa thiêng, tôi cứ nghĩ giống như một thúng gạo ngon, vẫn có thể nhặt ra đôi ba hạt sạn. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng Đặng Cương Lăng có khiếu về lục bát khi sáng tác thơ. Đã đành! Nhưng năng khiếu “trời cho” mà dùng mãi, cũng đến khi hết. Thơ còn đòi hỏi lao động chữ nghĩa nghiêm túc, nói như nhà thơ Nga tài danh Maiacôpxkhi “Làm thơ như tuyển, luyện quặng”. Trong Mùa thiêng, Đặng Cương Lăng vẫn phát huy thế mạnh lục bát, nhưng một vài trường hợp, không biết có phải là vô tình,  anh đã biến “sở trường thành sở đoản” (bài Gom, là một ví dụ).
    Nhưng mà thôi, tôi không muốn nói nhiều về những chỗ chưa mạnh của thơ Đặng Cương Lăng trong Mùa thiêng. Điều quan trọng là, trong tương lai (gần và xa), Người Thơ này còn đem đến cho độc giả và giới phê bình văn chương niềm hi vọng? Bằng lí tính hay bằng linh cảm nghề nghiệp mà phán xét đây? Tôi nghĩ, cần thiết cả hai. Tôi đã nêu nhận xét sau với một số đồng nghiệp được coi là “sành” thơ, và có ý lắng nghe phản hồi của họ: Đặng Cương Lăng thật sự không có ý thức trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp. Nhưng thơ anh có cái phẩm tính của người sáng tác thơ chuyên nghiệp. Trong năm đồng nghiệp mà tôi chia sẻ, thì có đến bốn người đồng tình với ý kiến của tôi. Thế là lấy làm mừng. Và hôm nay ngồi viết một bài nho nhỏ, nhân tập thơ Mùa thiêng của Đặng Cương Lăng ra mắt độc giả, tôi có cái kì vọng dựa trên một niềm tin (niềm tin lại dựa trên linh cảm/ trực giác): Anh sẽ còn “sống chết” với Nàng Thơ, thơ Anh sẽ ngày càng chín.
    Tôi hình dung, Đặng Cương Lăng không phải là một tác giả thơ “tài tử”, như ta đã gặp đâu đó. Anh cũng chẳng hề có mối tình “sét đánh” với Nàng Thơ, như ai đó nói. Anh đến với Thơ như con người ta cần nước uống sạch, khí trời trong, gió lành, ánh mặt trời ban mai. Và riêng tôi vẫn tin, Mùa thiêng chưa phải là tập thơ cuối cùng của Đặng Cương Lăng. Nhưng là một cột mốc trong hành trình thơ ca của Anh. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc yêu thơ gần, xa “đứa con tinh thần mới” của Đặng Cương Lăng - Mùa thiêng./.
                        Hà Nội, đầu tháng 11 năm 2013
                                       B.V.T.

Nguồn :Trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét